04/01/2025

Chia chác thuốc bảo hiểm y tế

Với thủ đoạn mới, nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Q.9, TP.HCM cấu kết nhau rút ruột quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) để trục lợi.

 

Chia chác thuốc bảo hiểm y tế

Với thủ đoạn mới, nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Q.9, TP.HCM cấu kết nhau rút ruột quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) để trục lợi.

 

 

 

Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Q.9, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Q.9, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Số người “nhúng chàm” tại bệnh viện này tới gần 20 người, trong đó có gần chục bác sĩ, dược sĩ, còn lại là điều dưỡng, nhân viên khác của khoa khám bệnh.

“Treo” thanh toán 5,2 tỉ đồng

Qua công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT quý 2-2014, Bảo hiểm xã hội TP.HCM phát hiện những dấu hiệu bất thường (hàng loạt toa có cùng nét chữ ký nhận thuốc) trong hồ sơ thanh toán cho người đến khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Q.9.

Bảo hiểm xã hội TP nhận thấy đây là vụ rút ruột quỹ BHYT có tính chất tập thể, liên kết với nhau rất chặt chẽ từ bác sĩ khoa khám bệnh đến dược sĩ, nhân viên kho lẻ phát thuốc ngoại trú và điều dưỡng ở bộ phận tiếp nhận bệnh.

Đặc biệt, vụ rút ruột quỹ này có tính chất phức tạp, tinh vi, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều khâu trong quy trình khám chữa bệnh BHYT và có cấu kết với đối tượng bên ngoài.

Ngay khi phát hiện vụ việc, Bảo hiểm xã hội TP báo cáo ngay Bảo hiểm xã hội VN về nghi vấn có đường dây khám bệnh khống và mua bán giấy nghỉ hưởng BHXH tại Bệnh viện Q.9.

Bảo hiểm xã hội TP cũng gửi văn bản đề nghị Sở Y tế TP.HCM giải quyết và xử lý theo thẩm quyền.

Từ phát hiện này, Bảo hiểm xã hội TP quyết định tạm thời chưa thanh toán 17.092 lượt khám (tương đương 17.092 toa thuốc) với tổng chi phí gần 5,3 tỉ đồng tại Bệnh viện Q.9.

Các lượt khám bị nghi ngờ lạm dụng quỹ BHYT chưa thanh toán gồm có các toa thuốc của những bệnh nhân không thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, chỉ lấy thuốc; các toa thuốc do bốn bác sĩ của phòng khám kê toa; các toa thuốc có chi phí thuốc từ 300.000-700.000 đồng; các toa thuốc có những loại thuốc đắt tiền như Cetamet, Lypanthyl, Tanatril, Augbatam, Brexin, Diamicron, Gafort, Betaserc, Ul-Fate…; các trường hợp bệnh nhân là người trẻ tuổi nhưng lại mắc các bệnh mãn tính.

Ban phát cho nhau

Theo tìm hiểu, trong thời gian làm tổ trưởng kho BHYT, bà Đoàn Thị Diệp (dược sĩ) cấu kết với một số bác sĩ, điều dưỡng… để lấy thuốc BHYT cho người nhà, người quen.

Bà Diệp còn giúp điều dưỡng Hồng lấy thuốc cho mẹ và chồng, giúp điều dưỡng Vân lấy thuốc cho chồng và cha mẹ nhiều lần.

Về phần mình, bà Diệp nhờ các điều dưỡng và bác sĩ khác là Vân, Hà, Sang, Việt, Quỳnh, Loan, Hùng giúp làm các thủ tục để hợp pháp hóa việc lấy thuốc cho cha mẹ ruột, chồng, mẹ chồng (nay đã mất).

Tương tự, bà Phạm Thị Phương Hoa – bác sĩ khoa nội – được bệnh viện phân công ra khám bệnh cũng móc nối với các nhân viên khác để lấy thuốc BHYT cho tám người thân trong gia đình mình gồm ba, mẹ ruột, mẹ chồng và năm anh chị em ruột của bà Hoa.

Bà Hoa kê toa lấy thuốc mà không có bệnh nhân đến khám bệnh cho 11 cán bộ, công nhân viên khác trong Bệnh viện Q.9. Những người được bà Hoa giúp kê toa lấy thuốc khống cho thân nhân bà Hường và bà Trang (phòng thu phí); bốn dược sĩ của khoa dược là Nhã, Diệp, Trang và Hoa; điều dưỡng Khanh (phòng điều dưỡng); bác sĩ Vũ (phòng khám mũi họng); bà Hoài (phòng tổ chức); bà Hồng và bà Vân (khoa khám bệnh), điều dưỡng Hà và điều dưỡng Tâm. Việc rút thuốc BHYT của bà Hoa kéo dài cả năm nay.

Tham gia việc lấy thuốc BHYT còn có bà Trần Thị Kim Nhã. Bà Nhã nhờ điều dưỡng Nguyên và điều dưỡng Vân nhập tên khám bệnh cho cha, mẹ và hai em gái vào máy tính, rồi nhờ các bác sĩ Hoa, Việt, Hùng, Sang kê toa thuốc giùm rồi đi lãnh thuốc đem về nhà.

Đổi lại, bà Nhã phát thuốc mà không có bệnh nhân cho bác sĩ Hoa (lấy thuốc cho cha, mẹ), điều dưỡng Nguyên (lấy thuốc cho chồng), điều dưỡng Vân (lấy thuốc cho chồng và con), điều dưỡng Hồng (lấy thuốc cho chồng và con), điều dưỡng Sương (lấy thuốc cho chồng), dược sĩ Trang (lấy thuốc cho cha, mẹ).

Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Thu Vân – điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh. Bà Vân nhập tên, thẻ BHYT khám bệnh cho người nhà của các nhân viên ở kho cấp thuốc.

Bà này nhờ các bác sĩ Loan, Quỳnh, Hùng kê toa thuốc cho sáu người thân là cha mẹ chồng, chồng, anh ruột, chị dâu…

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hà – điều dưỡng khoa khám bệnh – cũng tự ý nhập tên người bệnh, mã thẻ BHYT vào khám bệnh cho người nhà (bố, mẹ) của điều dưỡng Thùy.

Bà Hà còn cho bà Hồng, bà Vân mượn máy nhập tên người khám bệnh để lấy thuốc nhưng bà Hà không biết hai người này nhập số lượng bao nhiêu.

Bác sĩ Hoa thì đưa thẻ BHYT cho bà Hà nhập tên khám bệnh lấy thuốc cho người nhà. Bà Hà nhờ các bác sĩ Quỳnh, Loan, Hùng kê đơn để có toa lấy thuốc cho bốn người thân.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nguyên cũng tham gia lấy thuốc từ tháng 4-2014 bằng cách nhập tên, thẻ BHYT của người nhà vào máy và nhờ bác sĩ Loan, bác sĩ Quỳnh kê toa để lấy thuốc…

Đổi thuốc lấy giấy nghỉ BHXH

Ngoài việc rút ruột thuốc BHYT, một số y, bác sĩ của Bệnh viện Q.9 còn mua bán giấy nghỉ hưởng BHXH thông qua con đường “đổi thuốc”.

Cụ thể, bà Cao Thị Tâm làm việc ở phòng siêu âm của khoa phòng khám dẫn một số người quen, người nhà đi khám bệnh, xin giấy nghỉ hưởng BHXH và nhận lại thuốc BHYT của những người này lãnh ra.

Chỉ riêng bà Tâm đã dẫn khoảng 10-15 người đi khám bệnh BHYT để lấy giấy nghỉ hưởng BHXH và lấy lại thuốc của họ.

Tìm hiểu thêm vụ việc, được biết ngày 1-10 điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ của phòng khám bệnh báo phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Q.9 là chị phát hiện chỉ trong ngày 1-10 điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Vân nhập dữ liệu vào máy cho sáu người rồi đưa họ đi khám bệnh, đóng tiền lấy thuốc.

Sau đó thuốc được tập trung vào phòng đo huyết áp, trong đó có một bệnh nhân lấy thuốc hai lần. Vụ việc bị thanh tra bệnh viện lập biên bản và kiểm tra đột xuất ngay, phát hiện có nhiều bọc thuốc đang được cất giữ tại phòng đo huyết áp. Có bọc thuốc còn có tên công nhân, tên người đi khám bệnh.

Sau khi vụ việc đổ bể, hàng chục nhân viên y tế của Bệnh viện Q.9 thừa nhận không thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh BHYT, có sai phạm lấy thuốc BHYT (mỗi toa thuốc lấy trị giá từ 300.000-450.000 đồng) cho người quen, người thân từ vài tháng đến một năm nay và xin được bồi thường số tiền thuốc đã lấy.

Báo cáo giải trình về việc lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT hồi cuối tháng 10-2014, ông Trần Minh Tâm – giám đốc Bệnh viện Q.9 – thừa nhận có sự phối hợp lấy thuốc BHYT và cấp giấy nghỉ hưởng BHXH giữa điều dưỡng phòng khám và bệnh nhân khám BHYT tại bệnh viện.

LÊ THANH HÀ