Dạy con khó như… bơi giữa biển
Nhiều phụ huynh ví von, việc dạy con bây giờ chẳng khác gì bơi giữa biển cả mênh mông, không biết lấy gì làm điểm tựa và nơi nao là bến bờ.
Dạy con khó như… bơi giữa biển
Nhiều phụ huynh ví von, việc dạy con bây giờ chẳng khác gì bơi giữa biển cả mênh mông, không biết lấy gì làm điểm tựa và nơi nao là bến bờ.
|
Hoang mang khi con không còn ngủ chung
Gần đây, trong buổi tọa đàm diễn ra tại Trường THCS-THPT Ngôi Sao (TP.HCM) đề cập đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, một phụ huynh tên Hồng Thắm băn khoăn: “Hồi trước, chuyện gì con tôi cũng kể cho mẹ nghe. Nhưng mấy tháng nay, nó không còn ngủ chung với tôi nữa. Mẹ gặng hỏi thì nó nói không có chuyện gì cả. Tôi có cảm giác cháu nó càng ngày càng rút sâu vào thế giới riêng của nó”.
Tương tự, nhiều phụ huynh khác tỏ ra hoang mang bởi con mình (thậm chí có những em đã 14 – 15 tuổi) không còn ngủ chung nữa. Bà Phạm Thị Nhàn (ngụ P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) bối rối khi đứa con gái đang học lớp 9 bỗng dưng tách khỏi cha mẹ và tìm chỗ khác ngủ riêng.
Một phụ huynh tự nhận mình “may mắn hơn” vì đến tận bây giờ, đứa con trai học lớp 6 của bà vẫn còn… ngủ chung và ôm hôn mẹ như thuở ấu thơ. Bà tự hào khẳng định đó chính là những biểu hiện gần gũi của tình mẫu tử. Tuy nhiên, người mẹ này lại lo lắng ở góc độ khác, bởi dạo này đứa con hay nói cắc cớ: “Con có một bí mật. Và vì đó là bí mật nên con không thể kể cho mẹ nghe”.
Không những vậy, một số phụ huynh còn ưu tư chuyện bản thân lạc hậu về kiến thức và phương pháp dạy con, dẫn đến việc bị con xem thường.
Đầu hàng trên Facebook
“Cháu nó không còn tâm sự với cha mẹ như trước. Chúng tôi muốn định hướng cho con, muốn đọc nhật ký, suy nghĩ của nó để có cách giáo dục sát hơn nhưng không thể được. Chẳng hạn, muốn vào Facebook thì không biết mật mã. Đến khi giả làm người khác vào được, nó phát hiện mình là cha mẹ thì nó hất ra ngay”. Đó là thổ lộ của một người cha có con trai đang học lớp 11, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Cùng tâm trạng trên, một số chị em sinh hoạt trong CLB Dạy con nên người cũng nhìn nhận từng bị con cái… chặn tài khoản. Không vội đầu hàng, những phụ huynh này đã lập tài khoản mới nhưng rốt cục cũng bị “đối tượng” nhận ra. Một phụ huynh than thở: “Nó chỉ cho mình kết bạn ở những tài khoản mà nó không đưa ra bình luận gì cả”.
Ông Nguyễn Đắc Khoa (có hai con đang học lớp 8 và lớp 11 tại TP.HCM) chua chát ví von: “Phụ huynh dạy con bây giờ giống như đang bơi trong biển cả mênh mông. Không biết lấy gì làm điểm tựa và không biết bơi về đâu, thấy choáng ngợp vô cùng! Nhiều khi mấy đứa nhỏ chát chít với nhau, tụi tui thua, không thể nào kiểm soát được”.
“Trời ơi con tôi có bồ !”
Khi phát hiện con mình có mối quan hệ gần gũi với bạn khác giới, không ít phụ huynh hoảng hốt chẳng khác gì xảy ra… động đất. Một số người mẹ đứng ngồi không yên: “Trời ơi con tôi mới tí tuổi đầu mà đã có bồ! Lỡ chúng nó làm gì bậy bạ thì biết tính sao?”.
Tại buổi tọa đàm nói trên, một người cha khẳng định đứa con trai của ông học lớp 10 đang có bạn gái. Ông nói thẳng với con: “Bố mẹ nghiêm cấm chuyện con có bạn gái khi đang đi học. Con phải học thành tài thì tự động có nhiều con gái theo thôi”. Tiếp đó, ông đem câu chuyện ngày trước của mình kể cho con: “Hồi đó, cha học toán rất giỏi. Nhưng từ khi có bạn gái, cha lo kèm cặp cho người ta, nên cô ấy từ học bình thường thành giỏi lên, còn cha thì từ giỏi trở nên sa sút”. Ông đúc kết kinh nghiệm “xương máu” với con: “Phải gác chuyện tình cảm sang một bên để tập trung học. Như cha nè, đến năm lớp 10, cha quyết định bỏ tình cảm đi thì tiếp tục học rất giỏi”.
Ông Phạm Thanh Sang (Q.Bình Tân) cho hay ông có con gái lớn đang học năm thứ hai đại học, còn con trai thứ học lớp 8. Vợ chồng ông đều là nhân viên công sở, mỗi ngày chỉ tiếp xúc với hai con qua bữa ăn tối của cả nhà. Thế nhưng, theo ông Sang, trong khoảng thời gian tưởng chừng quý hiếm đó, gia đình ông người thì xem ti vi, người thì lên Facebook…, sự giao tiếp với nhau rất hạn chế. Sóng gió nổi lên khi đứa con gái đòi đi chơi với nhóm bạn ở Vũng Tàu và Phan Thiết. Ông lo lắng bảo vợ hãy trao đổi với con về chuyện sức khỏe sinh sản. Trước khi con đi Phan Thiết, ông Sang cầm lòng không đậu, hỏi thẳng con: “Lỡ đi chơi có thai thì sao?”. Đứa con gái vùng vằng: “Ba lo xa quá. Ba không tin tưởng con!”.
Ông Sang day dứt: “Cho con đi chơi thì tôi không muốn, mà không cho đi cũng không được. Lúc con về, tôi không thấy nó có vấn đề gì cả. Thực tình chúng tôi rất cần một phương pháp tiếp cận, giáo dục giới tính cho con, vì không biết phải mở lời chuyện tế nhị này với con như thế nào”.
Ý kiến Muốn thoát ra vỏ bọc gia đình Tuổi teen như là tuổi nổi loạn, muốn thoát ra khỏi vỏ bọc của gia đình. Tuổi teen luôn muốn tự khám phá những điều mới lạ. Có bạn đi đúng đường, nhưng cũng có bạn đi sai đường. Đôi lúc tụi em cần có những quyết định dù chuyện nhỏ cũng được, chứ không thích người khác quyết định quá nhiều cho mình. Em thấy đa số người lớn nói những điều tiêu cực về tuổi teen hơn là những điều tích cực. Nguyễn Thị Tuyết Trinh Do công nghệ phát triển Công nghệ ngày càng phát triển, người lớn không có nhiều thời gian tiếp xúc với nó. Trong khi đó, giới trẻ bây giờ nắm bắt nhanh nhạy công nghệ và có những người tự cho mình là giỏi, coi thường cha mẹ. Còn tôi quan niệm mình biết công nghệ nhiều hơn là nhờ công nghệ phát triển hơn hồi trước, chứ không phải do mình thông minh hơn cha mẹ mình. Theo tôi, cha mẹ nên dành thời gian chia sẻ nhiều hơn với con cái trong thời buổi bận rộn này. Hoàng Giang
|
40% học sinh cho rằng cha mẹ hay áp đặt Kết quả nghiên cứu “Hành vi tuổi teen đô thị” do Công ty nghiên cứu thị trường TITA công bố gần đây, dựa trên mẫu khảo sát 400 học sinh (50% nam, 50% nữ) bậc THCS, THPT tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy: 92% học sinh cho biết có học thêm, học thêm càng nhiều càng dễ xếp loại khá, giỏi. Trong năm học, bình quân mỗi học sinh dành đến 10 tiếng 30 phút/ngày cho việc học, hơn 4 tiếng/ngày để chơi game, xem ti vi, sử dụng điện thoại, máy tính. Bình quân tổng thời gian có tương tác giữa cha mẹ và con cái là 1 tiếng 45 phút/ngày, thường tập trung vào giờ ăn và xem ti vi. Khoảng 30% học sinh cho rằng cha mẹ chưa hiểu nhu cầu, ước muốn của các em. Hơn 50% cảm thấy mắc cỡ khi kể chuyện riêng cho cha mẹ nghe. Khoảng 40% cho rằng cha mẹ hay áp đặt con làm theo mong muốn của mình.
|
Như Lịch