Thủ tục nhanh gọn sẽ hết “gửi gắm” ở cơ quan công quyền
Kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 30 người dân tại TP.HCM cho thấy tất cả đều nhờ “gửi gắm”, “giúp đỡ” khi tới làm việc tại các cơ quan công quyền, trong đó có 56,7% nhờ thường xuyên và 43,3% thi thoảng nhờ.
Thủ tục nhanh gọn sẽ hết “gửi gắm” ở cơ quan công quyền
Kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 30 người dân tại TP.HCM cho thấy tất cả đều nhờ “gửi gắm”, “giúp đỡ” khi tới làm việc tại các cơ quan công quyền, trong đó có 56,7% nhờ thường xuyên và 43,3% thi thoảng nhờ.
Người dân xem quy trình thủ tục hành chính tại UBND quận 4, TP.HCM – Ảnh: T.T.D. |
20 cán bộ công chức trả lời khảo sát cũng nhìn nhận có chuyện người dân sử dụng “quyền trợ giúp” khi đến cơ quan công quyền nhưng đưa ra tỉ lệ khác: 35% nhờ thường xuyên, 60% thi thoảng và 5% không nhờ.
Nỗi sợ “hành chính”
“Mỗi lần đi lên cơ quan hành chính để làm việc, tôi đều phải tìm cách liên hệ trước với người quen nhờ giúp đỡ để họ nói giùm mình một tiếng. Như vậy được việc sớm, mà cán bộ cũng có thái độ đúng mực hơn với mình”, chị Lê Thị Thương (Q.Bình Thạnh) nói.
Trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi nhận được nhiều lời than thở, những tiếng thở dài của người dân về việc chỉ xin ký một giấy xác nhận mà phải đi tới đi lui hai ba ngày, tới ngày hẹn lên nhận hồ sơ lại được yêu cầu bổ sung giấy tờ, việc cán bộ “mặt nặng mày nhẹ”, lớn tiếng…
Thậm chí anh M.S., chủ một quán ăn nhỏ, còn bày tỏ: “Công việc làm ăn khiến tôi phải tiếp xúc nhiều với chính quyền. Tôi rất sợ mỗi khi phải đi làm giấy tờ gì đó, thật là phức tạp. Nào giấy phép kinh doanh, đóng thuế, phí, nộp phạt, cung cấp giấy tờ cho đoàn kiểm tra, giải quyết đơn phản ảnh của hàng xóm… Nhiều khi mọi thứ cứ rối tinh lên khiến tôi cũng không hiểu phải làm gì mới xong chuyện”.
Còn chị Nhã Phương cho biết có lần chỉ đi xin đăng bộ nhà đất mới mua mà chị cũng chạy đi chạy lại mất mấy tháng trời. Chị kể có những giấy tờ tới phòng này thì nói đã chuyển sang phòng kia rồi, vậy mà sang phòng kia – chỉ cách có mấy bước chân, họ nói chưa nhận được và hẹn chị vào hôm khác.
Cũng có người xem chuyện nhờ vả khi đến cơ quan công quyền như là việc hiển nhiên trong làm ăn. Như anh Q. làm ở một công ty xây dựng nhỏ, thường đến các phòng quản lý đô thị lân la làm quen với các cán bộ, công chức. Anh Q. chia sẻ làm quen với một hai cán bộ, biến họ thành “mối ruột” để dự án, công trình gì của công ty mình cũng đều được thông qua nhanh chóng.
Những câu chuyện đó cũng nói lên phần nào về lý do người dân phải nhờ “quyền trợ giúp” khi tới cơ quan công quyền làm việc. 70% số người khảo sát nói làm vậy để tiết kiệm thời gian, 63,3% nói vì quy trình thủ tục quá phức tạp, 50% nói vì cán bộ có thái độ làm khó. Chỉ 36,7% số người nói rằng mình phải nhờ vì không hiểu biết quy định.
Cần sự công khai, minh bạch
Gần như trái ngược với ý kiến người dân, nhóm cán bộ công chức trả lời khảo sát có tới 70% cho rằng người dân không hiểu biết quy trình thủ tục nên mới phải nhờ “trợ giúp” khi đến cơ quan công quyền. Chỉ 10% nói do thái độ làm khó của cán bộ, 15% cho rằng vì quy trình thủ tục quá phức tạp.
Có một điểm chung trong ý kiến của nhóm cán bộ công chức so với người dân là đồng thuận cao về lý do phải nhờ “trợ giúp” nhằm “tiết kiệm thời gian” (với 55% ý kiến). Điều này cho thấy người dân mong muốn được rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính.
Một điều thú vị là từ góc độ người trong cuộc, nhiều cán bộ công chức ủng hộ việc siết quy định về thời gian giải quyết hồ sơ (45% lựa chọn) và phương án này cũng được 33,3% người dân lựa chọn trong nhóm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nhờ “trợ giúp” của người dân.
Giải pháp được nhiều người lựa chọn nhất để giảm tình trạng “nhờ vả, gửi gắm” chính là công khai, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (80% người dân và 75% công chức lựa chọn).
Về phía người dân, có 36,7% người muốn chấm điểm cán bộ công chức nhằm thúc đẩy thêm sự công khai, minh bạch trong quy trình thủ tục.
Tuy nhiên, chỉ 20% cán bộ công chức ủng hộ phương án này. Tương tự, không cán bộ công chức nào muốn công khai các trường hợp nhờ vả, trong khi có 10% người dân chọn cách này để hạn chế tình trạng trên.
Một số ý kiến khác cũng rất đáng lưu ý: có 3/40 người dân được hỏi đã đề nghị tăng lương cho cán bộ công chức để họ tận tâm làm nhiệm vụ, giải quyết tốt công việc cho người dân.
Còn một cán bộ góp ý các cơ quan hành chính nên làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, nghỉ vào một ngày khác trong tuần, bởi làm cuối tuần người dân mới có nhiều thời gian để tự thực hiện các thủ tục.
Một cán bộ về nhà đất cho biết những đợt cao điểm, mỗi cán bộ trong phòng phải giải quyết khoảng mười hồ sơ trong một ngày. Đó thật sự là một con số quá lớn vì các hồ sơ nhà đất rất phức tạp, phải có thời gian xem xét, đối chiếu.
“Có hôm hồ sơ hầu hết là được gửi gắm, chúng tôi cảm thấy áp lực hơn, mệt mỏi hơn nữa. Với lượng công việc đó, dù ưu tiên cách mấy cũng không thể nhanh hơn được, mà chậm hơn cũng không được vì phải kịp tiến độ. Nên cách tốt nhất là cứ lần lượt giải quyết, đúng theo quy định sẽ không ai bắt bẻ gì được. Nhưng người dân cũng nên dần bỏ thói quen nhờ vả đi thì đỡ áp lực cho chúng tôi”, vị cán bộ này nói.
* Bà Vũ Thị Thu Hà (Q.Bình Thạnh): Có cán bộ giải thích không rõ ràng, nói nhỏ tiếng. Mình nghe không rõ phải hỏi lại thì cán bộ lớn tiếng, thái độ rất khó chịu. />* Trần Thị Thu (Q.Gò Vấp): Ai cũng nhờ người quen giúp đỡ thì những người không có ai để nhờ sẽ phải chờ đợi lâu hơn. Thủ tục đơn giản, cán bộ hướng dẫn nhẹ nhàng thì người dân mới đỡ e ngại khi phải đụng đến thủ tục giấy tờ. * Bà Phạm Thị Y (Q.Bình Thạnh): Tốt nhất là nên cải cách thủ tục hành chính sao cho gọn nhẹ, không rườm rà phức tạp. Giải quyết nhanh, rõ ràng thì người dân cần gì nhờ vả người khác. |