Mỗi tỉnh có hơn 6 nhà máy bia
Với hơn 400 nhà máy bia ở thời điểm hiện tại, nếu tính trung bình, mỗi tỉnh/thành có hơn 6 nhà máy với công suất từ hàng chục đến hàng trăm triệu lít/năm.
Mỗi tỉnh có hơn 6 nhà máy bia
Với hơn 400 nhà máy bia ở thời điểm hiện tại, nếu tính trung bình, mỗi tỉnh/thành có hơn 6 nhà máy với công suất từ hàng chục đến hàng trăm triệu lít/năm.
|
Trong đó, Tổng công ty CP bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dẫn đầu về số lượng cũng như tốc độ xây dựng nhà máy sản xuất bia. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp (DN) này đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 1,8 tỉ lít bia. Vào cuối năm 2013, Sabeco đưa vào hoạt động Nhà máy bia Sài Gòn – Ninh Thuận vốn đầu tư 450 tỉ đồng với công suất 50 triệu lít/năm (sẽ nâng lên 100 triệu lít/năm cho những năm tiếp theo). Ngay sau đó, DN này tiếp tục khởi công dự án Sài Gòn – Cần Thơ công suất 50 triệu lít/năm, vốn đầu tư xấp xỉ hơn 450 tỉ đồng. Đến đầu năm 2014, dự án Nhà máy bia Sài Gòn – Kiên Giang công suất 50 triệu lít/năm với tổng số tiền đầu tư 600 tỉ đồng ra đời. Chỉ vài tháng sau đó, DN này tiếp tục đổ 620 tỉ đồng đầu tư Nhà máy bia Sài Gòn – Khánh Hòa công suất 50 triệu lít/năm.
|
Ở phía bắc, Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho khánh thành Nhà máy bia Hà Nội – Thái Bình công suất 50 triệu lít/năm. Đến nay, riêng Habeco đã có 14 nhà máy rải khắp cả nước với tổng công suất khoảng 811 triệu lít bia/năm. Đó là chưa kể những lò bia tươi được lập ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội có bia Legend, bia Việt Tiệp…
Các công ty nước ngoài cũng không kém cạnh khi lao vào cuộc mở rộng quy mô để khai thác thị trường bia nội quá béo bở này với các dự án có công suất lớn. Đó là Tập đoàn BTG Holdings (Slovakia) khởi công xây dựng Nhà máy bia Tiệp, công suất 190 triệu lít/năm, tại KCN Lạc Thịnh, tỉnh Hòa Bình, với tổng vốn 86 triệu euro (khoảng hơn 2.500 tỉ đồng) vào cuối năm 2013. Sản phẩm của nhà máy này là bia Budweiser Budvar dự kiến sẽ ra mắt vào cuối 2014. Bia Sapporo VN chỉ sau một thời gian ngắn vào thị trường nội địa cũng lao vào cuộc cạnh tranh thị phần quyết liệt. Hiện hãng này đã chiếm 10% thị phần bia cao cấp tại TP.HCM. Cùng với sự tăng trưởng thị phần, nhà máy có công suất 40 triệu lít/năm trong KCN Việt Đức – Đức Hòa (Long An), tiếp tục nâng công suất lên 100 triệu lít/năm từ cuối năm qua.
Hãng Carlsberg (Đan Mạch) dù không còn được chuộng như trước cũng đã liên doanh với một số DN trong nước tiếp tục đầu tư vào các nhà máy mới.
Làm một phép tính đơn giản để thấy, vốn đã và đang ồ ạt đổ vào bia. Lấy Sabeco làm ví dụ, các nhà máy của DN này được đầu tư từ 450 – 600 tỉ đồng. Tính trung bình 500 tỉ đồng/dự án, với 24 dự án nhà máy bia, số tiền DN này đổ vào để đầu tư là 12.000 tỉ đồng. Nếu tính tổng đầu tư của tất cả các thương hiệu bia hiện đã có nhà máy tại VN, con số đầu tư này phải lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Tỉnh nghèo cũng có nhà máy bia hoành tráng
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2014, có gần 2,3 tỉ lít bia được sản xuất, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tất yếu của việc ồ ạt xây dựng nhà máy bia như nói trên. Đặc biệt, một số tỉnh xin cứu đói dịp tết vừa qua cũng có nhà máy bia không kém phần hoành tráng. Chẳng hạn, Ninh Thuận có nhà máy bia với công suất 50 triệu lít/năm, Quảng Bình có nhà máy bia công suất 30 triệu lít/năm, Nghệ An với Nhà máy bia Sông Lam công suất 100 triệu lít/năm và có thể nâng công suất lên 200 triệu lít/ năm.
Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, tình trạng “nhà nhà làm bia, người người uống bia” là mối nguy lớn đối với nền kinh tế đang không được khỏe như lúc này. “Phải rà soát lại ngay lập tức quy hoạch sản xuất bia. Các tỉnh nghèo đến chót bảng đầu tư nhà máy bia nhằm tạo công ăn việc làm nhưng mặt trái của nó là bia làm ra, bán tại địa phương, ai uống mấy chục triệu lít đó? Có phải để bán cho cả những người đang trong diện xóa nghèo không?”…
TS Nguyễn Văn Sơn, Khoa Kinh tế – Luật, Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: “Chính phủ nhiều nước thường áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt việc cấp phép đầu tư vào các dự án sản xuất bia để hạn chế công suất ở mức cần thiết. Kèm theo là kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất kinh doanh của DN sau khi cấp phép đầu tư như: môi trường, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh”. TS Sơn cũng nhấn mạnh, việc quản lý đầu tư nhà máy bia của VN hiện đang có nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi Chính phủ đã phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương rồi thì không ai kiểm soát, có thời kỳ nhiều tỉnh đua nhau cấp phép đầu tư sản xuất bia, nên công suất sản xuất quá lớn. Trong khi đó, kiểm soát về chất lượng, môi trường… chỉ làm theo phong trào, không có tác dụng đồng bộ dài hạn… “Do đó Chính phủ cần nâng cao năng lực kiểm tra giám sát tình hình thực hiện dự án sau khi cấp giấy phép đầu tư để phát triển ngành này một cách phù hợp”, TS Nguyễn Văn Sơn nói.
Tỏ ý băn khoăn về hiệu quả đồng vốn bỏ vào đầu tư bia, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói: “Không phủ nhận là đóng góp của DN bia vào ngân sách của nhà nước, song cũng phải dũng cảm hay nói đúng hơn là tỉnh táo để cân nhắc tính hiệu quả, tác động xã hội mà sản phẩm đó mang lại”.
Nguyên Nga – Mai Phương