29/11/2024

Văn phòng công chứng phải hầu toà

Theo đơn kiện của ông Alan Frederick Row, ông nghĩ rằng mình đến công chứng giấy tờ cho việc ly hôn nhưng lại thành ký văn bản thừa nhận nhà đất là của riêng vợ.

 

Văn phòng công chứng phải hầu toà

 

Theo đơn kiện của ông Alan Frederick Row, ông nghĩ rằng mình đến công chứng giấy tờ cho việc ly hôn nhưng lại thành ký văn bản thừa nhận nhà đất là của riêng vợ.




TAND Quảng Ngãi xét xử vụ văn phòng công chứng hầu toà – Ảnh: Vân Anh

TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa xét xử vụ án liên quan đến việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu giữa nguyên đơn là ông Alan Frederick Row và bị đơn là văn phòng công chứng Thuỷ Tùng.

Đây là một trong những vụ án có yếu tố nước ngoài hiếm hoi mà một văn phòng công chứng phải hầu toà vì những sai phạm 
của mình…

Mối tình qua mạng Internet

Theo đơn khởi kiện, ông Alan Frederick Row (65 tuổi, quốc tịch Úc) tìm hiểu và kết hôn với bà Kiều Thị Bé (43 tuổi, quê quán huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) thông qua mạng Internet.

Sau khi kết hôn, ông đã chuyển gần 2 tỉ đồng qua ngân hàng cho bà Bé để mua một ngôi nhà tại đường An Dương Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi. Giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và đất do bà Kiều Thị Bé đứng tên.

Cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết, vì thế ông yêu cầu ly hôn sau vài tháng chung sống.

Biết ý định của ông, bà Kiều Thị Bé đã đưa ông đến văn phòng công chứng Thuỷ Tùng, thành phố Quảng Ngãi do bà Lê Thị Thanh Tùng (làm giám đốc) để ký giấy tờ làm thủ tục ly hôn và đưa 500 usd để trả phí.

Tuy nhiên, trên thực tế ông đã ký vào “văn bản cam kết tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 13-4-2015 thừa nhận toàn bộ tài sản là ngôi nhà tại đường An Dương Vương và quyền sử dụng đất gắn liền do bà Bé mua bằng tiền riêng.

Trao đổi với chúng tôi, ông nói: “Tôi không biết gì cả. Tôi chỉ nghĩ làm giấy tờ để chuẩn bị việc ly hôn. Tôi không nghĩ người ta có thể lừa dối tôi như vậy”.

Vì chứng thực một hợp đồng có yếu tố nước ngoài nên bà Lê Thị Thanh Tùng, công chứng viên, đã mời bà Lê Thị Thanh Trang – cộng tác viên phiên dịch, dịch thuật tiếng Anh của Phòng Tư pháp thành phố Quảng Ngãi – đến làm phiên dịch.

Tuy nhiên, theo lời ông Alan thì bà Trang chỉ hỏi ông ba câu “tên, tuổi, số hộ chiếu” để điền thông tin vào hồ sơ.

Ông Alan Frederick Row - Ảnh: V.Anh
Ông Alan Frederick Row – Ảnh: V.Anh
“Tôi không biết gì cả. Tôi chỉ nghĩ làm giấy tờ để chuẩn bị việc ly hôn. Tôi không nghĩ người ta có thể lừa dối tôi 
như vậy 
Ông Alan 
Frederick Row

 

Tòa tuyên vô hiệu

Trong phiên toà sơ thẩm, cả bà Trang và bà Tùng đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Còn trong bản tự khai, cả hai khẳng định đã dịch đúng theo quy định của pháp luật.

Bà Trang nói thêm bà là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp thành phố Quảng Ngãi, nguyên tắc dịch và phiên dịch là phòng tư pháp giao văn bản cần dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại.

Sau khoảng thời gian 3 – 4 ngày, bà giao lại văn bản song ngữ cho phòng tư pháp. Khi bà được mời tới phiên dịch cho văn phòng công chứng Thuỷ Tùng, bà cũng đề xuất cách làm việc như trên nhưng bà Tùng chỉ yêu cầu bà dịch miệng.

Bà Trang là người phiên dịch lâu năm, bà Tùng là người đứng đầu một văn phòng công chứng lớn nhất nhì Quảng Ngãi đã công chứng hàng nghìn hợp đồng.

Việc thiếu sót văn bản dịch bản cam kết tài sản sẽ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, trước tiên đã vi phạm khoản 7 điều 40 Luật công chứng: “Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng”.

Mặt khác, trong văn bản cam kết về tài sản bà Trang ghi là “cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp thành phố Quảng Ngãi”, nhưng khi ký tên lại là cộng tác viên dịch thuật của văn phòng công chứng Thuỷ Tùng.

Việc lập lờ tư cách chính danh đã dẫn đến việc phiên dịch chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ông Alan có cơ sở để khẳng định văn bản vô hiệu và có quyền yêu cầu văn phòng công chứng Thủy Tùng huỷ bỏ giao dịch này, nhưng đã bị từ chối trái pháp luật theo điều 51 Luật công chứng năm 2014 và khoản 1 điều 38 nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ.

TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên bố “văn bản cam kết về tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 13-4-2015 của văn phòng công chứng Thủy Tùng vô hiệu.

Lợi dụng bất đồng ngôn ngữ

Phiên xử kết thúc nhưng có lẽ nhiều người trong phòng xử án đều ám ảnh với câu nói của ông Alan: “Tôi không hiểu pháp luật VN. Tôi chỉ nghĩ là ký giấy tờ để làm thủ tục ly hôn. Tôi yêu cầu văn bản dịch nhưng họ viện đủ lý do để từ chối”.

Việc lợi dụng bất đồng ngôn ngữ tiếp tay sai phạm sẽ ảnh hưởng đến nghề công chứng là một nghề mà sự trung thực phải đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức.

VÂN ANH