29/11/2024

10 năm chờ đợi vì một lời hứa

Sau hơn mười năm chờ đợi, hàng trăm hộ dân đã di dời nhường đất cho các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện ở Thừa Thiên – Huế vẫn chưa nhận được tiền, đất đền bù để ổn định cuộc sống. 


 

10 năm chờ đợi vì một lời hứa

 

Sau hơn mười năm chờ đợi, hàng trăm hộ dân đã di dời nhường đất cho các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện ở Thừa Thiên – Huế vẫn chưa nhận được tiền, đất đền bù để ổn định cuộc sống. 





Vì không có đất trồng trọt, bà Huỳnh Thị Gái (ngồi giữa, ở thôn Hòa Bình, xã Bình Thành) phải vào rừng lượm củi để kiếm sống mỗi ngày - Ảnh: An Bang
Vì không có đất trồng trọt, bà Huỳnh Thị Gái (ngồi giữa, ở thôn Hoà Bình, xã Bình Thành) phải vào rừng lượm củi để kiếm sống mỗi ngày – Ảnh: An Bang

 

 

Họ đang sống trong cơ cực, con cái thất học vì 
thiếu tiền.

Đó là hoàn cảnh của hơn 900 hộ dân đang sống tại tám điểm tái định cư ở các xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), Xuân Lộc, Lộc Bổn (huyện Phú Lộc).

Các hộ dân này đã di dời để nhường đất cho dự án thuỷ lợi – thuỷ điện Tả Trạch và thuỷ điện Bình Điền từ những năm 2003 – 2004.

Nông dân không đất

Theo thoả thuận, tại nơi tái định cư, mỗi hộ dân sẽ được chính quyền cấp tối thiểu 1ha đất để ở và làm vườn, riêng đất rừng sản xuất của dân đã thu hồi cho dự án sẽ được áp dụng hình thức “đất đổi đất”. Thế nhưng cho đến giờ, sau bao năm đợi chờ mòn mỏi, các hộ dân vẫn chưa nhận được đất.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (trụ sở tại Huế), việc chăn nuôi của người dân ở khu tái định cư Bến Ván giảm rất nhiều so với khi còn sống ở nơi cũ của họ (xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ). Cụ thể, chăn nuôi trâu giảm 90%, bò giảm 65% do điều kiện chăn nuôi ở đây kém hơn, thức ăn khan hiếm, nguồn nước lại cách quá xa. “Trước đây khi còn ở nơi cũ, nhà nào cũng có nương rẫy, mỗi nhà cũng có vài hecta, không bao giờ bị đói” – ông Trần Đống, một nông dân ở thôn Hoà Bình, xã Bình Thành, nói.

Ông Phạm Văn Lộc (thôn Hoà Bình, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) cho biết ở nơi làng cũ ông có hơn 2ha đất, dù vất vả nhưng cuộc sống ổn định, không còn lo đói.

Ông Lộc nói dù khu tái định cư có nhà cửa, đường sá, điện được xây dựng đồng bộ hơn làng cũ, nhưng cuộc sống rất khốn khổ do không có việc làm, không đất sản xuất. Gia đình ông phải đi bóc vỏ cây thuê, công việc bấp bênh, tiền công thấp nên thường xuyên thiếu ăn.

Ông Nguyễn Đình Đèn, cũng ở thôn Hoà Bình, cho biết đã có nhiều gia đình bỏ khu tái định cư đi vào Nam hoặc về TP Huế để kiếm sống nhưng cũng chẳng khá hơn vì nghề của họ là trồng trọt, chăn nuôi, không thể làm việc gì khác.

“Chúng tôi là nông dân, quanh năm quen với nương rẫy, đất đai, không có đất thì không biết phải làm chi. Ở vùng này muốn đi làm thuê cũng khó kiếm ra việc. Mà chúng tôi xưa nay chẳng có nghề nghiệp gì, chỉ quen với cái cày cái cuốc, tay chân vụng về, nên có lên thành phố kiếm việc cũng khó mà làm được. Sống chết chi cũng phải ở đây, kiếm sống qua ngày, khổ lắm nhưng cũng đành chịu!”.

Ông Trương Ngọc Dũng, chủ tịch UBND xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), nói nông dân vốn đã khổ, tái định cư càng khổ hơn, đã vậy lại không có đủ đất để sản xuất nữa thì cực khổ đến mức nào.

Nhiều người đã phải bỏ khu tái định cư để đi vào Nam kiếm sống, nhưng cũng chỉ kiếm cơm qua ngày. Bởi vì họ là nông dân, ít học, chưa từng được đào tạo nghề, quanh năm chỉ quen với nương rẫy.

Cũng chính vì quá cơ cực nên nhiều gia đình đã cho con nghỉ học từ rất sớm. Ông Dũng cho biết tỉ lệ học sinh bỏ học của xã Bình Thành mỗi năm mỗi tăng. Các em nghỉ học để theo cha mẹ vào rừng kiếm củi, đi đào sắt vụn và mảnh bom để bán phế liệu.

Ông Nguyễn Văn Thương, trưởng thôn Bồ Hòn (xã Bình Thành), cho biết do đói khổ nên nhiều người dân đã phá rừng, bị kiểm lâm bắt giữ.

Từ năm 2010, điện đã được kéo đến các khu tái định cư nhưng vì không có tiền nên nhiều nhà dân đành chịu sống không có điện. Ngay cả nước sạch cũng là thứ khan hiếm.

Cũng vì không có đất sản xuất nên gần như toàn bộ nông dân ở các khu tái định cư này đang đối mặt với cái đói, nhiều nhà quá khó khăn phải ăn sắn thay cơm.

“Đất đai không có, cực lắm. Hết gạo, hết tiền nên phải ăn cháo thôi” – bà Phạm Thị Thảo (37 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn Bồ Hòn) cho hay.

Chẳng được đất, cũng không có tiền

Ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết phương án “đất đổi đất” không thực hiện được vì sau khi rà soát diện tích đất lâm nghiệp ở các lâm trường thì quỹ đất không còn.

Trong khi đó, ông Trương Ngọc Dũng cho biết hiện xã Bình Thành có hơn 2.000ha đất sản xuất, chủ yếu là đất lâm nghiệp, trong đó hơn 1.000ha nằm trong tay một vài cá nhân và tổ chức. Người dân địa phương chỉ sử dụng được khoảng 800ha. Vì vậy, hầu hết nông dân ở các khu tái định cư này vẫn hằng ngày đi làm thuê cho các chủ rừng.

Ông Nguyễn Trung Nhân, phó chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho rằng nông dân muốn sống phải có đất, nếu tỉnh trả nợ bằng tiền họ sẽ mua sắm, ăn tiêu hết, nghèo sẽ hoàn nghèo.

Theo ông Nhân, các lâm trường đang chiếm hết 70% đất của xã, nhiều diện tích vẫn còn để trống, trong khi người dân của xã không có đất sản xuất, phải đi làm thuê sống qua ngày. Phương án tốt nhất giúp người dân thoát khỏi đói nghèo bền vững là tỉnh nên thu hồi đất của các lâm trường để trả cho người dân 
sản xuất.

Việc thất hứa này đã được đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt ra tại các kỳ họp HĐND tỉnh trong năm 2014. Câu trả lời của UBND tỉnh vẫn là những lời hứa.

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-10-2014, ông Hoàng Ngọc Khanh nói rằng chủ trương “đất đổi đất” đã bị phá sản vì hết đất, tỉnh đã lên phương án bồi thường bằng tiền và đã được Chính phủ chấp thuận, Bộ Kế hoạch – đầu tư đang thẩm định nguồn vốn.

Ông Khanh nói giá đền bù sẽ tính theo thời điểm hiện tại, và UBND tỉnh sẽ vận dụng những chính sách có lợi nhất cho người dân. Ngoài việc nhận tiền đền bù đất, người dân còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm.

Ông Khanh cũng nói “hi vọng tiền đền bù sẽ đến với người dân trong năm 2015”. Thế nhưng, đến lúc này đã sắp hết năm 2015 mà vẫn chưa thấy gì. Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 2-11-2015, ông Khanh cho biết tỉnh vẫn đang chờ Chính phủ bố trí nguồn vốn.

“Khi nào Chính phủ bố trí vốn thì ngay lập tức tỉnh sẽ tiến hành đền bù cho người dân” – ông Khanh nói.

Nghĩa là sau 10 năm chờ đợi sự thực hiện của chính quyền trong nghèo đói thì người dân nhận ra một sự thật rằng: lời hứa vẫn mãi là lời hứa.

AN BANG