Chính sách cách ly phòng Ebola bị chỉ trích
Chính sách phòng bị nghiêm ngặt phòng Ebola của một số bang tại Mỹ bị xem là quá lố nên sẽ gây tâm lý hoang mang hơn là hiệu quả.
Chính sách cách ly phòng Ebola bị chỉ trích
Chính sách phòng bị nghiêm ngặt phòng Ebola của một số bang tại Mỹ bị xem là quá lố nên sẽ gây tâm lý hoang mang hơn là hiệu quả.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (trái) giải thích về qui định phòng chống Ebola cùng thống đốc bang New Jersey Chris Christie (phải) – Ảnh:AFP |
Nhà Trắng vừa yêu cầu thống đốc bang New York Andrew Cuomo và thống đốc bang New Jersey Chris Christie huỷ bỏ lệnh cách ly 21 ngày mà hai quan chức này đã cùng tuyên bố vào ngày 24-10. Giới chức Nhà Trắng cảnh báo hai vị thống đốc này về “những hậu quả không lường trước được” nếu cách ly tất cả các nhân viên y tế trở về từ Tây Phi.
Đáp lại, người phát ngôn của thống đốc bang New Jersey, Kevin Roberts cho rằng bang New Jersey sẽ không thay đổi lệnh cách ly này vì lệnh này đã nêu rõ ràng rằng cư dân New Jersey không có triệu chứng Ebola nhưng có tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân nhiễm Ebola nào khác, chẳng hạn như nhân viên y tê, thì sẽ bị cách ly bắt buộc và cách ly tại nhà.
Báo chí Mỹ đang đăng tải liên tục câu chuyện của nữ y tá kể lại chuyện bị đối xử như tội phạm chỉ vì cô vừa trở về từ Tây Phi.
Ngày 26-10, Kaci Hickox cho biết cô cảm thấy bị đối xử như một tội phạm sau khi hoàn thành chuyến điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Ebola ở Tây Phi trở về Mỹ và bị cách ly 21 ngày để theo dõi theo qui định mới của chính quyền hai bang New York và New Jersey.
Nữ y tá cho biết cô cảm thấy hoang mang vì cách mà các sân bay ở Mỹ đối xử với nhân viên y tế trở về từ vùng dịch. “Tôi cảm thấy hoang mang, những người khác cũng như tôi họ sẽ đến và chứng kiến sự hỗn loạn thiếu tổ chức, nỗi sợ hãi và sợ nhất là bị cách ly” - AFP dẫn lời cô Hickox.
Khi vừa xuống sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey sau thời gian đến làm việc cho Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) ở Sierra Leone, nữ y táHickox cho biết cô bị một nhân viên xuất nhập cảnh hạch hỏi như “một phạm nhân” bất chấp cô cảm thấy “mệt mỏi, đói và hoang mang”. “Không ai có trách nhiệm, không ai nói với tôi chuyện gì đang xảy ra ở đó và ít nhất là xảy ra với tôi. Tôi luôn tự hỏi mình đã làm gì sai khi phải chịu hạch hỏi đến 3 tiếng đồng hồ trong phòng cách ly” - nữ y tá thiện nguyện kể lại.
Nhiệt độ cơ thể của Hickox lúc ban đầu là 37 độ C nhưng sau khi xuống sân bay 4 giờ thì nhiệt độ trán cô tăng và người ta cho rằng cô bị sốt. Nữ y tá than phiền rằng nhiệt độ trán cô tăng lên là do cô bị bất ngờ và lo lắng vì cách cô bị đối xử ở sân bay. Hickox cho biết hơn 8 chiếc xe cảnh sát ngay sau đó đã “hộ tống” cô đến thẳng bệnh viện.
“Còi hụ, đèn chớp và lại một lần nữa tôi tự hỏi mình đã làm gì sai. Tôi đã phải trải qua một tháng để chứng kiến trẻ em thiệt mạng, tôi chứng kiến thảm kịch nhân loại đang tăng từng ngày ngay trước mắt mình. Tôi ngồi một mình trong lều cách ly và nghĩ đến nhiều đồng nghiệp của tôi khi trở về Mỹ cũng sẽ bị như tôi. Liệu họ cũng sẽ có cảm giác như một phạm nhân hay tù nhân như tôi hay không?” – Hickox buồn bã nói.
Nữ y tá kêu gọi chính phủ Mỹ phải đối xử với lực lượng nhân viên y tế bằng sự tôn trọng và nhân đạo vì thế giới đang cần lực lượng này giúp sức trong cuộc chiến chống Ebola ở Tây Phi.
Bà Sophie Delaunay, giám đốc điều hành của MSF nhấn mạnh đang có sự “mập mờ” trong qui định cách ly giới nhân viên y tế trở về từ vùng dịch Ebola mà chính quyền hai bang New York và New Jersey đưa ra.