13/01/2025

Nhiều vụ án man rợ, vì sao?

Vợ chồng em giết vợ chồng anh; giết vợ hờ, chặt làm ba khúc phi tang… Những vụ án man rợ xảy ra trong thời gian gần đây được các chuyên gia phân tích.

 

Nhiều vụ án man rợ, vì sao?

Vợ chồng em giết vợ chồng anh; giết vợ hờ, chặt làm ba khúc phi tang… Những vụ án man rợ xảy ra trong thời gian gần đây được các chuyên gia phân tích. 

 

Đặng Văn Tuấn, nghi can trong vụ giết người chặt xác chấn động dư luận – Ảnh: Đức Thanh

Thay đổi tư duy giáo dục, vô hiệu hoá điều kiện phạm tội… là những giải pháp mà các chuyên gia đưa ra.

 “Cần xây dựng một nền giáo dục hướng thiện thật sự, phải rèn nhân trước khi rèn nghề. Tuy nhiên, nên hiểu giáo dục ở đây không chỉ là một mối ở nhà trường mà còn tổng hoà từ cả gia đình, xã hội” – ông Đinh Văn Quế, nguyên chánh toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, nói. 

Mặc dù đang bệnh nặng nhưng ông Đinh Văn Quế (ảnh), nguyên  chánh Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, vẫn trăn trở với câu hỏi nhức nhối: Tại sao cái ác kinh khủng như thế?

Ông Đinh Văn Quế

Ông nói:

– Xã hội trước đây cũng có án giết người nhưng không có nhiều vụ man rợ, tàn bạo như bây giờ. Hồi ấy, chủ yếu là các băng đảng hình sự cướp của giết người, thanh toán lẫn nhau.

Còn bây giờ lại có nhiều vụ do chính người thân thiết ra tay ác độc với nhau. Thậm chí, có những vụ man rợ đến mức mà chính tôi suốt bao nhiêu năm ở ghế xét xử cái ác cũng phải bất ngờ, ghê rợn. Cái ác có vẻ ngày càng dữ dội hơn, khủng khiếp hơn. Nhiều người không còn sợ pháp luật nữa. 

Giáo dục con người không chỉ để kiếm sống

* Tại sao lại xảy ra tình trạng như thế này? Đã có quá nhiều nguyên nhân được phân tích, nhưng gốc rễ vấn đề nằm ở đâu?

– Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến từng tội phạm cụ thể như kinh tế, ma tuý, nhận thức kém, rượu bia, tình ái… Nhưng tôi cho rằng gốc rễ của vấn đề xã hội này chính là giáo dục.

Lịch sử các triều đại phong kiến của chúng ta ngày xưa ảnh hưởng nước láng giềng phương Bắc, mà họ lại lấy cái ác để trừng trị cái ác.

Nhiều hình phạt man rợ khủng khiếp như cho voi giày, ngựa xé, tùng xẻo, chặt đầu cả dòng họ từ em bé tới người già đều từ chế độ phong kiến phương Bắc mà ra. Mầm mống cái ác cũng chính từ đây.

Sau này thời chiến, rồi thời kỳ kinh tế khó khăn, kể cả giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế thị trường, nền giáo dục chúng ta cũng chưa quan tâm đến nền giáo dục hướng thiện để rèn luyện nhân cách con người, làm cho con người trở nên cao đẹp hơn.

Việc giáo dục của mình chỉ chăm chăm đến con chữ, kiến thức, nghề nghiệp để kiếm sống, để tồn tại trong xã hội.

* Tôi biết có những người đã dạy con nhỏ của mình thế này: Sao mày ngu thế, hèn thế. Nó chửi mày, mày không biết chửi lại à? Nó đánh mày, mày không biết đánh lại à? Họ hở ra là bênh con, dạy con lấy ác độc chống trả ác độc. Tôi thấy thật kinh khủng! Sao lại có thể đào tạo con cái như thế được?

– Giáo dục không hướng thiện. Người lớn là hình ảnh xấu đối với trẻ em. Nó chính là mầm mống của cái ác ngự trị. Cha con giết nhau. Vợ chồng hại nhau. Cô giáo bạo hành học trò. Công an dùng nhục hình.

Từng này tuổi rồi, tôi cũng không hình dung nổi cách lấy nước đá tra tấn bộ phận sinh dục con người.

Rèn nhân trước khi rèn nghề

* Nhiều người đang có ý kiến luật pháp cần phải trừng trị nặng hơn để tăng tính răn đe. Từng ngồi ở ghế kết án tội phạm, quan điểm của ông thế nào?

– Không ăn thua, không đi đến đâu. Hãy hỏi bao nhiêu án tử hình đã tuyên mà người ta có sợ không? Bao nhiêu kẻ bị xử bắn vì tội buôn ma tuý mà sao họ vẫn lao đầu vào chỗ chết? Có nước lấy trừng trị nghiêm khắc để răn đe mà xã hội họ có trật tự, an bình hơn không? Không.

Nhiều quốc gia bỏ án tử hình mà xã hội họ có tốt đẹp hơn không? Có.

Bây giờ ở ngoài xã hội, người ta hay nghe thanh niên nói câu bất cần đời: chết là cùng chứ gì. Đó là điều phải suy nghĩ.

Lấy trừng phạt nặng nề để răn đe nhằm mục đích tạo sự sợ hãi mà tránh xa. Nhưng khi đối tượng không còn biết sợ hãi nữa thì sẽ thế nào? Đó chính là câu “chết là cùng”.

Thực tế ngoài xã hội có những kẻ chọn con đường này hoặc trong phút chốc bùng nổ, họ sẵn sàng như thế. Thật nguy hiểm.

Trước đây, tôi có một cấp dưới lộ dấu hiệu tham nhũng. Tôi phát hiện, quan tâm sát sao anh ta và tìm cách khuyên nhủ. Anh ta đã hiểu và sửa mình, rồi trở thành một thẩm phán tốt. Có lần người này viết thư cho tôi: “Nếu anh mà không khuyên nhủ thì em đã thân tàn ma dại rồi”.

Thực tế nếu tôi không chọn giải pháp nhân văn này mà để anh ta phạm tội rồi sẽ xét xử thì cuộc đời anh ta sẽ thế nào?

Tôi biết có đại biểu Quốc hội từng đề nghị giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tăng mức án phạt nặng nề hơn. Cá nhân tôi không chấp nhận ý này.

Hãy ví dụ một đứa trẻ mà cha mẹ cứ dạy bằng roi vọt, chắc chắn rồi nó sẽ lì đòn, không sợ đòn roi nữa. Nhưng một đứa trẻ được giáo dục, khuyên bảo tử tế, đúng đắn lại phát triển tốt đẹp hơn. Chúng ta chọn cái nào.

Lịch sử cũng cho thấy những xã hội phong kiến mà nhà vua chủ trương pháp trị, gieo rắc sự sợ hãi trong nhân dân rốt cuộc đều đại loạn. Những xã hội nhân trị đều thái bình, đạo đức tốt đẹp.

Tất nhiên có nhà nước là phải có pháp trị, nhưng nếu đề cao nhân trị, lấy nhân trị làm gốc thì pháp trị ngày càng được giảm dần.

* Đó là những lý luận cốt lõi, nhưng chúng ta nên thực hiện những giải pháp cụ thể gì để đem lại sự bình an cho xã hội, giảm bớt tính ác trong con người?

– Tất nhiên phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng tôi lấy giáo dục làm gốc rễ để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Cần xây dựng một nền giáo dục hướng thiện thật sự, phải rèn nhân trước khi rèn nghề.

Tuy nhiên, nên hiểu giáo dục ở đây không chỉ là một mối ở nhà trường mà còn tổng hòa từ cả gia đình, xã hội. Cha mẹ mà hư hỏng thì làm sao con cái thành người được.

Lãnh đạo cơ quan mà tham quyền cố vị, tham nhũng, ưa kẻ xu nịnh, chèn ép người tài thì nhân viên tất loạn.

Tôi nghĩ việc xây dựng một nền giáo dục hướng thiện phải được nhận thức là một chiến lược cấp bách của quốc gia. Nó phải được thực hiện tổng hòa trên cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Giáo dục đạo đức của chúng ta thời gian qua quá xa rời thực tế, nhiều mỹ từ to lớn mà sáo rỗng, người học không thể cảm xúc, hấp thụ được. Hãy mạnh dạn thay đổi mới mong thay đổi được bản chất xã hội.

Thạc sĩ Lê Hoàng Việt Lâm – Giảng viên ĐH An ninh Nhân dân: Cần vô hiệu hoá những nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Đó là hệ quả của sự suy đồi những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, là sự mê hoặc của ma tuý đá, là sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất.

Đó còn là hệ quả lối sống buông thả của các cá nhân, là sự giải quyết không đến nơi đến chốn của chính quyền các cấp; là những mâu thuẫn nội tại về lợi ích vật chất… Tổng hợp những yếu tố đó lại tạo nên một “xung lực” mạnh mẽ để các đối tượng thực hiện hành vi phi nhân tính của mình.

Vậy nên tội phạm và những hành vi tàn ác đó xuất hiện như một hiện tượng hoàn toàn “bình thường” trong xã hội.

Nói vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta dung túng cho tội phạm, chấp nhận sự tồn tại của tội phạm, mà ngược lại chúng ta cần phải đề ra những kế hoạch, phương án hạn chế tội phạm. Điều này không hề dễ dàng mà cần một lộ trình rất lâu dài, không có giới hạn về mặt thời gian.

Theo tôi, trước hết cần thực hiện tốt biện pháp tiếp cận phòng ngừa xã hội, cụ thể là cần phát hiện, xoá bỏ, vô hiệu hoá các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hiện tượng tội phạm và các hành vi sai lệch.

Bởi lẽ nhận thức hành vi, hoạt động của con người vốn mang bản chất tuân theo quy luật hướng thiện; mọi con người đều có thể trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.

Hành vi phạm tội của họ bên cạnh động cơ, ý chí cá nhân còn xuất phát từ những nguyên nhân, điều kiện xã hội nhất định mà nếu vô hiệu hóa được những nguyên nhân, điều kiện xã hội đó, con người sẽ không bị sa ngã vào môi trường tội ác.

Ngoài ra, cần tạo ra được sự đồng thuận xã hội trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Mỗi cá nhân cần xác định đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của chính mình. 

HÀ CHÂU ghi

* Luật sư Tạ Ngọc Vân (Hà Nội):

Phải nghiên cứu tình hình tội phạm mới

Để điều tra, xét xử một tội phạm cụ thể nào đó không khó, nhưng tìm ra sự thật đằng sau các tội phạm đó để hiểu rõ bản chất chung của tội phạm xã hội phức tạp hơn nhiều.

Lâu nay chúng ta quá dồn sức vào việc điều tra hành vi tội phạm cụ thể và xử lý nó mà thiếu đầu tư cho nghiên cứu bản chất tội phạm.

Các giai đoạn phát triển xã hội sẽ phát sinh các hình thức, bản chất tội phạm mới. Chẳng hạn trong nền kinh tế nông nghiệp trước đây làm gì có nhiều tội phạm tham nhũng như bây giờ.

Xã hội thuần nông đó cũng không có nhiều bức bối, ức chế dẫn đến nhiều tội phạm giết người man rợ như hiện nay. Theo tôi, giải pháp thì có rất nhiều. Nhưng vấn đề là phải nhận diện được bản chất tội phạm và quy luật của nó mới có giải pháp triệt để.

Đó chính là dự báo được tình hình tội phạm để điều chỉnh luật pháp, hành pháp xử lý cho phù hợp.

* Cựu tử tù tội cướp của giết người Nguyễn Tự Trọng (Quảng Ngãi) được ân xá:

Giúp đỡ tội phạm để ngăn ngừa tội phạm

Tôi biết có rất nhiều người sau khi ra tù lại quay về đường cũ, tạo hình ảnh xấu cho xã hội. Ngoài những lý do cá nhân, tôi hiểu nhiều người cũng có khó khăn khi hòa nhập cuộc sống mới. Giúp họ làm lại cuộc đời cũng là làm gương cho người đời.

Tình trạng đâm chém tàn bạo hiện nay cũng có nguyên nhân từ chính vấn đề này. Biết bao người ra tù lại trở thành kẻ xấu liên đới đến cả xã hội. Bao nhiêu người đã bắt chước họ, làm theo họ.

Vừa rồi, những vụ giết người, phanh thây cũng đều dính tới những kẻ có tiền án tiền sự không thể thay đổi được mình. Từng đối diện với án tử hình, tôi rất tâm đắc với việc hướng thiện con người. Chỉ có nó mới thay đổi được tâm tính xấu của con người.

Tôi nghĩ những người xấu mà sửa được mình thì có giá trị răn dạy người đời còn lớn hơn là trừng phạt nặng nề.