Anh em Vi Văn Đông và Vi Văn Tiến gánh dị tật bẩm sinh từ cuộc hôn nhân cận huyết của cha mẹ - Ảnh: Hằng Hậu

 

Anh em Vi Văn Đông và Vi Văn Tiến gánh dị tật bẩm sinh từ cuộc hôn nhân cận huyết của cha mẹ – Ảnh: Hằng Hậu

 


Lường Văn Thạo và Lường Thị Nhân ở bản Khảm là một cặp vợ chồng như vậy. Thạo và Nhân là anh em con chú con bác. Khi thấy hai người thương nhau, thay vì khuyên can, gia đình cũng vun vén thành vợ chồng. Bi kịch bắt đầu từ khi đôi vợ chồng trẻ sinh con.

Những đứa trẻ chẳng bao giờ lớn
Lần Nhân mang thai đầu tiên, đến tháng thứ 6, bác sĩ siêu âm phát hiện thai nhi không có hộp sọ, phải bỏ thai. Đứa con thứ hai – Lường Văn Hà cũng không thoát khỏi tai ương.

 
 

Thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) hiện nay, kết hôn cận huyết thống tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại. Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở một số dân tộc trong vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Tây nguyên, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Các dân tộc Mông, Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Brâu… có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%. Tại tỉnh Cao Bằng, hôn nhân cận huyết thống diễn ra nhiều nhất đối với dân tộc Dao (64%) và Mông (61%).

 

 
Ngồi bên bếp lửa lạnh tanh, ôm đứa con vào lòng, người mẹ trẻ trải lòng trong nước mắt: “Hà sinh thiếu tháng, bàn chân bàn tay dài khòng khèo hơn những trẻ bình thường, mắt lác lơ láo và khổ nhất là mắc chứng bại não. Cứ dăm bữa nửa tháng, Hà lại sốt một đợt triền miên. Gia đình dắt nhau đi hết viện này đến viện khác, hết nằm viện tỉnh lại đi Bệnh viện Nhi T.Ư ở Hà Nội để điều trị. Đến đâu bác sĩ cũng bó tay, trả về vì không thể chữa khỏi”.
Chúng tôi đến gia đình chị Hà Thị Hạnh ở bản Pàn, xã Tô Múa lúc xế trưa. Căn nhà nằm bên bờ suối vắng hoe, chỉ có cậu con trai út nằm chỏng chơ giữa đống chăn chiếu bề bộn hôi hám. Ngay từ khi chào đời, cậu bé Hà Văn Thân vẫn chỉ nằm một chỗ, chân tay cong queo, dài ngoằng, chỉ có da bọc xương.
Vừa từ nương về, chị Hạnh tất tả rửa tay chân, thay quần áo cho cậu con trai. Nước mắt lưng tròng khi kể về bi kịch lấy người anh họ Hà Văn Tuấn làm chồng, chị Hà cho biết, có 5 lần sinh nở, chỉ duy nhất đứa con trai cả lành lặn. Đứa thứ 2 sinh được vài ngày ốm rồi mất. Đứa thứ 3 sống được 12 ngày. Đứa thứ 4 cũng chỉ ở với bố mẹ được 18 tháng. Còn đứa thứ 5 là cháu Hà Văn Thân. 10 năm qua, Thân chẳng lớn thêm tí nào, chỉ bé như đứa trẻ lên 2, nằm một chỗ trong nhà, ai cho ăn gì ăn nấy, mọi chuyện tắm giặt, vệ sinh hằng ngày một tay chị Hạnh lo liệu.
“Khi yêu thương nhau, mình cứ nghĩ anh em họ ngoại lấy nhau cũng chẳng sao nhưng giờ giá phải trả quá đắt. Nhìn con nằm một chỗ khổ sở, day dứt ân hận nhiều cũng không thể quay ngược thời gian được, chỉ mong đừng ai lấy vợ lấy chồng khi cùng là anh em, họ hàng như mình thôi”, chị Hạnh ngậm ngùi.
Bi kịch gia đình “người rừng”
Câu chuyện về những đứa trẻ sinh ra có mặt mũi giống khỉ hay người rừng, không thể đi lại bình thường tưởng chỉ là lời đồn đại hoang đường. Nhưng khi đặt chân đến H.Thông Nông (Cao Bằng), chúng tôi mới tin đó là chuyện có thật.
Đón chuyến xe sớm nhất từ TP.Cao Bằng về thị trấn Thông Nông, thêm gần 1 tiếng chạy xe máy dưới trời mưa lạnh, chúng tôi đến nhà chị Nông Thị Nhung và anh Vi Văn Đôn (dân tộc Nùng ở xóm Khau Thượng, xã Yên Sơn). Vừa đến chân cầu thang nhà sàn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khiến chúng tôi giật thót, rùng mình. Giữa trời mưa giá rét, một đứa trẻ đen nhẻm nửa người, nửa giống khỉ cởi truồng ngồi vắt vẻo trên hiên nhà. Khi lại gần thì thấy mặt lấm lem bùn đất, nước dãi nước mũi chảy lòng thòng; đôi mắt mở thao láo, vô hồn. Khi chúng tôi vừa bước qua cửa, đứa trẻ lết theo bằng mông, giống như cách di chuyển của một chú khỉ con.
Đứa trẻ đó là Vi Văn Tiến. Dù lên 5 tuổi nhưng Tiến chỉ quanh quẩn trong mấy gian nhà sàn. Sở thích của Tiến cũng kỳ lạ không kém, chỉ thích lao đầu vào bếp lửa nghịch than. Ở vùng núi cao, mùa đông lạnh giá, giữa nhà sàn thường xuyên đốt lửa sưởi ấm, sợ Tiến gặp nguy hiểm nên gia đình lấy dây xích vào cột nhà.
Người anh trai của Tiến là Vi Văn Đông sinh ra cũng có phần đầu to bất thường, và mắc chứng thiểu năng trí tuệ. 15 tuổi, Đông không nói được nửa lời, cả ngày ngồi thù lù một chỗ. Bà nội của Đông cho biết, có lần em vô tình trốn khỏi nhà đi lang thang, rồi chẳng may bị xe máy tông phải. Đông bị chấn thương sọ não phải nằm viện chạy chữa, điều trị tới 4 tháng mới qua khỏi.
Anh Vương Văn Thành, cán bộ xã, là người phiên dịch cho chúng tôi, kể trước kia gia đình anh Đôn giàu có tiếng trong vùng. Do không muốn của cải thất thoát ra ngoài, gia đình đã tảo hôn và cưới chị Nhung, vốn là em con cô con bác. Sau khi lập gia đình, chị Nhung sinh 6 người con nhưng có đến 4 đứa bị khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ, gia sản từ đấy kiệt quệ, rồi lâm vào cảnh nghèo khó. 
Thu Hằng – Phan Hậu