Mầm giai điệu đã lên chồi
Có những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X ngồi lại với nhau trò chuyện và chợt nhận ra rằng dù thế giới mình đang sống ngày càng hiện đại, nhưng con người dường như lại mỗi lúc lại mỗi tách biệt và lạc lõng hơn.
Nhóm nhạc 9X Germer: Mầm giai điệu đã lên chồi
Có những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X ngồi lại với nhau trò chuyện và chợt nhận ra rằng dù thế giới mình đang sống ngày càng hiện đại, nhưng con người dường như lại mỗi lúc lại mỗi tách biệt và lạc lõng hơn.
Các nghệ sĩ của Germer chụp ảnh lưu niệm sau chương trình Giao thoa tháng 2-2015 – Ảnh: Germer |
Phần lớn trong số họ là sinh viên Nhạc viện TP, vì vậy ý tưởng kết nối con người bằng âm nhạc nảy sinh. Và thế là đủ để nhóm nhạc Germer ra đời.
Germer trong tiếng Pháp có nghĩa là sự nảy mầm, cũng như ước muốn của những bạn trẻ đó mang âm nhạc đi khắp nơi và mơ về một hành trình, gieo đặt âm nhạc cổ điển trong trái tim của những người cùng lứa.
Những người bạn của họ trong nhóm là Dương Nguyên Khang, Trí Nguyễn… sau khi du học âm nhạc về nước là những người thúc đẩy ý tưởng đầy lãng mạn này, theo một khuynh hướng độc lập và chuyên nghiệp.
Tiếng búa gỗ chạm dây đàn
Bùi Phương Hà, người phụ trách về truyền thông, vốn là một sinh viên của Trường RMIT được mời về nhóm Germer, nói rằng con người mỗi lúc càng khô khan và mất đi sự lãng mạn thuần khiết trong trái tim mình, khi chỉ có cơ hội thưởng thức âm nhạc qua các phương tiện kỹ thuật số.
Thế giới đang bị chiếm hữu bởi các xung động của amplifier hơn là tiếng búa gỗ chạm vào dây đàn piano. Vì vậy, Germer đem khả năng của mình và niềm đam mê, chia sớt cho mọi người qua các đêm biểu diễn của mình tại các quán cà phê, các hội quán…
Công việc của Germer làm người ta nhớ đến Franz Liszt (1811 – 1886), nghệ sĩ piano vĩ đại người Hungary. Ngoài những câu chuyện tình lãng mạn làm cuộc đời của ông trở thành huyền thoại, Franz Liszt còn là một nhạc sĩ của đời sống thật bên ngoài các lâu đài tráng lệ hay sân khấu có giá vé đắt tiền.
Nhạc sĩ Franz Liszt ghi tên mình vào lịch sử âm nhạc thế giới khi trở thành người liên tục tổ chức hòa nhạc miễn phí cho người nghèo và người cần được phổ cập âm nhạc. Thậm chí năm 1841, ông còn trao tặng toàn bộ tiền của một buổi hoà nhạc cho giới công nhân, thợ thuyền tại Pháp.
Với ý tưởng âm nhạc cần đến với từng con người, đến với mọi nơi, Liszt là người đã tạo ra một chiếc xe ngựa với đàn piano để ở phía sau, để trong những chuyến đi ông ghé lại các ngôi làng, phố chợ… biểu diễn miễn phí cho mọi người.
Đem âm nhạc đi khắp nơi trên một chuyến xe đã là niềm ngẫu hứng cho rất nhiều thế hệ, thậm chí chuyến xe buýt giáo dục âm nhạc mang tên John Lennon đã là niềm vui của rất nhiều bạn trẻ ở châu Âu và châu Á. Và hôm nay, tại Việt Nam, cũng có nhóm bạn hơn 10 người là sinh viên thanh nhạc, violin, piano… cũng nắm tay nhau ước muốn đem âm nhạc đến mọi nơi.
Germer đã tổ chức được 12 chương trình hòa nhạc như vậy ở TP.HCM. Họ đi tìm các không gian thích hợp, thảo luận với nhau để lên chương trình và phát vé đi. Gọi mình là một nhóm nhạc cổ điển hoạt động phi lợi nhuận với chương trình định kỳ vào ngày thứ bảy cuối tháng, nhưng các buổi diễn đó rất dày công tổ chức, và đôi khi lại là những chuyên đề có tính giáo dục và quảng bá âm nhạc.
Bạn Võ Ngọc Kim Trang – sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP, là người chịu trách nhiệm tổ chức chương trình – cho biết hầu hết các buổi diễn đó, những thành viên của nhóm vẫn phải góp tiền vào bù lỗ cho các chi phí in ấn, dàn dựng… Tuy nhiên điều nhiêu khê đó vẫn chưa hề làm cho các bạn trẻ này chùn bước.
Tháng 9 vừa rồi, Germer kỷ niệm một năm thành lập của mình (ngày 27-9) với chương trình Trăng nơi phố thị với sự hâm mộ và chờ đợi của một lượng khán giả đã cảm thấy mình không thể thiếu được tài năng và tấm lòng của các bạn trẻ này.
Giọt nước mắt xao xuyến
“Việc có thể giúp thay đổi cách suy nghĩ hay nuôi dưỡng tâm hồn giới trẻ Việt Nam là mục tiêu to lớn nhất mà Germer đang hướng đến. Mục tiêu đó có thể có ở rất nhiều tổ chức khác, mỗi tổ chức sẽ có một cách, con đường khác nhau để đi đến mục tiêu đó. Nhưng với Germer thì cách mà nhóm chọn là thông qua âm nhạc: nhạc cổ điển” – Bùi Phương Hà giải thích cách mà Germer đang tồn tại như vậy.
Rất nhiều bạn trẻ tham gia biểu diễn trong nhóm Germer coi công việc của mình cũng là một cách khởi nghiệp (startup), một khuynh hướng đầy năng động và tự tin của thế hệ trẻ thế kỷ 21. Bước ra khỏi các tháp ngà của trường học và quan niệm xưa cổ, các nghệ sĩ trẻ hôm nay của Việt Nam đã chọn một cách tiếp cận khán giả và giới thiệu khả năng của mình hết sức thực tiễn và ngẫu hứng. Germer mở ra một con đường mới, một niềm cảm hứng với những ai học và chơi âm nhạc cổ điển đang cảm giác mình quá xa cách với cuộc sống.
Công việc của nhóm Germer giờ đây mỗi lúc một bận rộn. Mỗi tuần các thành viên đều gặp nhau để thảo luận chương trình, ghi tiết mục và các lời bình đi kèm để gieo các cảm nhận đẹp nhất và gần gũi cho khán giả. Mọi người làm việc với nhau không khác gì như trong một công ty, chỉ có điều là không lương.
“Mọi người dù không nói ra nhưng đều cùng tuân thủ vài nguyên tắc. Đó là kỷ luật, đam mê và cống hiến. Đặc biệt là kỷ luật, vì đây là một nhóm đòi hỏi ai cũng có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với khán giả” – Võ Ngọc Kim Trang nói.
Trên trang Facebook của mình (Germer team), công việc và lịch diễn vẫn được kể lại, mà niềm vui lớn nhất của họ vẫn là nhìn thấy được sự cảm nhận của khán giả. Đêm diễn tháng 9, khi tiết mục của Công Hoàng (piano) và Ly Hoàng Kim (thanh nhạc) kết thúc, bản Romance from “Rosamunde” của Franz Schubert (1797 – 1828) được các bạn trong nhóm xao xuyến kể với nhau về giọt nước mắt của một khán giả.
Có thể Germer đã có những hạt mầm đầu tiên của họ lên chồi. Tuổi trẻ và sự cống hiến của họ thật đáng hãnh diện, từ một thế giới quá xao động hôm nay, mà âm nhạc cổ điển tưởng chừng như đã là điều bất khả.
“Giao thoa 2” là chủ đề chương trình biểu diễn định kỳ của nhóm Germer vào ngày thứ bảy cuối tháng này (31-10). Lần này sẽ có sự tham gia của nghệ sĩ Trí Nguyễn (piano – đàn tranh) đến từ Pháp và Buynta Goryaeva (violin) đến từ Nga. Ngoài ra còn có khách mời đặc biệt là nghệ sĩ Hồng Vy, người đoạt nhiều giải thưởng về thanh nhạc, đang là giọng soloist của Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP.HCM. Chương trình lần này trình bày một phối hợp độc đáo giữa âm nhạc cổ điển phương Tây và các chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. |