Ngày con vào lớp 1
Mỗi ngày con học biết thêm một chút, tiến bộ hơn một chút. Mỗi tiến bộ của con là niềm vui và sự an ủi dành cho tôi. Dường như con gái đã biết thương yêu và trả ơn mẹ bằng nỗ lực của mình.
Ngày con vào lớp 1
Mỗi ngày con học biết thêm một chút, tiến bộ hơn một chút. Mỗi tiến bộ của con là niềm vui và sự an ủi dành cho tôi. Dường như con gái đã biết thương yêu và trả ơn mẹ bằng nỗ lực của mình.
Chị Hải Ninh và con gái Phương Minh – Ảnh: G.N. |
Rồi cũng đến ngày con vào học lớp 1. Đi học, đó là điều có vẻ bất khả thi với trẻ tự kỷ nhưng tôi không bao giờ muốn gửi con vào các trường đặc biệt. Tôi quyết định để con đến trường như bạn bè đồng trang lứa.
“Ngày đầu tiên đi học, mẹ mắt ướt nhạt nhòa”
Trước đó con đã đi học mầm non hai lần, một lần vào lúc 2 tuổi nhưng rồi tôi phải bế về ngay vì con quậy phá và nôn trớ nhiều quá. Lần thứ hai là lúc con hơn 3 tuổi. Dù lúc này con đã khá hơn nhưng cứ nhắc đến con là tôi lại òa khóc. Tôi thấy mình bất hạnh và quá thiệt thòi cho con.
Cô giáo ở trường mầm non bảo cứ đưa con đến học, buổi sáng các bạn tập thể dục thì cho con tập cùng. Tôi đưa con xếp vào hàng. Cô đứng cuối hàng coi các bạn tập trung thế nào thì dạy con như thế. Con sợ, lại buông tay. Cô vẫn ân cần bảo: “Mai con lại đến nhé!”.
Cứ thế mỗi ngày 5-10 phút rồi con được vào lớp. Mãi từ lúc 28 tháng đến 4 tuổi con mới đi học lớp mầm non trọn vẹn. Tôi lại khóc. Lần này không phải vì bất hạnh mà vì tôi thấy mình quá may mắn. Rất nhiều người thương con và muốn đưa con trở về cuộc sống của một người bình thường.
Lớp 1, tôi xin cho con đi học trái tuyến. Ngày con đến trường tôi thấy hồi hộp và lo lắng. Mà từ lúc sinh con có bao giờ tôi hết lo. Con vẫn “tồ” quá và nói vẫn chưa sõi. Con không biết giận ai, không biết lạ ai. Con sẽ thích nghi với lớp thế nào?
Buổi đầu tiên con đi tập trung, 10g tôi đã xin về sớm và đứng thập thò ở cửa lớp. Lúc đến đón đã thấy con đứng hô: “Cả lớp chú ý, nghiêm”. Thì ra con xung phong làm lớp trưởng. Con hô đi hô lại đến chục lần cô mới đồng ý vì các bạn nghe lệnh và đứng không đều nhau.
Ngày đầu tiên vào lớp 1 con có vẻ rất vui. Tôi thấy mình đã vơi được phần nào lo lắng. Những ngày sau cô giáo nói con giao tiếp với các bạn tốt nhưng đôi khi còn lơ đãng, không nghe thấy cô nhắc. Con đã hoàn thành học kỳ 1 với hai điểm 10 môn toán và tiếng Việt.
Con kể rằng không có bạn thân ở lớp vì “các bạn không ai chơi với con, chắc vì con tồ tệch quá”. Cô giáo cũng nói con ít khi ở trong lớp mà hay lang thang một mình ngoài sân. Tôi vẫn cảm thấy thật bất an. Nhưng may mắn cô giáo lớp 1 của con thật tốt.
Tôi đã nói với cô giáo về tình trạng của con. Cô vô cùng tâm lý. Ngay khi biết tình trạng của con, cô đã luôn chủ động ưu tiên con trong lớp. Biết con nói khó, cô luôn cho con nói trước vì nếu các bạn tranh nhau nói trước thì con sẽ im luôn.
Dù con nói còn khó nghe nhưng cô vẫn động viên con và khen con trước lớp. Cô chủ động bảo các bạn chơi với con, không để con ngồi một mình. Có một cô giáo như thế nên con đã đi qua lớp 1- một bước ngoặt rất lớn trong đời – một cách rất bình yên.
Buông tay con…
Khi con học lớp 3, tôi đã quyết định không nói trước với cô giáo về tình trạng của con, thử xem con thế nào. Từ đó con thường xuyên than không có bạn chơi cùng. Tôi đi công tác, con gọi điện thoại bảo: “Cô giáo nói con học dốt toán lắm và không thể học được”.
Tôi phân vân mãi không biết có nên chia sẻ với cô về tình trạng của con hay không. Rồi tôi quyết định không nói. Tôi chủ quan rằng kiến thức lớp 3 rất nhẹ, nếu cần tôi có thể kèm cặp, bổ sung cho con ở nhà.
Cô giáo thường xuyên gọi điện thoại than phiền con học rất chán, tự ý ra khỏi chỗ, gục đầu xuống bàn, rồi con phản ứng rất dữ với cô. Cô quát thì con khóc suốt từ lúc học đến lúc tôi đến đón về…
Tôi vẫn cương quyết không nói với cô giáo mà động viên và kèm cặp con thêm ở nhà. Rồi con cũng tự điều chỉnh được hành vi của mình và cô cũng ít gọi điện thoại than phiền hơn.
Sau rất nhiều nỗ lực của cả hai mẹ con, con đã trở về là một đứa trẻ bình thường và đáng yêu. Hôm sinh nhật bố, con đã hát to bài Happy birthday và ngồi vẽ một chiếc bánh gatô tặng bố. Anh đã biết yêu con. Tôi biết anh yêu từ những gì con thể hiện thường ngày và vì con thật sự đáng yêu.
Nhiều khi tôi tự hỏi nếu con vẫn như ngày trước thì anh sẽ như thế nào! Chắc là không ở với mẹ con tôi. Tôi không trách anh được, ai cũng muốn về nhà để tìm sự bình yên, mà nếu con như vậy thì làm sao có được sự bình yên ấy.
Tôi cũng đã mua một suất bảo hiểm để nếu có ốm nặng không còn bảo vệ được các con trước tuổi 53 thì các con sẽ có một phần tiền để tự lo liệu. Nhưng tôi tin rằng sẽ không phải sử dụng đến khoản này bởi tôi muốn được ở bên các con mãi mãi.
Tôi dần không còn cảm giác hồi hộp như hồi con học tiểu học nhưng lại thấy con đang trải qua bước ngoặt rất lớn khi đến tuổi dậy thì. Tôi đã nghĩ nếu con học ổn ở cấp tiểu học thì thật sự hai mẹ con đã “chiến thắng”.
Tôi không muốn giấu bất cứ ai những gì tôi đã dạy con. Tôi vừa muốn viết lại chi tiết quá trình can thiệp tích cực cho con vừa muốn con quên hẳn thời gian ấy để là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường.
Tôi muốn sẽ mở một cửa hàng chuyên bán đồ chơi trí tuệ cho trẻ từ 1-6 tuổi và tư vấn cho tất cả những ai muốn dạy con như tôi đã dạy. Nhưng nếu như vậy, con sẽ là tâm điểm cho người ta quan sát. Tôi cứ nghĩ mãi không biết có nên làm vậy không?
Từ lúc con trở lại cuộc sống của một đứa trẻ bình thường, tôi nhờ con trai lập một trang web để các bậc cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ. Và từ đó tôi bận rộn trong việc tư vấn, hướng dẫn các mẹ có con tự kỷ khác…
Cú sốc đầu đời
“25-10-2012 Bé yêu của mẹ. Mẹ xin lỗi bé yêu vì tối nay mẹ phải nói với con sự thật về mối quan hệ của bố mẹ, về quyết định chia tay của bố mẹ. Mẹ rủ con lên phơi quần áo, con hỏi bố đâu, mẹ nói bố đi có việc rồi, từ nay bố sẽ không ở cùng mẹ con mình nữa vì bố mẹ đã quyết định không chơi với nhau nữa. Mẹ thấy con im lặng. Mẹ quay lại nhìn thấy con với hai hàng nước mắt chảy đến tận cằm. Con nhìn mẹ mà nước mắt cứ rơi. Mẹ ôm con vào lòng hỏi: “Sao con gái mẹ khóc?”. Con ôm mẹ nói: “Con có khóc đâu, gió làm con cay mắt đấy chứ”. Mẹ ôm con chặt hơn, nói với con: “Tại người lớn không thích chơi với nhau nữa thôi, giống như con với bạn Quốc Huy ấy. Bố vẫn là bố của các con, vẫn đón con đi chơi, mua quà cho con. Nếu bố bớt yêu con thì mẹ sẽ yêu con nhiều hơn, giống như hai cái bình thông nhau ấy”…Vậy là con lại cười, con đi loanh quanh trên sân phơi không nói gì nữa. …Mẹ không thể và không bao giờ nhẫn nhục để xin cho con tình yêu thương từ bố. Mẹ không hiểu bố con nghĩ gì khi nhắn tin yêu cầu mẹ viết đơn ly hôn và xác định tài sản của mình xong liền quay lưng lại với các con ngay lập tức. Mẹ đã quyết rồi con ạ, cắt một lần thà đau nhưng còn có cơ hội lành. Nếu có ai nói: bố mẹ bạn bỏ nhau hay bạn không có bố, con hãy nhìn thẳng vào họ mà nói: “Mẹ mình còn làm bố giỏi hơn tất cả các ông bố trên cuộc đời này”. Mẹ sẽ cứng rắn và sáng suốt để sớm ổn định cuộc sống cho các con… |