Người khuyết tật tìm việc làm: Cơ hội ít, thách thức nhiều
Đâu là những rào cản chính khi người khuyết tật phải chật vật tìm việc làm? Làm thế nào để được tuyển dụng dựa trên giá trị bản thân chứ không phải vì lòng thương hại?…
Đâu là những rào cản chính khi người khuyết tật phải chật vật tìm việc làm? Làm thế nào để được tuyển dụng dựa trên giá trị bản thân chứ không phải vì lòng thương hại?…
Đó là những vấn đề đặt ra trong hội thảo về việc làm dành cho người khuyết tật, do Trung tâm khuyết tật và phát triển tại TP.HCM (DRD) tổ chức vào ngày 18.11.
Cho nghỉ việc vì chủ không giao tiếp được với người khiếm thính
Sau khi học sơ cấp nghề đồ họa, Nguyễn Thị Bích Huyền (27 tuổi, thuộc Câu lạc bộ Văn hóa điếc TP.HCM) được một công ty nhận vào làm. Huyền cho biết, rắc rối nảy sinh khi giám đốc cũ về hưu, còn giám đốc mới không giao tiếp được với người khiếm thính. “Chỉ vì lý do đó mà người chủ đã cho tôi nghỉ việc, dù tôi có nhã ý hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu cho ông ấy”, Bích Huyền bức xúc diễn tả.
Cùng là người câm điếc như Huyền, cô gái Đoàn Nguyễn Ngân Hà ấm ức kể: “Tôi dành 5 năm học Trường ĐH Mỹ thuật, nhưng khi đi tìm việc cũng rất khó khăn. Hiện tôi chuyên vẽ áo, làm đến 10 tiếng/ngày nhưng tiền lương rất thấp, thấp hơn những bạn nghe nói được. Tôi tự nhận thấy mình hoàn thành công việc tốt, thậm chí làm tốt hơn những bạn khác”.
Nhận xét về những trường hợp trên, một chủ doanh nghiệp nêu ý kiến: “Thông thường, người lao động nghĩ rằng mình bị bóc lột và tự đánh giá mình cao điểm hơn người khác. Tất nhiên, cũng có khi do phía người chủ. Theo tôi, các bạn nên giảm bức xúc xuống. Nếu có năng lực, có khả năng thì chúng ta có thể đi làm chỗ khác”.
Anh Lê Hữu Thương (phụ trách mảng việc làm tại DRD) cho biết: “VN hiện có hơn 6,1 triệu người khuyết tật, trong đó chiếm khoảng 50% lao động đang cần tìm việc”. Theo anh Thương, khó khăn trong vấn đề tìm việc và hòa nhập trong môi trường làm việc của người khuyết tật đến từ chính bản thân họ (ước tính 50%) và từ những nguyên nhân xã hội (50%). Anh Thương cho rằng đa phần người khuyết tật mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Bên cạnh đó là những yếu tố khiến người khuyết tật bị bó buộc hoặc dễ bỏ cuộc, như: dạng tật, học vấn thấp, học nghề khó khăn…
Về mặt xã hội, anh Thương phân tích: “Việc đào tạo nghề chủ yếu miễn phí, thiếu định hướng, chất lượng không đảm bảo nên rất khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Mặt khác, nhiều nơi cơ sở hạ tầng không đáp ứng cho người khuyết tật”. Anh Thương trăn trở nói thêm: “Nhiều doanh nghiệp nhận người khuyết tật vì thương hại, tội nghiệp, trách nhiệm xã hội chứ không phải vì giá trị và khả năng lao động của họ”.
“Không nên chỉ dựa vào lòng nhân ái”
Chị Diệu Linh (ngụ Q.7, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cũng là người khuyết tật, nhưng tôi luôn nỗ lực tự tạo việc làm cho mình. Sau đó, tôi tạo việc làm cho người khác. Tôi cho rằng, bản thân người khuyết tật phải cố gắng phấn đấu chứ không nên dựa vào lòng nhân ái của nhà tuyển dụng”.
Đứng ở góc độ tuyển dụng, bà Kiều Thị Phương Dung, chuyên gia tư vấn nhân sự của Công ty TNHH Jia Shin, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng lao động khuyết tật. Bà Dung nói: “Không phải người ta là khuyết tật mà mình đánh giá họ không làm được gì. Trong công ty chúng tôi, người khuyết tật tạo dựng hình ảnh khiến nhiều người ngưỡng mộ”. Với các doanh nghiệp, bà Dung nhắn nhủ hãy xem lao động khuyết tật như nguồn lao động chính thống, tích cực. Còn với người khuyết tật, bà Dung nói: “Các bạn hãy tự tin làm việc, mình phải nghĩ là mình làm được việc chứ không phải vì lòng thương xót của người khác”.
Bà Huỳnh Ngọc Phượng, Quản lý nhân sự và hành chánh Công ty Dicentral, “đặt hàng” cho người lao động khuyết tật. Bà Phượng khuyên không nên chỉ dừng lại ở những lao động phổ thông, đơn giản mà cần tiếp cận những ngành công nghệ cao. Bà Dung mong mỏi: “Trong thời buổi hội nhập sâu rộng như hiện nay, bên cạnh việc định hướng học nghề, các bạn cần phải trau dồi ngoại ngữ. Mặc dù có nhu cầu nhưng chúng tôi ít khi nào tuyển dụng được ứng viên khuyết tật có khả năng về ngoại ngữ”.
Nan giải việc làm cho người tự kỷ “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn với loại hình công việc dành cho người tự kỷ và khuyết tật trí tuệ”, bà Đặng Hương Giang, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng, nêu tâm tư. Bà Trần Quỳnh Trang, Điều phối dự án Thúc đẩy quyền và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhìn nhận: “Đây là câu chuyện đến từ rào cản ở gia đình. Hiện nay các gia đình ở VN chỉ quan tâm, can thiệp, giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ chứ họ chưa nghĩ đến việc làm cho con em mình. Chính vì vậy, vấn đề việc làm cho người tự kỷ rất mới mẻ với người VN”. Chia sẻ kinh nghiệm qua các chuyến đi thực tế, bà Lưu Thị Ánh Loan, quyền Giám đốc DRD, cho rằng ở nhiều nước, người tự kỷ có thể làm một số việc ở bệnh viện như mang áo gối, drap giường đi giặt hoặc làm ở nhiều ngành nghề dịch vụ khác. |
Như Lịch