02/11/2024

Ki cóp từng đồng cho con ăn học

Câu trả lời chung của những ông bố, bà mẹ trẻ miền Trung phải đứt ruột xa con vào Nam lao nhọc mưu sinh là: ra đi để có đồng tiền, bát gạo trang trải bữa cơm gia đình ở quê và chu cấp cho con học hành.

 PHẬN THA PHƯƠNG

Ki cóp từng đồng cho con ăn học

 

Câu trả lời chung của những ông bố, bà mẹ trẻ miền Trung phải đứt ruột xa con vào Nam lao nhọc mưu sinh là: ra đi để có đồng tiền, bát gạo trang trải bữa cơm gia đình ở quê và chu cấp cho con học hành.




Cha mẹ vào Nam mưu sinh để thoát nghèo, con cái được ăn học tử tế. Trong ảnh: em Bùi Thị Hồng Mỹ tự học bài bên bà nội ở làng hủ tiếu Mỹ Trang (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi)  - Ảnh: TRẦN MAI
Cha mẹ vào Nam mưu sinh để thoát nghèo, con cái được ăn học tử tế. Trong ảnh: em Bùi Thị Hồng Mỹ tự học bài bên bà nội ở làng hủ tiếu Mỹ Trang (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi)  - Ảnh: TRẦN MAI

Tằn tiện từng đồng

Bữa cơm trưa của vợ chồng trẻ Bùi Thị Thu (25 tuổi) ở dãy trọ công nhân đồng hương Hà Tĩnh cạnh Khu công nghiệp Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) có ba món nhưng hết hai món là rau luộc và cải chua. Thu bộc bạch: “Là công nhân nên bữa cơm đạm bạc rứa thôi, bó rau, bó cải lót dạ cho qua ngày là được rồi”.

Hồ Phúc Chiến (28 tuổi, chồng của Thu) cho biết vợ chồng làm công nhân lương “ba cọc ba đồng” nên phải sống chắt bóp, tiết kiệm được chừng nào hay chừng nấy. Sống ở nhà trọ đã lâu, nhưng từ khi thuê phòng đến giờ vợ chồng cũng chẳng sắm giường mà chỉ kê mấy tấm ván cho cao hơn sàn nhà rồi lót chiếu để nghỉ ngơi.

Chiến và Thu nên duyên vợ chồng từ năm 2010, và được chia hai sào ruộng lúa để cày cấy nuôi thân, nên vợ chồng phải đầu tắt mặt tối làm đủ nghề để kiếm thêm tiền. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, cuộc sống vợ chồng Chiến chật vật hơn, thiếu trước hụt sau, vợ chồng bàn bạc rồi quyết định gửi con cho nội. Thu vào Nam trước, sau đó chồng cũng theo vợ vào làm công nhân.

“Làm công nhân không giàu nổi nhưng cũng có đồng tiền bát gạo mà gửi về nuôi cha mẹ, nuôi con” – Chiến nói. Cũng vì thế mà nhà Chiến có bốn anh em thì hết ba người đã vào lập nghiệp, dựng vợ gả chồng ở Vũng Tàu. Điều vợ chồng trăn trở nhất là đứa con trai hơn 4 tuổi ở quê. Vừa thương nhớ, vừa thấy con thiệt thòi khi thiếu hơi ấm của cha mẹ nhưng suy đi tính lại thì vợ chồng cũng không thể đón con vào ở cùng. “Khi mô có đồng vốn thì vợ chồng về quê chớ ai mà xa con cái mãi được” – Chiến quả quyết.

Với vợ chồng Lê Thị Trang (25 tuổi) và Nguyễn Minh Hà (29 tuổi) thì việc rời Bà Rịa – Vũng Tàu trở về lại quê sinh sống là điều rất khó khăn. Bây giờ, vợ chồng đều là công nhân lâu năm, lương đã ổn định. Nếu trở về quê, không bằng cấp, không ruộng đất thì coi như tay trắng. Có lần chồng Trang đề cập đến chuyện về quê nội ở Phú Xuyên (Hà Nội) nhưng vừa hé nửa câu thì ông nội đã cắt lời.

“Về quê chỉ có nước đi đóng gạch thuê kiếm sống, công việc vừa nặng nhọc mà tiền công chẳng bao nhiêu nên nghèo chỉ hoàn nghèo thôi. Sống ở đây kiếm miếng đất, con lớn rồi mang vào định cư luôn” – Trang nói.

“Nhiều lần hai đứa cũng muốn đón cháu vào Nam sống gần cha mẹ nhưng đứa đi làm ca ngày, đứa làm ca đêm không ai chăm mà gửi nhà trẻ tư thì tốn thêm tiền. Hơn nữa, cháu cũng gần vào lớp 1, còn chuyện giấy tờ, hộ khẩu và cả giọng nói khác vùng khác miền nữa, đâu phải dễ
Bà Võ Thị Tuyên (mẹ của Hồ Phúc Chiến)

Cho con cái có tương lai

“Mạ chịu cực thêm một chặng nữa nuôi giúp con hai đứa cháu. Chừ mạ cũng đã già, em gái sắp vào đại học. Nếu năm người bấu víu vào cái bậc lở này thì e chết đói”.

Câu nói giã biệt ấy khiến người mẹ già 62 tuổi đành gật đầu đồng ý cho con gái L.T.T. vào Nam. Nhà T. ở sát bậc lở bên sông Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), cả nhà chỉ có hai sào ruộng cấy, cuộc sống của cả gia đình đặt lên đôi vai của cô gái 28 tuổi L.T.T. đang làm công nhân tại Sài Gòn. Mỗi ngày, T. tăng ca hơn những người công nhân khác, có ngày làm đến 16 giờ. Tổng cộng tiền lương được hơn 8 triệu đồng T. gửi về một nửa để ba bà cháu ở quê lo cái ăn, cái mặc.

“Ở quê, một tháng nai lưng ra làm trăm công ngàn việc đi nữa cũng không có lương 8 triệu đồng/tháng như tại đây, làm sao đủ mà nuôi con, nuôi em” – T. nói. Mỗi tháng T. cũng lận lưng được một ít tiền, coi như để làm vốn sau này cho con học đến nơi đến chốn và chờ hai con lớn thêm xíu nữa để đem vào cùng với mẹ chứ không về quê nữa.

Còn đối với cô gái 29 tuổi Lê Thị Luyến thì từ ngày rời quê Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm công nhân dệt ở huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), Luyến đã xác định ra đi vì con. Trở về quê lấy chồng không ra gì nên đành phải bỏ đi kiếm kế sinh nhai bởi ở quê tiền đâu mà lo trăm khoản. Nhìn thân hình gầy gò, xanh xao của Luyến trong căn phòng trọ mà thứ duy nhất có giá trị là chiếc xe đạp cũ thì ai cũng dễ hình dung Luyến sống tằn tiện đến mức nào.

“Mình bôn ba vào đây làm ngày làm đêm cũng chỉ vì con. Con nó đã thiệt thòi không có cha. Đầu năm học không có cái cặp mới, cái áo mới bạn bè cười chê thì tội nghiệp lắm” – Luyến tâm sự.

Hơn hai năm làm công nhân, lúc nào Luyến cũng đau đáu về bên con. Tình mẫu tử thiêng liêng khiến Luyến nặng lòng quay về quê nhưng cuộc mưu sinh cứ níu chân ở lại. “Rồi cũng đến lúc mình phải về lại quê thôi chứ không thể ở đây mãi được. Không biết về đó có đủ sức, đủ tiền nuôi con cho qua đoạn trường để đời con không lặp lại đời mẹ hay không nữa…” – Luyến thở dài.

Ông Đặng Cao Thắng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, cho biết hằng năm tỉnh này có 15.000 – 17.000 lao động đi làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở các địa phương khác. Ngoài những tỉnh phía Nam thì thời gian gần đây lao động Nghệ An cũng đi làm việc tại các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên.

“Có công ty điện tử về tận huyện, xã tuyển dụng lao động đi làm việc với mức lương 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập ổn định, lại cao hơn so với nghề nông nghiệp nên nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ thường gửi con cái lại cho cha mẹ chăm sóc hộ để đi xin việc làm ở địa phương khác” – ông Thắng nói.

Không có con số cụ thể về lượng tiền các lao động gửi về cho gia đình, nhưng ông Thắng cho rằng việc các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh khác phát triển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đồng thời giúp họ có thu nhập tốt hơn cho gia đình. 

Trong khi đó ông Nguyễn Duy Nhân, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong những năm qua, số lượng người trong độ tuổi lao động làm ăn tha phương ở các thành phố lớn đã góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Mỗi ngôi làng có một nghề riêng như làng có biệt danh hủ tiếu, làng kim chỉ, làng vé số…, sau khi đi làm ăn xa đã có nguồn thu nhập ổn định, họ mang tiền của về xây dựng nhà cửa quê hương, góp phần từng bước xóa nghèo cho địa phương.

“Trong những năm trở lại đây, số lượng lao động làm ăn tha phương ở tỉnh ngày một ít dần, do việc làm của tỉnh ngày một nhiều, thu hút họ trở về quê để làm việc gần gia đình, có thời gian chăm sóc người thân, đó cũng là điều đáng mừng” – ông Nhân nói.

DOÃN HOÀ – TRẦN MAI

NGỌC HIỂN ([email protected])