“Mái ấm” treo
Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để hi vọng mình sẽ có được một mái ấm trong những dự án căn hộ phức hợp. Nhưng hỡi ôi, tiền thì đóng mà chủ đầu tư như bóng chim tăm cá.
“Mái ấm” treo
Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để hi vọng mình sẽ có được một mái ấm trong những dự án căn hộ phức hợp.
Dự án căn hộ Petro Vietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) của Công ty CP Bất động sản xây lắp dầu khí VN – PVC Land. Đông đảo khách hàng đã đóng tiền từ năm 2010, và chủ đầu tư cam kết giao nhà vào tháng 9-2012. Nhưng đến nay công trình đã ngưng thi công, hoang phế – Ảnh: Hữu Khoa |
Nhưng hỡi ôi, tiền thì đóng mà chủ đầu tư như bóng chim tăm cá. Hàng vạn nạn nhân của chuyện “mái ấm” treo đang mong ngày mong đêm, rằng Quốc hội khi bàn về Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sẽ có biện pháp siết chủ đầu tư phải giao căn hộ đúng thời hạn.
Nhiều chung cư cao tầng là sản phẩm của thời “khủng hoảng bất động sản” trở thành những ngôi “nhà ma” giữa phố.
Đi qua lớp pano quảng cáo to bự, hoành tráng đã nhạt màu sắc, rụng rời chữ nghĩa là những dãy hành lang, tầng hầm, thang máy… hoang phế. Những nơi này đang trở thành “bãi đáp” cho người nghiện, chốn qua đêm của người vô gia cư… thậm chí nhiều chung cư còn trở thành “ao” nuôi cá của dân cư xung quanh.
Thật trớ trêu, đằng sau những khối bêtông dở dang đang xuống cấp theo thời gian ấy là những phận đời khổ sở theo nó. Đó là hàng ngàn người dân đã bỏ những đồng tiền mồ hôi nước mắt, tích cóp cả đời để thỏa giấc mơ một mái ấm giữa chốn thị thành.
Mái ấm của gia đình họ bị treo lơ lửng ở đâu đó, nó có thành hiện thực hay không tùy vào thiện chí, khả năng của chủ đầu tư. Hiện trên cả nước có rất nhiều dự án bất động sản “đắp chiếu”, hàng ngàn người bị chủ đầu tư hẹn giao nhà kéo dài từ năm này qua năm khác.
Chúng tôi đã có nhiều ngày, thậm chí nhiều năm theo bước chân những khách hàng bị chủ đầu tư chậm giao nhà và chứng kiến câu chuyện đau lòng. Nếu một hai năm trước họ thể hiện sự bất bình với chủ đầu tư chậm giao nhà bằng gây áp lực, dãy băngrôn kéo dài trên phố, với cuộc làm việc căng thẳng thì nay là những tháng ngày triền miên hầu tòa khởi kiện chủ đầu tư.
Nhưng tất cả dường như đang vô vọng. Những khối bêtông chọc trời sừng sững kia vẫn còn dang dở thì an cư với nhiều người vẫn là giấc mơ.
Thời điểm này, Quốc hội đang họp bàn về Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản, trong đó siết lại các quy định để buộc chủ đầu tư phải bàn giao nhà, căn hộ đúng thời hạn trên hợp đồng đã ký với khách hàng.
Có thể những người mua nhà, căn hộ sau ngày quy định mới có hiệu lực sẽ may mắn hơn, không phải chịu cảnh mái ấm treo mà hàng vạn người đang gặp phải.
Dự án Kenton Residences (huyện Nhà Bè, TP.HCM) với khoảng 2.000 căn hộ đã ngừng thi công gần ba năm nay |
Nhiều hạng mục tại chung cư T106, P.11, Q.6, TP.HCM hiện xuống cấp nghiêm trọng |
Siêu dự án căn hộ phức hợp Petro Vietnam Landmark bị bỏ hoang nhiều năm nay khiến khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” |
Một gia đình sống tạm tại một chung cư bỏ hoang |
Chung cư T106 (P.11, Q.6) ngưng thi công gần một năm nay, trở thành nơi tụ tập của những người cờ bạc |
Không những chậm giao nhà, chủ đầu tư chung cư Gia Phú Land (Q.Thủ Đức, TP.HCM) còn bán một căn hộ cho 4-5 người |
Dự án Bãi Sậy đã ngưng thi công hơn ba năm, một số hạng mục đã xuống cấp nhưng cần cẩu tháp vẫn lơ lửng trên cao khiến người dân nơm nớp lo sợ |
Dự án căn hộ Quốc Cường Gia Lai 2 đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã “đắp chiếu” một thời gian dài. Chủ đầu tư là Công ty Quốc Cường Gia Lai đã xin chẻ nhỏ căn hộ rồi xin chuyển qua nhà ở xã hội nhưng dự án vẫn… bất động đến nay |
Một dự án chung cư bị bỏ hoang |
Sau khoảng ba năm đi kiện chủ đầu tư, đến nay bà Nguyễn Thị Hồng (69 tuổi) vẫn chưa nhận được nhà, phải sống tạm bợ trong gian nhà thuê nhỏ hẹp |
Sau khoảng ba năm đi kiện chủ đầu tư, đến nay bà Nguyễn Thị Hồng (69 tuổi) vẫn chưa nhận được nhà, phải sống tạm bợ trong gian nhà thuê nhỏ hẹp |