Cách vài cây số, giá cá tăng 2-3 lần
Trong khi nhiều ngư dân thua lỗ do giá cá xuống thấp, thu không đủ bù chi thì người tiêu dùng phải mua cá với giá gấp 2-3 lần giá bán của ngư dân.
Cách vài cây số, giá cá tăng 2-3 lần
Trong khi nhiều ngư dân thua lỗ do giá cá xuống thấp, thu không đủ bù chi thì người tiêu dùng phải mua cá với giá gấp 2-3 lần giá bán của ngư dân.
Trong khi nhiều ngư dân thua lỗ sau các chuyến biển do giá cá quá thấp, người tiêu dùng phải mua cá với giá cao – Ảnh: Trường Trung |
Dù được hay mất mùa, lượng hải sản ngư dân đưa về đều do đầu nậu quyết định giá. Theo các ngư dân, phí tổn mỗi chuyến ra khơi quá lớn, thông thường lên tới hàng trăm triệu đồng nên phải vay mượn của đầu mối thu mua. Mượn tiền ứng trước của đầu nậu mua xăng dầu ra khơi nên lúc trở về, ngư dân phải bán sản phẩm đánh bắt cho các đầu nậu với giá do người mua áp đặt.
Ngư dân bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt
Sau gần chục ngày làm lưới giã cào trên biển nhưng hai tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Thuận (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) ôm lỗ hơn 40 triệu đồng. Ông Thuận cho biết phí tổn mỗi ngày của hai con tàu này hơn 30 triệu đồng nhưng chuyến đi biển vừa rồi chỉ thu được 10 tấn cá các loại với giá bán 80 triệu đồng. “Giá cá hai năm nay không tăng mà chỉ có giảm theo thời vụ nên tàu trúng luồng cá thì lời, còn không trúng đành chịu lỗ. Tui cứ tính theo sản lượng, chuyến nào đi trên 15 tấn là chuyến ấy có ăn” – ông Thuận nói.
Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, ông Thuận phải vay tiền đầu nậu hơn 50 triệu đồng mua dầu và các nhu yếu phẩm nên khi vào bờ không thể xuất bán cho ai khác được. “Nhiều khi điện thoại cho bạn tàu Huế, biết là thương lái ở đó mua cao hơn một giá nhưng không thể bán được vì mình vay phí tổn để ra khơi, nếu giờ vì giá thấp mà không bán thì sau này khó đường làm ăn. Hơn nữa, hàng lên bờ cũng mong bán cho mau bởi càng để lâu càng mất giá” – ông Thuận nói. Theo ngư dân, dù vay tiền của đầu nậu không tính lãi nhưng thực chất khi vào bờ buộc phải bán cá cho họ nên cũng như vay nặng lãi.
Điều bất hợp lý là từ âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lên cảng cá chỉ khoảng 100m nhưng giá cá chênh lệch từ 6.000-7.000 đồng/kg. “Ngư dân vào bờ chỉ được bán cho đầu nậu, thương lái các nơi khác đến không thể xuống dưới âu thuyền mua được. Sau khi mua của ngư dân đưa lên cảng chỉ cách trăm mét, đầu nậu bán lại thương lái với giá chênh lệch khoảng 7.000 đồng/kg cá” – anh T., nhân viên của một đầu nậu, nói.
Từ cảng cá, hàng tiếp tục được thương lái phân phối lại cho các đầu mối tại các chợ trong TP Đà Nẵng. Giá cá qua khâu trung gian này thường chênh lên 7.000-8.000 đồng/kg. Tại các chợ lẻ, giá cá lại được đẩy lên khá cao, thường khi đến tay người tiêu dùng tăng lên từ 10.000-15.000 đồng/kg nữa tùy theo khoảng cách từ cảng cá đến các chợ. “Ngay cả người quen của tui cũng phải mua cá với giá cao gấp nhiều lần giá tại cảng, ngư dân tụi tui cũng biết nhưng đâu thể thay đổi được gì. Mình vay tiền của đầu nậu nên phải bán cá cho họ, chấp nhận giá cá do họ ấn định chứ chẳng lẽ bỏ cho cá hư” – một chủ tàu nói.
“Bán giá thấp hơn là đương nhiên”
Theo ông Trần Nô (chủ hai tàu giã cào ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), về nguyên tắc các chủ tàu không được bán sản phẩm cho ai khác ngoài đầu nậu mà mình vay tiền hoặc mua hàng trả chậm. “Họ có quyền chọn cá loại một, loại hai, với cá loại ba thì mình mới được quyền bỏ cho người khác. Giá cá thông thường 20 thì đầu nậu chỉ trả 19, coi phần thiếu đó như là tiền lãi cho mượn phí tổn. Mình cũng không muốn vay nhưng không có vốn ra biển, hơn nữa vào bờ nếu không bán ngay thì cũng không biết chứa ở đâu” – ông Nô nói.
Trong khi ngư dân đang ngắc ngoải thì đầu nậu và các khâu trung gian khác vẫn sống được. Ông Nguyễn Thanh L., chủ nậu nhiều năm mua cá của ngư dân ở âu thuyền Thọ Quang, nói: “Chúng tôi bỏ tiền ra cho ngư dân vay thì buộc phải lấy lại bằng cách ăn giá chênh lệch vậy thôi. Họ buộc phải bán rẻ cho tôi một tí nhưng mà bền, có khi họ ra biển gặp nạn về không có cá bán tôi cũng cho nợ, rồi cho vay tiếp để họ ra khơi”.
Ông Nguyễn Văn Trường, chủ tàu hậu cần PY 95221 (tỉnh Phú Yên) chuyên thu mua các loại cá tàu lưới vây, cho biết việc cho ngư dân vay để đi biển là khoản đặt cọc tiền mua cá nên ngư dân phải bán cá cho họ. Việc bán giá thấp hơn cũng là đương nhiên vì nếu tính chi phí ngư dân vay ngoài thị trường thông thường cũng 4%/tháng.
“Hiện nay các nhà máy đều thu mua qua chúng tôi bởi nhà máy cần lượng hàng lớn, không ai đi mua từng tàu vài tấn mang vào kho cả. Chúng tôi bỏ vốn và ăn hoa hồng chứ không thể ép giá ngư dân được vì họ làm nghề trên biển với nhau, giá cả thế nào họ đều rành hết cả” – ông Trường cho biết.
Đại diện ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết việc xuất bán thủy sản qua tay đầu nậu chủ yếu là đối với các tàu ngoại tỉnh vì dường như đã có thông lệ xưa nay, tâm lý ngư dân lên bờ cũng mong muốn mau chóng xuất bán sản phẩm. Hiện nay tại khu cảng cá mới chỉ có một đơn vị thu mua thuê mặt bằng để làm kho đông lạnh nhưng nhu cầu chưa nhiều.
Giá cá bán ra của ngư dân và tại các chợ (ngày 13-9)
|
Ngư dân (Nguyễn Ðình Ý) |
Ðầu nậu |
Thương lái và khâu trung gian (đầu mối mua cá về bán lại cho các chợ) |
Chợ Hàn (cách Thọ Quang 3km) |
Cá ngừ |
15 |
21 |
29 |
40-45 |
Cá nục gai |
10 |
17 |
25 |
38-40 |
Cá nục suôn |
25 |
30 |
37 |
50 |
Cá giò |
20 |
28 |
37 |
50 |
Cá hố |
70 |
80 |
100 |
130-150 |
Cần có đầu mối giữa chủ tàu và nhà máy chế biến Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết để khắc phục tình trạng rớt giá sản phẩm đánh bắt, cần tổ chức khai thác theo tổ đội để tạo thành đầu mối giữa các chủ tàu và nhà máy chế biến nhằm tránh bị trung gian ép giá, đồng thời Nhà nước sẽ xây dựng một kho đông lạnh loại lớn để ngư dân ướp cá khi đánh bắt về mà chưa tiêu thụ được. Ông Lê Viết Chữ, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho rằng các tỉnh thành miền Trung có lượng ngư dân lớn đánh bắt ở Hoàng Sa cần có biện pháp giúp ngư dân giàu mạnh thông qua việc đầu tư hiện đại hoá đội tàu, tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên đầu tư cho chế biến để tạo mối quan hệ liên hoàn tiêu thụ sản phẩm giúp tăng thu nhập cho ngư dân. |