Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cảnh báo tội phạm ma tuý hiện rất nhức nhối, nếu bỏ tử hình sẽ khuyến khích loại tội phạm này gia tăng – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đề cập đến việc dự thảo luật bỏ tội “cố ý làm trái…”, đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết khi tiếp xúc cử tri có người dân hỏi là “có phải các ông phi hình sự hoá tội này để giải cứu cho cán bộ ra tù không?”.
ĐB Thuyền đề nghị cung cấp thông tin rất đầy đủ cho các ĐBQH hiện có bao nhiêu cán bộ đang đi tù, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội danh này. “Nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố là phải đình chỉ, những người đang thi hành án phải được ra tù, nhân dân có đồng tình với chúng ta không? Nếu chúng ta phi hình sự hoá tội này thì những người đang thi hành án phạt tù, kể cả Vinashin, được tha ngay. Chỗ này phải giải thích cho kỹ trước khi QH bấm nút, nếu chúng ta nói thế này, đến lúc đưa ra lại khác, cuối cùng tha hết cán bộ phạm pháp ra thì tôi cho rằng chúng ta có tội với nhân dân”, ông Thuyền nói.
Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng
|
|
|
Nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố là phải đình chỉ, những người đang thi hành án phải được ra tù, nhân dân có đồng tình với chúng ta không? Nếu chúng ta phi hình sự hóa tội này thì những người đang thi hành án phạt tù, kể cả Vinashin, được tha ngay
|
|
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
|
|
|
Một nội dung lớn của dự thảo là quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng quy định “pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nếu phạm tội cũng không bị coi là tội phạm” và không phải chịu trách nhiệm hình sự là trái với nguyên tắc trong chính dự luật là “Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”. Khi chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền theo tinh thần Hiến pháp thì không có lý do gì để phân biệt như vậy. Tôi đề nghị nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì phải áp dụng cho mọi pháp nhân”, ĐB Châu nói.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nâng thêm cấp độ là đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm đối với các cơ quan tổ chức thuộc nhà nước.
“Lâu nay cử tri bức xúc vì chuyện thành tích thì cá nhân được hưởng còn khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể. Mà việc xử lý thì ai cũng rõ đó là đã tiến hành kiểm điểm sâu sắc rồi kết quả đâu lại vào đó. Nay quy định pháp nhân thì các cá nhân sẽ có tinh thần tập thể trong công việc chung để bảo vệ tập thể, ngoài ra còn khắc phục được tình trạng thờ ơ thiếu tinh thần trách nhiệm”, ĐB Huệ lý giải và cho rằng có thêm quy định này sẽ khắc phục được tình trạng “ngồi trên mây” làm chính sách hay những quyết định mang danh tập thể nhưng bản chất là ý chí cá nhân, hoặc một nhóm người phục vụ lợi ích nhóm, đồng thời trị được bệnh độc đoán của người đứng đầu và sự ngại va chạm, sợ mất lòng lãnh đạo của các cá nhân trong một tập thể.
Cán bộ không đòi, nhưng dân tự đưa
ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị bỏ yếu tố “đòi” trong quy định liên quan đến tội nhận hối lộ bởi sẽ không ai chứng minh được chuyện “đòi” hối lộ. “Thực tiễn người ta gây khó khăn cho anh thì đương nhiên anh phải đưa, người ta mất lòng tin với anh người ta cũng đưa, người ta không còn tin anh, cơ quan nhà nước, bởi nếu không có tiền thì anh không làm, nên phải đưa, chứ không phải đòi. Nếu chúng ta ghi thêm câu này vào đây thì đương nhiên tiếp tay cho tội phạm tham nhũng”, ĐB Thuyền nói và cho biết đã chứng kiến một bộ trưởng đã trả lời một đài truyền hình có nói “cán bộ của tôi không có đồng chí nào đòi đưa hối lộ, nhưng dân tự đưa”.
Không đi sâu vào các nội dung điều luật cụ thể song ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng dự thảo còn rất nhiều vấn đề bất cập, không khả thi trong chính sách áp dụng và đề nghị rà soát lại toàn bộ, nếu không kịp thì để lại kỳ họp sau làm cho kỹ.
“Qua nghiên cứu toàn văn dự thảo, chúng tôi có cảm tưởng ban soạn thảo đã phá dỡ toàn bộ dự thảo lần trước. Dự thảo lần trước được xây dựng chính sách hình sự, hướng thiện, quyền con người, giảm hình phạt tù, tư tưởng của Hiến pháp suy đoán vô tội đã được thể hiện rõ nét hơn dự thảo lần này. Đặc biệt tôi rất chú trọng một số nội dung trong dự thảo lần trước QH không ai phản đối, ý kiến nhân dân cũng không phản đối nhưng không hiểu sao dự thảo lần này lại thay đổi, không giữ lại như cũ, rất khó hiểu”, ĐB Độ nói.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp tục giao Ban soạn thảo và một số cơ quan chức năng ngồi lại để cân nhắc cũng như tiếp tục giải trình với các ĐB còn có ý kiến khác nhau, một số nội dung còn tranh luận trái chiều có thể sẽ được áp dụng hình thức bỏ phiếu.
Cảnh giác việc giảm bớt hình phạt tử hình
Nhiều ĐB bày tỏ không đồng tình với việc giảm án tử hình đối với một số tội danh, nhất là tội về ma tuý. ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng tội phạm ma tuý hiện rất nhức nhối, nếu bỏ tử hình sẽ khuyến khích loại tội phạm này gia tăng.
ĐB Phạm Đức Châu cảnh báo: “Các tập đoàn tội phạm có tổ chức trên thế giới có nhu cầu trong việc xoá bỏ hình phạt tử hình, chính tội phạm ma tuý của các tập đoàn ma túy là can thiệp sớm nhất vào chính sách hình sự của các quốc gia thông qua các tổ chức NGO… Can thiệp chính sách hình sự của các nước, chúng ta phải hết sức cảnh giác việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm ma tuý, đấy là những vấn đề rất lớn trước đây chúng ta đã nghiên cứu. Khi thay đổi quan điểm chính trị pháp lý về vấn đề này phải cân nhắc rất kỹ”, ĐB Châu nhấn mạnh.
|