Quyền vay vốn của người thu nhập thấp
Hơn một tháng nay, do có nhu cầu tiêu dùng đột xuất để điều trị bệnh, tôi đã “gõ cửa” không dưới mười ngân hàng trên địa bàn TP.HCM để vay tiền nhưng vẫn không vay được.
Quyền vay vốn của người thu nhập thấp
Hơn một tháng nay, do có nhu cầu tiêu dùng đột xuất để điều trị bệnh, tôi đã “gõ cửa” không dưới mười ngân hàng trên địa bàn TP.HCM để vay tiền nhưng vẫn không vay được.
Không thể vay tiền ở ngân hàng, nhiều người có thu nhập thấp đành tìm đến những quảng cáo cho vay tiền dán ở các trụ đèn tại TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Những ai từng có ý định vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo, chủ yếu vay dựa trên thu nhập và lương) sẽ hiểu rõ nỗi khổ của những người có thu nhập thấp khi đi vay tiền ngân hàng |
Mặc dù hiện tại đang là viên chức ở cơ quan nhà nước với mức lương 6 triệu đồng/tháng, sống độc thân, nhưng khi đến các ngân hàng có hơn 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước tiếp cận gói vay tiêu dùng dành cho người có thu nhập thấp, tôi vẫn nhận những cái lắc đầu.
Họ trả lời với tôi: “Mức lương 6 triệu của anh không đủ khả năng tài chính trả nợ nên ngân hàng xin lỗi không tiếp nhận hồ sơ”, hay: “Hồ sơ vay vốn của anh thấp quá nên nhân viên ngân hàng rất khó quản lý, xin lỗi anh là không tiếp nhận”…
Khi tôi sang những ngân hàng thương mại cổ phần khác thì được biết người thu nhập trung bình thấp như tôi phải chịu mức lãi suất khá cao. Cụ thể tại các ngân hàng có vốn nhà nước lãi suất cho vay dao động từ 9%/năm thì ở nhiều ngân hàng ngoài khối này lãi suất lên hơn 20%/năm. Còn ở các công ty tài chính, thị trường giao dịch chợ đen thì lãi suất lên đến 30 – 40%/năm. Với mức lãi suất như vậy, tôi thấy mình không có khả năng để vay.
Theo nghị định của Chính phủ, người có thu nhập thấp là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng và không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Không phải hộ nghèo có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng – có thể tìm đến ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân và những tổ chức xã hội – và cũng không phải người có thu nhập cao – trên 9 triệu đồng/tháng, thường được các ngân hàng săn đón cho vay, những người có thu nhập lưng chừng như chúng tôi dường như quá bị thiệt thòi từ việc tìm đến gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng mua nhà ở xã hội và giờ đây là những khoản vay tiêu dùng.
Tôi nghĩ chính vì sự khó khăn này mà nhiều người dân khi có nhu cầu vay tiền tiêu dùng đành bấm bụng cầu cứu những nơi cho vay nóng với lãi suất “khủng”.
John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, từng nói: “Nếu bạn vay nợ ngân hàng 100 bảng Anh, bạn không trả, bạn sẽ rơi vào rắc rối lớn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 1 triệu bảng thì ngân hàng đó sẽ rơi vào bi kịch”.
Rõ ràng với mức thu nhập chỉ dưới 9 triệu đồng và hạn mức được vay gấp 10 lần lương, những khó khăn rủi ro tín dụng cá nhân nhỏ lẻ này không thể làm cho các ngân hàng “lao đao”.
Thật sự, hơn ai hết những người có thu nhập trung bình thấp đa số là viên chức và công chức nhà nước lại càng không thể để bản thân rơi vào tình trạng “rắc rối” bằng trốn nợ được.
Có lần học khóa ngắn hạn tại Hoa Kỳ, tôi được biết đến một tổ chức gọi là Low Income Credit Unions (đoàn thể dành cho những người có thu nhập thấp) hỗ trợ cho những cá nhân và người không tiếp cận được những định chế tài chính truyền thống thông thường.
Vì đối tượng sử dụng ngân hàng tại các quốc gia này phần lớn là người có thu nhập cao, đoàn thể này đứng ra giải quyết những vấn đề về tài chính dành cho người có thu nhập thấp (không phải người nghèo hay người vô gia cư).
Tổ chức này hiện đã hỗ trợ cho không dưới 70% người có thu nhập thấp tại đây về những vấn đề tài chính và tổ chức này cũng chính là một bộ phận cơ quan nhà nước trực thuộc chính phủ.
Theo tôi, đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ khó khăn về quyền được vay vốn của người có thu nhập thấp.
Bởi lẽ, có rất nhiều người dân Việt Nam rơi vào mức thu nhập từ 3 triệu – 9 triệu đồng/tháng và họ đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi khi tiếp cận các chính sách.