Dân chủ là đầu mối của các sợi chỉ đỏ
Đôi khi chúng ta lại bị phê phán về các vấn đề dân chủ, nhân quyền…Thật đáng buồn và nhức nhối, cần phải sửa chữa ngay.
Dân chủ là đầu mối của các sợi chỉ đỏ
Đôi khi chúng ta lại bị phê phán về các vấn đề dân chủ, nhân quyền…Thật đáng buồn và nhức nhối, cần phải sửa chữa ngay.
Ông Kiều Xuân Long – Ảnh: Phạm Vũ |
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn kính trọng với những ý kiến về đổi mới dân chủ hết sức quý báu của ông Chín Đào (Phan Minh Tánh) và ông Bảy Thanh (Võ Viết Thanh) trước thềm đại hội Đảng. Ý kiến của các ông rất thẳng thắn, sâu sắc”.
Ông Kiều Xuân Long, nguyên phó vụ trưởng Ban Khoa giáo trung ương, sôi nổi nói sau khi đọc những ý kiến góp ý văn kiện đại hội Đảng trên Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, ông trăn trở: “Nhưng tôi cũng thấy buồn vì thật ra vấn đề dân chủ trong Đảng, trong bầu cử, trong xã hội không phải mới mẻ, đã được đề cập đến suốt nhiều kỳ đại hội, thế mà nay nghe lại vẫn như mới mẻ. Điều đó càng thôi thúc rằng không thể còn chần chờ, thoái thác được nữa”.
Lịch sử của chúng ta đã có rất nhiều minh chứng cho thắng lợi của việc tin vào lòng dân và dựa vào sức dân. Lịch sử cũng đã khẳng định chỉ có dân chủ mới mở được lòng dân và phát huy được sức mạnh của dân |
* Ông có thể nói rõ hơn về nỗi buồn của mình?
– Ông Kiều Xuân Long: “Dân chủ” chính là sản phẩm đầu tiên của tinh hoa nhân loại tiến bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang về Việt Nam, cùng với “độc lập, tự do” để làm nên cuộc cách mạng giải phóng cả dân tộc.
Nó đã trở thành quốc hiệu: “Việt Nam dân chủ cộng hoà – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, thể hiện ý chí của người Việt Nam, được sự ủng hộ của cả thế giới trong suốt hai cuộc chiến tranh. Dân chủ chính là thành quả cách mạng của nhân dân, nên nhất định phải nằm trong tay nhân dân.
Thế rồi giờ đây, đôi khi chúng ta lại bị phê phán về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dù cho dân trí đã nâng lên gấp bội so với cách nay một thế kỷ. Thật đáng buồn và nhức nhối, cần phải sửa chữa ngay.
Tôi còn thấy buồn khi trong nhiều đại hội thường đưa ra khái niệm “phát huy” hay “mở rộng dân chủ”.
Dân chủ là quyền con người trong xã hội đã được nhân loại công nhận, chỉ có quyền dân chủ phải được đảm bảo trọn vẹn, không có “dân chủ hẹp, dân chủ rộng” để “phát huy” hay “mở rộng”. Hiến pháp, nghị quyết, văn kiện của Đảng đều khẳng định quyền dân chủ, nhưng các văn bản dưới luật để áp dụng vào cuộc sống lại chưa đảm bảo cho nó được bảo vệ.
* Đã có nhiều cuộc tranh luận về dân chủ trong nhiều lĩnh vực, kể cả bầu cử, và khi nào khái niệm “mở rộng dân chủ” cũng được đặt trong điều kiện phụ thuộc vào dân trí. Ông nghĩ thế nào về đề nghị thực hiện phổ thông đầu phiếu của ông Võ Viết Thanh?
– Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa thành lập đã từng tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 từ năm 1946. Đến nay, có thể nói rằng chưa bao giờ dân trí Việt Nam cao như bây giờ; chưa bao giờ người Việt Nam có nhiều thông tin, được sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến như bây giờ; chưa bao giờ Việt Nam có một lực lượng trẻ, trí thức, tiếp thu được học thức ở khắp thế giới như bây giờ.
Nhận thức về dân chủ của người dân ngày càng cao, họ đang theo dõi tình hình tranh cử, bầu cử trên khắp thế giới. Tổng tuyển cử chắc chắn không chỉ là mong muốn của đồng chí Võ Viết Thanh hay tôi mà là ý muốn của toàn dân, rộng hơn còn là ý muốn của cả thế giới.
Chưa bao giờ thế giới mong đợi Việt Nam mạnh mẽ, thăng hoa như bây giờ để làm một mắt xích dẻo dai của hội nhập… Tất cả sợi chỉ đỏ tập trung về đầu mối dân chủ.
Trong những kỳ đại hội trước, những vấn đề này đã được đưa ra bàn cãi nhiều và được nhiều người đồng tình nhưng quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền bầu cử vẫn chưa được luật hoá để bảo vệ được tự do, dân chủ của người dân…
Trong khi đó, thời chiến tranh chúng ta đã đề cao và dựa hẳn vào sức mạnh của dân trong các hoạt động để đấu tranh thống nhất đất nước. Lịch sử của chúng ta đã có rất nhiều minh chứng thắng lợi của việc tin vào lòng dân và dựa vào sức dân. Lịch sử cũng đã khẳng định chỉ có dân chủ mới mở được lòng dân và phát huy được sức mạnh của dân.
Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của đồng chí Võ Viết Thanh. Còn những đồng chí khác, nếu có ý kiến khác, cũng rất nên tranh luận công khai để người dân được biết những quan điểm, lập luận và tự nhận xét xem ý kiến nào phục vụ cho quyền lợi của dân.
* Nếu được bầu chọn, ông sẽ chọn một lãnh đạo như thế nào?
– Đơn giản là một người coi việc của dân, của nước như việc của mình và có đủ tài năng, bản lĩnh để làm việc ấy một cách tốt nhất.
Tôi muốn lãnh đạo được chọn, tìm rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Nếu làm như vậy từ dưới lên trên, người có tài tự khắc sẽ nổi bật. Cách cơ cấu cán bộ trong hệ thống sẽ tạo ra tính cơ hội, hạn chế tính đột phá và thui chột dũng khí vốn có của những người được chọn.
Đại hội Đảng lần này nên bàn bạc cặn kẽ và thấu tình, thấu lý điều này vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng ta chưa bao giờ quên lịch sử hào hùng, những ngày Đảng cùng nhân dân vượt qua bao mất mát, đau thương để thống nhất đất nước, lập lại hòa bình.
Những ngày ấy bên cạnh Đảng ta là nhân dân đủ mọi tầng lớp công – nông – thương – sĩ – nghệ, đủ mọi tôn giáo, quan điểm, và cũng nhờ vậy mà chúng ta được sự ủng hộ quốc tế lớn lao.
Ngày nay, với mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng và dân càng phải gắn bó hơn nữa, máu thịt hơn nữa để Việt Nam tiến lên cùng cả thế giới mà vẫn mãi mãi là Việt Nam Lạc Hồng. Càng về sau này, tôi càng thấm thía tầm quan trọng và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc ấy.