28/11/2024

Mẹ là người bạn lớn nhất

Ân bảo mẹ là người bạn lớn nhất của đời mình. Nhắc đến việc gì, bà Hoa cũng đều “Mẹ và Ân”. Bà biết con ít bạn nên mỗi lúc Ân từ Sài Gòn về là bà nghỉ bán cá, ở nhà để “nấu cơm cho Ân ăn”.

 

Cô bé có khối u khổng lồ: mẹ là người bạn lớn nhất

Ân bảo mẹ là người bạn lớn nhất của đời mình. Thế nên chúng tôi không ngạc nhiên khi bà Hoa cứ gọi con bằng tên riêng như hai người bạn. Nhắc đến việc gì, người mẹ cũng nói: “Mẹ và Ân”.

 

Nguyễn Hoàng Thiên Ân bên cha mẹ - Ảnh: H.Quân
Nguyễn Hoàng Thiên Ân bên cha mẹ – Ảnh: H.Quân

Đó là câu chuyện của cô bạn Nguyễn Hoàng Thiên Ân (19 tuổi) ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thiếu nghị lực sẽ chết mòn

Nguyễn Hoàng Thiên Ân bị khối bướu sợi thần kinh lớn nằm trên vùng đầu mặt với hệ thần kinh rất phức tạp.

Ngày 30-7-2013, Thiên Ân được chuyên gia phẫu thuật đến từ Mỹ McKay McKinnon cùng các bác sĩ Bệnh viện FV phẫu thuật cắt bỏ khối u khổng lồ miễn phí.

Thoáng thấy có người dừng xe trước nhà, Thiên Ân nép mình sau cánh cửa gỗ, khẽ mỉm cười thay cho lời chào gửi đến chúng tôi.

Vừa trải qua ca phẫu thuật cân chỉnh mắt và miệng nên cơn đau còn âm ỉ khiến nụ cười của em méo xệch đi. Dẫu vậy, mắt em vẫn ánh lên niềm vui bởi “có người đến chơi với Ân, Ân mừng lắm”.

Sinh ra bình thường, nhưng đến 8 tháng tuổi gia đình phát hiện Thiên Ân có khối u nhỏ bên vùng mặt phải, sau đó khối u lớn dần và kéo lệch mũi, mắt, môi và phá hỏng toàn bộ vùng mặt phải của em.

Bác sĩ cho biết Ân bị u sợi thần kinh. 19 năm trôi qua cũng là từng đấy năm em phải chống chọi với những nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ba của Ân – ông Nguyễn Xuân Hậu (58 tuổi) – cũng mắc bệnh u sợi thần kinh, khắp người nổi đầy những khối u lớn nhỏ. Trước ông còn làm nông nhưng sau này ông không thể ra đồng vì những khối u ngày càng lớn gây đau đớn, vướng víu mỗi khi cầm cuốc.

Thi thoảng ông đưa bàn tay nổi đầy khối u của mình vuốt tóc Ân rồi khẽ nói: “Ba già rồi, bệnh tật đầy người cũng chẳng sao. Chỉ mong Ân học giỏi để sau này tự lo cho mình”.

Rồi Ân tiếp lời ba: “Ba luôn dặn em mình đã dị dạng như vậy, nếu không cố gắng hoà nhập với mọi người xung quanh, không có nghị lực thì như tự khiến mình chết mòn”. Vừa nói Ân vừa nhẹ nhàng lấy những tấm giấy khen từ cấp I được ép nhựa cẩn thận khoe với chúng tôi.

Bà Hoàng Thị Kim Hoa (54 tuổi) – mẹ Thiên Ân – bộc bạch: “Ân đậu Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (hệ cao đẳng ngành dược). Ân muốn học trường nào cũng được nhưng hình hài Ân như vậy, học ngành thực phẩm sợ sau này không xin được việc làm nên khuyên Ân học làm dược sĩ.

Cha mẹ muốn che chở cho Ân cả đời nhưng làm sao được, tuổi ngày càng cao. Chỉ mong Ân học ra trường, người đời không kỳ thị mà nhận Ân vào làm là cha mẹ nhắm mắt cũng mãn nguyện”.

Hàng cá của mẹ, ước mơ vào đời của con

Ngày Ân nhận được giấy báo nhập học, hai mẹ con khăn gói lên TP.HCM tìm trường và phòng trọ. Sợ con mặc cảm và lạc lõng nên bà Hoa quyết định ở lại với con trong tháng đầu tiên. Do chưa có xe đạp, hai mẹ con đi bộ hơn 5km tới trường.

Ân vào lớp học, bà Hoa ngồi ngoài hành lang thấp thỏm đợi con học ra để đưa con về phòng trọ, nấu cơm, nhỏ thuốc thay băng gạc mắt cho Ân. “Mắt phải Ân sau khi phẫu thuật bị nghẽn tuyến lệ nên phải thường xuyên băng lại kẻo bị khô, khó chịu lắm!” – bà Hoa chia sẻ.

Khi thấy con thích nghi với môi trường mới bà mới trở về Bà Rịa – Vũng Tàu với hàng cá để kiếm tiền gửi cho con ăn học. Nhiều lúc Ân cũng muốn kiếm tiền phụ mẹ nhưng với gương mặt như thế, chẳng ai chịu nhận Ân. Thấy bạn bè cùng phòng kiếm được nhiều tiền, Ân cứ mãi “giá như”.

Thỉnh thoảng Ân gọi về thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi, các bạn kiếm được nhiều tiền lắm. Ân cũng muốn đi làm nhưng Ân biết làm chi đây mẹ?”. Những lúc như thế, bà Hoa chỉ biết động viên con: “Sau này Ân làm cái chi cũng được. Còn bây chừ Ân cứ học nha”.

Câu trả lời nhẹ tênh là thế, nhưng để lo được tiền học cho con, bà Hoa phải chật vật biết nhường nào. Bởi hàng cá của bà là nguồn thu nhập duy nhất nuôi bốn miệng ăn, mỗi sáng kiếm được vài chục nghìn chỉ đủ tiền lo cơm nước. Do đó, bà phải đợi nhà trường phát giấy thông báo về việc cho sinh viên vay vốn để làm đơn vay tiền đóng học phí cho con.

Ân bảo mẹ là người bạn lớn nhất của đời mình. Thế nên chúng tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên khi bà Hoa cứ gọi con bằng tên riêng như hai người bạn. Nhắc đến việc gì, bà Hoa cũng đều “Mẹ và Ân”. Bà biết con ít bạn nên mỗi lúc Ân từ Sài Gòn về là bà nghỉ bán cá, ở nhà để “nấu cơm cho Ân ăn”.

Ngồi lật lại từng bức ảnh, từng tờ giấy khen của Ân hồi nhỏ, ánh mắt bà rạng ngời hẳn lên. “Năm ngoái cùng Ân đi phẫu thuật, được trực tiếp theo dõi tiến trình phẫu thuật qua video, mỗi khi thấy bác sĩ khoan, cắt, lóc từng lớp da trên mặt con, mẹ chỉ muốn chạy xuống phòng với Ân ngay” – bà Hoa kể. Có lần, lúc đi học thể dục, đứa bạn vô tình sút quả bóng vào mặt Ân.

“May là bóng chỉ chạm vào trán, chứ xuống mũi là coi như đinh, ốc trong đó sút ra hết rồi”. Vừa kể, mẹ Thiên Ân vừa nói vui: “Ân bệnh tật vậy chứ làm thủ môn vẫn tốt lắm”. Đùa vậy thôi chứ trong lòng người mẹ ấy vẫn luôn chất chứa biết bao lo âu, hi vọng về đứa con gái của mình.

Nhìn mấy con chó, con mèo đang nằm trước khoảng sân, bà Hoa nói: “Bạn của Ân đó. Ân ít bạn lắm, về nhà là Ân cứ chơi với tụi nó. Lên Sài Gòn gọi điện về lúc nào cũng hỏi thăm chó mèo ở nhà ra sao. Nhiều lúc muốn bán chúng đi mà cứ sợ Ân về không có bạn chơi cùng”.

Nghe đến đó, chúng tôi mới hiểu thế nào là cô đơn thật sự…