30/11/2024

Chiều con vô lối!

Chị có mỗi cậu con trai “ước mãi mới được” nên “nâng như nâng trứng”, coi như “báu vật” trong nhà.

Chiều con vô lối!

 

Chị có mỗi cậu con trai “ước mãi mới được” nên “nâng như nâng trứng”, coi như “báu vật” trong nhà.




Minh họa: Dad


Chồng chị cũng cưng con nhưng còn ở mức độ chấp nhận được, đằng này chị chiều chuộng con “quá thể quá đáng” đến nỗi… chẳng giống ai, khiến cho không chỉ người ngoài “dị nghị” mà đến người nhà cũng… hết chịu nổi!

Nuông chiều từ bé
Cậu được mẹ gọi yêu là “cu Ngọc”, bổ sung cho tên mẹ là “Ngà”, mặc dù tên trên giấy tờ là Quý – bổ sung cho tên bố là Báu! Ngày cu cậu đầy tháng, mẹ cậu mở tiệc linh đình chả khác gì tổ chức đám cưới với đủ các “lễ nghi” rườm rà từ học hỏi trên Google ra các nghi thức của trong nước lẫn nước ngoài đến các “thủ tục”… tự biên tự diễn! Rồi mâm cao cỗ đầy ồn ào, rình rang cả mấy ngày.
Cậu lớn lên một chút, thôi thì chả thiếu thứ gì, khi cậu biết đòi là thích gì được nấy, cái gì mà mua được bằng tiền là “cậu cần là có, cậu muốn là được”, nói hơi ngoa, chỉ trừ những thứ mẹ cậu “bó tay”, ví dụ như… hái sao trên trời xuống cho cậu, hoặc là cậu muốn lên mặt trăng kết bạn với chú Cuội thì mẹ cậu… chịu!
Bữa cơm hằng ngày, cậu mà muốn ăn món gì là hôm ấy mẹ cậu chỉ “tập trung vào chuyên môn” đúng từng ấy món, cả nhà phải ăn theo, miễn bình luận. Có tuần, ngày nào cậu cũng đòi ăn gà rán, đến nỗi về sau, bố cậu “dị ứng” với gà rán, chỉ nghĩ đến gà rán thôi là bố cậu kinh hãi!
Cậu vừa ăn vừa nghịch ngợm, gảy cơm, canh tung tóe, chọc thìa, đũa vào đĩa nọ, bát kia, thậm chí còn đổ lẫn lộn thức ăn vào với nhau, có hôm đổ cả nước canh vào nồi cơm, mẹ cậu vẫn chiều tất, còn “hoan hỷ” vì… “Em là con trai phải hiếu động thế mới tốt! Em khỏe mạnh, nghịch ngợm thế này là mẹ mừng! Chứ em cứ ngồi yên một chỗ, ruồi đậu trên mép không thèm đuổi thì mẹ mới lo”.
“Em” ham chơi hơn ham học, “em” chơi cả ngày, có khi đến 1 – 2 giờ sáng mới chịu ngủ, mặc cho mẹ ngọt nhạt, dỗ dành, “đố dám” nặng lời với “em”, kẻo “em” lăn ra ăn vạ, la lối, giãy đành đạch, rồi khóc lóc ỉ ôi dai như đỉa, dỗ được “em” nín còn mệt hơn là chiều theo mọi ý muốn của “em”!
“Em” có một sở thích là ném đồ chơi lung tung, vung vãi ra khắp nhà, cứ tiện tay là ném, đã vài lần “em” ném cả iPhone, iPad của bố mẹ, ném đồ nặng làm vỡ cả màn hình ti vi để “tạo điều kiện” cho song thân luôn được sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Mặc dù gia thế bố mẹ “em” chả phải thuộc diện “nhà chẳng có gì ngoài tiền” nhưng “em” cũng góp phần lớn vào vai trò tiêu pha, phá phách cho tiền bớt nhiều đi.
“Em” cũng có niềm vui nữa là thích chơi đồ vật nhọn, kiếm, súng, tuy chỉ là đồ nhựa nhưng “em” cứ ngắm, chĩa vào người khác một cách say mê, nhiều lần chọc mũi kiếm vào người bố, mẹ và người giúp việc xước xát cả da, nhưng mẹ “em” vẫn thản nhiên dung túng cho “em” thoả mãn mọi ý thích tai quái, vì “mắng em khiến em bị… tổn thương”!
Lớn vẫn vô tư!
Mười mấy tuổi đầu, “em” chẳng đụng chân, mó tay vào bất cứ việc gì, chỉ ăn và chơi dài dài, bên cạnh lúc nào cũng có “ô sin” sẵn sàng phục vụ tới tận răng. “Em” cứ nằm khểnh chỉ tay năm ngón mỗi khi có nhu cầu gì là mẹ “em” và cô giúp việc chạy vắt chân lên cổ.
Đã thế “em” còn học dốt, đã dốt lại còn lười, nói chung “em” chả biết làm gì, chả có kỹ năng chứ đừng nói đến năng khiếu gì. Của nả nhà “em” cũng chỉ thường thường bậc trung thôi nhưng “em” sinh hoạt… dị thường, chỉ ăn chơi, hưởng thụ mà chẳng chịu lao động, học hành. Mà ăn cũng ăn kiểu oái oăm, chơi cũng chơi kiểu oái oăm!
Cứ đà này, lớn lên chút nữa với nhiều nhu cầu cao hơn nữa, khi biết tiêu tiền mà không phải do sức lao động của mình làm ra, “em” sẽ “phá phách” gì của bố mẹ nữa đây? Rồi không biết “em” sẽ bươn chải với cuộc sống ra sao khi sau này không còn “nguồn tài trợ vô điều kiện” từ phụ huynh nữa?
Lỗi này do “em” hay do người lớn?

 

Bùi Thuý Hạnh