Kết quả được Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố ngày 17/12, tại Hà Nội. Theo kết quả điều tra năm 2014, tuổi thọ trung bình của nam giới Việt là 70,6, trong khi con số này ở nữ giới là 76. Vì lý do này, dù hiện nay số trẻ trai khi sinh ra chênh lệch lớn hơn số trẻ gái, nhưng tỷ lệ giới tính nói chung ở mọi độ tuổi vẫn nghiêng về nữ.
Việt Nam đứng thứ 13 trong các nước đông dân trên thế giới. Tổng điều tra dân số vào năm 2009 ghi nhận nước ta có gần 86 triệu dân. Từ đó đến nay, tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm của Việt Nam là 1,06%, thấp hơn so với tỷ suất của giai đoạn 1999-2009 (1,2%). Chúng ta cũng có mức tăng quy mô dân số thấp nhất trong 35 năm qua. Tổng tỷ suất sinh 2,09 trẻ/phụ nữ hiện nay cũng cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định.
Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112,2 bé trai/100 bé gái. Nói cách khác, trong số 112,2 trẻ trai chào đời thì có 7,2 bé bị thừa ra. Năm 2009, kết quả tổng điều tra cho biết tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,5 bé trai/100 trẻ gái, không có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Theo quan sát từ kết quả năm nay, tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao đáng kể so với thành thị. Kết quả này có thể cho thấy mong muốn, áp lực buộc phải sinh con trai cùng với khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn trong những năm gần đây tăng lên.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, quy mô hộ gia đình của Việt Nam cũng đang có những thay đổi đáng kể. Cả nước hiện có hơn 24 triệu hộ gia đình, trong đó quy mô gia đình nhỏ (có 2-4 người) là phổ biến nhất (chiếm gần 65%), còn rất ít hộ trên 7 người. Số hộ độc thân chiếm tỷ trọng nhỏ (8%) nhưng đang có xu thế tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây.
Một thành tựu nổi bật của dân số Việt Nam, theo kết quả điều tra lần này là tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng lên 73,2 năm (con số này theo điều tra 2009 là 72,8). Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số với chỉ số già hoá đã lên tới 44,6%.