Trước khi chờ cơ quan chức năng quyết liệt chặn bắt, tịch thu đồ chơi Trung Quốc độc hại, thì nhiều bậc phụ huynh khẳng định: chỉ cần quan tâm, ý thức thì có thể chọn cho con những đồ chơi hợp túi tiền mà lại an toàn.
Chất độc ‘núp’ trong đồ chơi: Phạt thật nặng để không ai dám bán
Trước khi chờ cơ quan chức năng quyết liệt chặn bắt, tịch thu đồ chơi Trung Quốc độc hại, thì nhiều bậc phụ huynh khẳng định: chỉ cần quan tâm, ý thức thì có thể chọn cho con những đồ chơi hợp túi tiền mà lại an toàn.
Đang lựa đồ chơi cho con tại siêu thị Aeon (Q.Tân Phú, TP.HCM), chị Hoàng Thị Thọ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Tôi không nghĩ cứ hàng Trung Quốc là xấu, độc hại hoàn toàn, bởi cũng có nhiều sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng. Thậm chí, rất nhiều đồ chơi của Đức, Mỹ, Hàn, Thái đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Và tôi chấp nhận trả tiền cao để mua những món đồ chơi đó cho con tại các cửa hàng bán đồ chơi uy tín, siêu thị hoặc mua hàng từ nước ngoài”.
Cũng có những phụ huynh còn dễ dãi trong việc mua đồ chơi cho trẻ. Chị Thanh Mai (Q.Gò Vấp) cho rằng mức sống của gia đình không cho phép mua những món đồ chơi đắt tiền cho con, nên tiện đâu mua đấy. “Trước cổng trường hay có những xe bán đồ chơi, tiện thì em mua luôn. Chứ hôm con học được điểm cao, hứa sẽ có quà, không mua cho con thì không được”, chị Mai chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Thọ, chị Nguyễn Yến (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), có con trai 2 tuổi, cho biết những món đồ chơi chị mua cho con gần đây là: xe điều khiển, xe chạy dây rút, sư tử gỗ kéo, gối ôm ngựa… “Tôi khá kỹ khi chọn đồ chơi cho con bởi đọc tin độc hại đồ chơi trẻ em sợ quá. Hầu như tôi không mua đồ chơi rẻ tiền, bán ngoài vỉa hè, sạp chợ. Chủ yếu mua tại siêu thị uy tín. Hàng đồ chơi bằng gỗ cho trẻ của doanh nghiệp trong nước làm, hoặc đồ chơi trẻ em là hàng khuyến mãi của các hãng sữa. Tôi nghĩ đã là những nhãn hàng sữa uy tín, họ không dám đặt làm hàng khuyến mãi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Và đồ chơi là hàng khuyến mãi này cũng không phải rẻ”, chị Yến cho biết.
Chị Thanh An (Q.Thủ Đức) thì nói ngay là không mua đồ chơi Trung Quốc cho con từ 5 năm nay rồi. “Nhiều người sao cứ nói không chọn đồ chơi Trung Quốc thì không biết mua đồ chơi nào hợp với túi tiền. Tôi nghĩ các ông bố bà mẹ đó chưa có cơ hội hay thời gian để tham khảo, tìm hiểu thị trường đồ chơi cho con mình. Nhiều món đồ chơi bằng gỗ của VN đơn giản nhưng con trẻ rất mê. Hoặc là đồ chơi của Nhật nhưng sản xuất tại Thái Lan cũng đẹp mà giá cả phải chăng. Thay vì mua 10 món cho con, mua ít lại 5 món mà có đồ chơi bảo đảm sức khỏe thì nên làm”, chị An nói và cho biết những món đồ chơi Thái hay Việt chị mua cho con giá từ 100.000 – 300.000 đồng.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng, vấn đề này “có 2 mặt của nó”. Một phần quan trọng là từ người tiêu dùng. “Vai trò của người tiêu dùng, nhất là các ông bố bà mẹ rất quan trọng. Ta không thể nói ta bị lừa để mua nhầm món đồ chơi độc hại cho con được khi các phương tiện truyền thông luôn đề cập đến vấn đề này. Thông tin một số đồ chơi nhựa Trung Quốc độc hại không phải đến hôm nay chúng ta mới biết. Biết nhưng vẫn mua là lỗi của ta. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước. Phần còn lại là của các đơn vị quản lý liên ngành, bởi không thể chỉ đơn phương một ngành phòng chống sản phẩm độc hại mà phải liên ngành và làm quyết liệt hơn”, ông Tuấn phân tích và nêu quan điểm: “Phạt thật nặng, tịch thu toàn bộ lô hàng độc hại thì có nhà kinh doanh nào sau những đợt bị xử phạt như vậy mà vẫn tiếp tục nhập hàng độc về bán?”.
Với người tiêu dùng, theo ông Tuấn, giải pháp duy nhất là tăng cường quảng bá, giáo dục rộng trong cộng đồng, trong trường học nhiều hơn nữa, để mọi người hiểu và không mua, sử dụng đồ chơi trẻ em độc hại.