Chọn chồng cho con
Dung là cô giáo dạy văn, xinh đẹp nhưng yêu đương thì nhát lắm. Đến nỗi cuộc tình nào ba má cũng phải “tham mưu”.
Chọn chồng cho con
Dung là cô giáo dạy văn, xinh đẹp nhưng yêu đương thì nhát lắm. Đến nỗi cuộc tình nào ba má cũng phải “tham mưu”.
|
Tình chỉ đẹp khi còn… chưa thử
Ba hay nửa đùa nửa thật với Dung, câu “hồng nhan bạc phận” chỉ còn trong sách xưa thôi. Thời nay, hồng nhan bạc… tỉ đó con. Nhưng phải biết ông bạc tỉ đó là người như thế nào chứ không phải thấy tiền là mờ mắt. Má con hồi trước xinh nhất làng này, đã từng bỏ qua hai ba triệu phú để “rinh” ba vì nhà nội con có tới mấy đời là nhà giáo.
Má cũng cười cười, xác nhận điều đó bằng một tràng bình luận: “Phải đó con. Dẫu biết cha mẹ có sữa thì con bụ bẫm. Nhà chồng khá giả thì con cái mới có vốn làm ăn. Còn lấy chồng tay trắng, đi lên từ số không là chuyện quá mênh mông. Nhưng ngẫm sự đời, hễ có đức thì mặc sức mà ăn, tình duyên cứ lấy phước mà đong con ạ!”.
“Tiêu chí” chọn rể của ba má tuy dễ mà khó nên Dung rất ngại yêu. Nhưng tình yêu thì không biết ngại. Nó cứ xồng xộc đến. Dung phải lòng một kỹ sư cầu đường, đẹp trai, chơi guitar khá điệu, gia đình anh ở vùng sâu, nghèo khó và heo hút. Tìm mãi mà chẳng có việc làm phù hợp với chuyên môn, anh xin vào làm kiểm lâm. Chưa đầy hai năm anh đã nhanh chóng giàu lên. Dung nói em sẵn lòng sống với anh, nhưng anh phải trình… lý lịch trích ngang cho “hai sếp” em cái đã.
Ba má Dung phê: Nhìn “cơ ngơi” cậu này cũng được, còn trẻ mà đã chơi mô tô “khủng” thì phải biết. Nhưng thôi đi con. Nghe nói “một bộ phận không nhỏ” kiểm lâm là chúa… kiểm lầm. Nó trồng rừng hay… cưa rừng ai mà biết được? Giàu vậy là giàu “mù”, không vào tù cũng xộ khám.
Anh “lâm nghiệp” đánh liều rủ Dung đặt hôn nhân vào “sự đã rồi”. Dung hoảng hồn nói em hổng dám đâu, tình chỉ đẹp khi còn… chưa thử. Và vào một buổi chiều gió không hề nhẹ, anh kỹ sư ôm đờn hát cho Dung nghe: “Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới…”.
Mình yêu nhau đi
Đang lúc thấy mình lười yêu thì bữa nọ Dung tiếp một gã dong dỏng cao, da ngăm đen, mắt to, mặt xương xương. Linh cảm của Dung đã đúng khi ba má “thú nhận” là chính họ bật đèn xanh cho gã này đến tán tỉnh cô. Gã giới thiệu về mình một cách tự tin tới mức… sỗ sàng: Anh tên Nhiên, con của một đại gia cà phê. Nhưng cả đồi cà phê không hề rợp bóng xuống đời anh. Anh mượn vốn của ba, xuôi về biển mở công ty hải sản. Tình hình khả quan lắm. Còn tình cảm thì… lu bu quá nên chưa có mảnh nào. Em sẽ là một mảnh của đời anh chứ? Dung hơi xẵng: “Còn phải xem cái mảnh của anh thế nào đã”.
Người gì lì lợm thấy bắt ghét. Vậy mà lâu lâu ba má cứ mời cơm. Người ta đã không thích mà chủ nhật nào cũng đặt mấy bông hồng trên bàn, có khi kèm theo vài cuốn sách. Dung không hề biết ba má dùng chiêu “mưa dầm thấm đất”. Cho đến một ngày, bữa cơm chiều cuối tuần trống một chỗ ngồi. Dung thấy chênh chao, gắp đũa rau sống mà để rớt lên rớt xuống. Bất giác cô hỏi anh ấy đâu? Má nói Nhiên đã về Buôn Mê. Nó gửi cho con bó hoa với cái phong thư, má để trong phòng con rồi. Ba nói chuyến này cậu ta đi lâu đấy. Hai ông bà kín đáo liếc nhìn đôi má con gái ửng hồng.
Bức thư viết mấy dòng “tưng tửng” như chủ nhân của nó: “Mình yêu nhau đi. Anh rủ em đấy. Anh sẽ xuống núi cùng bố mẹ nếu em đồng ý. Mưu sự tại Nhiên, thành sự tại Dung. Hãy nhắn cho anh vài chữ màu hồng sau khi đọc lá thư nhỏ này nhé”.
Xóa đi xóa lại hàng chục lần, cuối cùng dòng tin “Anh xuống đi” đã bay về phố núi.
Buổi chiều ấy, Dung ngồi ngắm những bông hồng sáng bừng bên cửa sổ. Trong hoa, cô nhìn thấy khuôn mặt xương xương, cặp mắt mở to, chân thành và tinh nghịch. Rồi Dung nghĩ: Không có “hai sếp” chọn chồng giùm, không biết mình sẽ ra sao?
Trần Cao Duyên