01/11/2024

Có luật mới nhưng người chuyển giới vẫn tâm tư

Trong khi nhiều người bày tỏ sự vui mừng trước việc Quốc hội cho phép được chuyển giới tại VN, được thay đổi giới tính trên giấy tờ… thì không ít người chuyển giới lại có tâm trạng băn khoăn.

 

Có luật mới nhưng người chuyển giới vẫn tâm tư

 

Trong khi nhiều người bày tỏ sự vui mừng trước việc Quốc hội cho phép được chuyển giới tại VN, được thay đổi giới tính trên giấy tờ… thì không ít người chuyển giới lại có tâm trạng băn khoăn.




Từ trái sang: Nguyễn Ngọc Tú, chuyển giới nam (từ nữ sang nam) và Lê Ánh Phong chuyển giới nữ (từ nam sang nữ) tại buổi chia sẻ thông tin – Ảnh: Diệu Linh

Điều không thể thành có thể

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức chiều 27.11, chị Lê Ánh Phong, đại diện cộng đồng chuyển giới nữ, không giấu được niềm hạnh phúc: “Khi hay tin điều 37 của bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính được Quốc hội thông qua tôi vui không thể tả, cười không ra cười, khóc không ra khóc, nước mắt cứ lăn dài, nhảy tưng tưng sung sướng. Tôi gọi điện cho mẹ và chị gái, mọi người cũng khóc oà chúc mừng tôi đã trở thành một người con gái được xã hội thừa nhận. Hai ngày qua, cảm giác sung sướng vẫn lâng lâng cứ như là được phẫu thuật thêm một lần về mặt tinh thần”.
 

 

 

Chiều 27.11, tại TP.HCM, Trung tâm ICS (Tổ chức của chính những người đồng tính, song tính và chuyển giới tại VN) đã có buổi chia sẻ với báo giới liên quan đến điều 37 bộ luật Dân sự sửa đổi đề cập đến quyền của người chuyển giới. Tại đây, những người chuyển giới đã đề đạt nhiều nguyện vọng và thắc mắc. Đáng chú ý, họ mong mỏi luật nên công nhận quyền chuyển giới của cả những người chỉ sử dụng hoóc môn hoặc chỉ phẫu thuật một phần. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp không đủ điều kiện tài chính và sức khỏe để thực hiện toàn bộ những cuộc giải phẫu chuyển đổi giới tính.

 

 

Như Lịch

 

 

 

 

Theo lời Ánh Phong, trước đây những người chuyển giới (NCG) như cô luôn luôn mặc cảm. Đi ra đường mọi người nhìn mình với con mắt kỳ thị nên bản thân vẫn thấy mặc cảm và tự ti, nhất là khi đến phòng tập gym hay vào nhà vệ sinh nữ, không dám nói. “Giờ mình công khai, tự do thoải mái, thích đi, nói chuyện… vì tôi cũng là một người con gái bình thường được pháp luật bảo vệ”, Phong bày tỏ.

Là NCG chưa qua phẫu thuật, La Lam, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, cũng vui không kém. La Lam bộc bạch: “Trước mình hay lo sợ không biết sau này kiếm việc làm ở đâu? Liệu xã hội có chấp nhận mình không? Nghe thông tin này bản thân mình thấy cuộc sống có tương lai hơn. Cơ hội việc làm sẽ cao hơn và được nhiều người chấp nhận hơn”.

PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, chuyên gia nghiên cứu về NCG, cho biết điều 37 đã làm thay đổi về mặt bản chất, NCG được mang tên họ muốn, với hình dạng và tên gọi cơ hội việc làm, sức khoẻ, đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. “Tôi rất vui mừng khi luật được thông qua, ít nhất nó tạo cơ hội để những NCG có quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại VN. Mở ra cơ hội để chúng ta tiếp tục vận động để những NCG có thể có giấy tờ, phúc lợi, BHYT, quyền hôn nhân, nhân thân phù hợp. Điều tưởng không thể đã biến thành có thể”.

Không dành cho người đồng tính

Theo ông Lương Thế Huy, Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, từ ngày 1.1.2017 phẫu thuật chuyển giới không còn bị cấm tại VN, nhưng vẫn còn đó những thực trạng và trở ngại mà NCG gặp phải. Ông Huy cho biết, theo một nghiên cứu của viện trong năm 2014, cứ 5 NCG thì 4 người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, nghĩa là còn 20% người không có nhu cầu chuyển đổi giới tính nhưng họ lại rất muốn được thay đổi giấy tờ. “80% những người có nhu cầu chuyển đổi nhưng không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi. Một bộ phận nhỏ trong số 80% này thực sự có đủ điều kiện về kinh tế và sức khỏe để phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Đây là điểm mà bộ luật chưa hướng tới một bộ phận những người như vậy”, ông Huy chia sẻ.

Theo PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, luật này chỉ dành cho NCG, không dành cho người đồng tính. “Luật chỉ tác động đến NCG đã làm phẫu thuật. Chỉ khi nào phẫu thuật thì mới được sử dụng điều 37, trong khi còn rất rất nhiều NCG họ vô cùng lo lắng về mặt sức khoẻ. Nghiên cứu chỉ ra rằng có những NCG phải rút ngắn cuộc đời 20 năm, vì vậy chuyển đổi, phẫu thuật không phải ai cũng sẵn sàng làm điều đó. Nếu họ không làm phẫu thuật hoặc không muốn làm phẫu thuật thì sao?”.

Anh Tú Lơ Khơ, một NCG nam đã phẫu thuật phần ngực, nhưng chưa phẫu thuật bộ phận sinh dục, băn khoăn. “Hiện tại luật chuyển đổi giới tính chưa bao gồm những người như chúng tôi, mặc dù tôi cũng là người chuyển đổi giới tính. Nhiều người nói tôi chuyển đổi giới tính để lấy vợ, để thay đổi giấy tờ nhưng tôi không có nhu cầu chuyển giới về mặt cơ thể vì không muốn rủi ro về mặt sức khoẻ. Vậy khi tôi muốn chuyển đổi giấy tờ là nam, muốn có một cái tên nam tính hơn thì khi căn cứ vào điều nào và khi nào được pháp luật công nhận? Tôi mong Quốc hội cần có điều luật để bảo vệ những người như chúng tôi”.

Ông Lương Thế Huy đề nghị để luật có thể thực thi cần có thêm một luật chuyên ngành và các văn bản pháp luật hướng dẫn khi NCG có thể thực hiện được các quyền của mình. Bên cạnh chuẩn bị về mặt y tế cũng cần có sự chuẩn bị về hệ thống liên quan đến chuyển đổi hộ tịch…

 

Thu Hằng