Câu chuyện phía sau một tấm ảnh
Nhiều năm đã trôi qua. Có chuyện còn nhớ, có chuyện bạn bè nhớ giùm. Nhưng riêng chuyến đi vào vùng lũ hôm đó, không thể nào tôi quên.
TUỔI TRẺ VÀ NHỮNG KÝ ỨC NGHỀ NGHIỆP – KỲ CUỐI:
Câu chuyện phía sau một tấm ảnh
Nhiều năm đã trôi qua. Có chuyện còn nhớ, có chuyện bạn bè nhớ giùm. Nhưng riêng chuyến đi vào vùng lũ hôm đó, không thể nào tôi quên.
Đây là bức ảnh của anh Lê Thanh Hà đăng trang nhất Tuổi Trẻ ngày 6-11-1999 nhưng lại được ghi tác giả là… tiệm Internet – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Hình ảnh không quên
Người dân ở Lương Quán gọi xin dầu hoả để thắp đèn bên thi thể người thân đang bó chăn chiếu nằm trên ghế băng cho người chết đỡ tủi.
Một người chồng ngồi thẫn thờ trên mái nhà, bên cạnh người vợ đang cuộn trong chiếc áo nilông xanh.
Cụ già nơi bến Tuần đứng trong nước ngập bóc ngay mì gói ăn sống vì quá đói.
Hai hàng quan tài gỗ thông vàng nhức nhối quàn trước bia Quốc học.
Rồi khi tốp bộ đội đầu tiên tập kết trước đường băng Phú Bài, người chỉ huy gầy khắc khổ gọi một trung đội bước lên phía trước và nói khẽ: “Trích xuất một trung đội, giao nhiệm vụ cưa xẻ gỗ, cấp tốc đóng quan tài để mai táng người dân chết lụt”. Cả trung đội đáp: “Rõ!”.
Gương mặt những người lính nhoè nhoẹt nước mắt.
Trận lụt trăm năm, giờ nhắc lại vẫn buồn vô cùng. Nó cũng đã thành một “biến cố”, thêm vào bản sớ đọc trong cúng tế ở Huế bây giờ…
…Tôi nhớ lúc đó, để hỗ trợ Huế, Tuổi Trẻ đã chi viện hai nhóm phóng viên. Mũi từ tòa soạn Sài Gòn cử ra có anh Nguyễn Công Thành và Cù Mai Công. Mũi phía Hà Nội do anh Bùi Thanh cử vào có Đà Trang và Việt Dũng. Sau đó thêm Minh Tự (bị mắc kẹt ở A Lưới mấy ngày khi tham gia đoàn công tác của phó chủ tịch tỉnh Lê Văn Hoàng) bám theo trực thăng cứu hộ về lại thành phố.
Hai cái lạy
Sau vài ngày chỉ fax tin không có ảnh, khi đường điện thoại cố định được khôi phục cục bộ, chúng tôi nghĩ cách làm ảnh để truyền về toà soạn. Khi đi ngược sông Hương cùng canô của lực lượng cứu hộ biên phòng, tôi có mang theo hai máy ảnh nhưng đều là máy ảnh chụp bằng phim.
Muốn có ảnh phải tráng phim, rửa ảnh, nhưng tất cả minilab ở Huế đều bị ngập nước, thiết bị hư hỏng. Đà Trang nói trong số nhà báo “đu càng” trực thăng vào Huế có anh Ngọc Trường ở Thông tấn xã VN mang theo máy scan phim. Đó là thiết bị “hàng khủng” lúc bấy giờ với dân làm báo.
Thông tấn xã VN mới mua nó để chuẩn bị tác chiến ở SEA Games, không ngờ được trưng dụng vào trận lũ Huế.
Như vậy vấn đề còn lại là tráng phim. Ai tráng, thuốc đâu, buồng tối đâu mà tráng phim bây giờ? Tôi nhớ ra anh Đặng Việt Hùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Huế. Nhà anh Hùng ở vùng Phủ Cam, là vùng không bị ngập nước.
Anh Hùng nhận lời và nói sẽ cùng anh Sơn (cũng là một người chơi ảnh) tráng phim, chỉ được đen trắng thôi. Nhưng anh cũng thành thật khuyên tôi: “Những cuộn phim của Hà chụp rất quý, không ai có. Giờ tráng thủ công là năm ăn năm thua, nếu cháy phim thì anh cũng tiếc”. Nhưng rồi tôi quyết định mạo hiểm.
Ngồi ở tầng hai tòa nhà VTV Huế cạnh công viên, Đà Trang và tôi hì hục viết, vừa viết vừa nôn nao. Sẩm tối, anh Hùng xuất hiện ở cửa, tay cầm cuộn phim vừa tráng, giơ lên gọi: “Hà, Hà, ngon rồi, ngon rồi…”.
Tôi đứng lên, chắp tay nói em lạy anh hai lạy để thay lời cảm ơn. Anh Hùng đứng sững người ngay trước cửa phòng.
Chúng tôi vội mở phim ra soi dưới ánh đèn. Cuộn phim vẫn còn dính vì chưa kịp khô hẳn. Những hình ảnh trong từng khổ phim đen trắng khiến cả hai chúng tôi xúc động đến chết lặng. “Đi thôi”- cả hai quyết định kết luôn bài viết đang dang dở, đóng máy tính và đi tìm anh Ngọc Trường.
Chúng tôi hiểu rằng mọi chữ nghĩa lúc này là dư thừa so với hình ảnh. Đây sẽ là những bức ảnh lịch sử về một trận lũ lịch sử!
Hai thằng hộc tốc ngược lên nhà khách của tỉnh, nhờ máy scan phim của anh Ngọc Trường ở Thông tấn xã VN. Anh Trường scan giúp. Hỏng liên tục. Rồi cuối cùng cũng được một tấm.
Nhìn ảnh trên máy tính, anh Ngọc Trường nói: “Thôi để Thông tấn xã phát nhé,Tuổi Trẻ xài sau…”. Dĩ nhiên là chúng tôi lắc đầu. Không được đâu ông ơi!
Tấm ảnh lịch sử
Đà Trang rút điện thoại gọi về toà soạn, lúc ấy tổng thư ký Lưu Đình Triều đang trực: “Gắng đợi nhé các anh…”. Chúng tôi copy file vào đĩa mềm, chạy ra chỗ dịch vụ Internet Nhật Hải, gần như duy nhất ở Huế.
Lúc ấy kết nối Internet bằng cách “thủ công” dial-up 1269. Truyền một tấm ảnh mất hàng giờ đồng hồ, mà chẳng biết nơi cần nhận có nhận được không…
Liên tục điện thoại trao đổi với “tổng hành dinh”, chúng tôi biết cả tòa soạn đang nóng lòng. Nội dung bài vở đã xong, trang nhất “đục sẵn một lỗ” đợi ảnh hiện trường.
Gần như cả tờ báo chỉ chờ tấm ảnh này là “bay” thẳng tới nhà in. “Có thể chậm công đoạn in, nhưng kiểu gì toà soạn cũng phải chờ” – cả phóng viên hiện trường lẫn toà soạn thống nhất như vậy.
Truyền ảnh xong, đã rất khuya, nghe điện của tổng thư ký Lưu Đình Triều, hai anh em thở phào. Cả đêm thao thức chỉ mong trời mau sáng. Báo ra, Tuổi Trẻlà tờ báo đầu tiên có ảnh từ vùng lũ Huế. Một tấm ảnh lịch sử. Tác giả: Nhật Hải. Trời, đó là cái tên email của tiệm Internet Nhật Hải!
Đến khi gặp anh Nguyễn Công Thành, nhìn anh lôi ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số và hỏi chỗ kết nối Internet để truyền ảnh về toà soạn, tôi nói: “Anh đến sớm hơn thì đỡ khổ cho tui biết bao nhiêu”.
Những ngày sau đó, khâu ảnh cho toà soạn coi như đã được giải quyết. Trong trận lũ lịch sử 1999 ở Huế, Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên có phóng viên sử dụng máy ảnh kỹ thuật số (dù lúc đó còn dùng đĩa mềm) và truyền ảnh về toà soạn qua kết nối Internet. Kể từ đó, cách tác nghiệp, đưa tin, truyền ảnh thời sự trênTuổi Trẻ đã chuyển sang một thời kỳ rất khác. Cách làm này sau đó lan rộng ra với nhiều toà soạn báo khác, đến mức độ gần như phổ biến như ngày nay chúng ta thấy.
Tôi nghĩ một biến cố thiên tai, hay bất kỳ trường hợp biến cố nào tương tự, đôi khi cũng là “vận may” cho những toà soạn báo và phóng viên đưa tin nâng tầm kỹ năng tác nghiệp.
Điều quan trọng nằm ở thái độ tiếp cận thông tin và ý thức trách nhiệm, rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải truyền được thông tin (hay đúng hơn là sự thật) sớm, mới, trung thực và lay động đến bạn đọc, những người mua báo mỗi ngày.
Tuổi Trẻ trong những ngày lụt Huế thể hiện rất rõ tinh thần ấy. Mong Tuổi Trẻ và những người làm Tuổi Trẻ sẽ luôn như vậy.
Cũng trong trận lũ dữ này, ở Đà Nẵng có một nữ phóng viên xông pha ngày đêm để truyền tin tức và hình ảnh từ những vùng bị nạn về toà soạn Tuổi Trẻ. Cô ấy là một phóng viên của báo Đà Nẵng, nhưng đang cộng tác với báo Tuổi Trẻ. …Khi thành phố ban bố thông báo khẩn cấp vào lúc sáng sớm, nữ phóng viên này liền tức tốc rời khỏi nhà, để lại hai con nhỏ ở nhà (đứa bé còn bú mẹ). Chị lội bộ đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ, lúc đó ở số 16 Trần Quốc Toản, rồi tiếp tục lội bộ ra ga Đà Nẵng, lúc đó đang bắt đầu kẹt cứng hành khách vì đường sắt bị đứt. Từ văn phòng đến ga chỉ hơn 3km nhưng chị phải lội nước 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi vì nước lũ bắt đầu dâng cao, có đoạn dâng cao ngang bụng. Tác nghiệp xong, chị lại lội bộ tiếp đến trụ sở Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, nhảy lên xe lội nước của quân đội ra cầu Đỏ, rồi nhảy xuống canô Công an Đà Nẵng để vào được rốn lũ Hoà Vang… Rạng sáng chị mới về đến nhà sau khi làm xong phận sự. Kiệt sức, nhưng chị vẫn chuẩn bị cho chuyến đi cứu trợ vùng rốn lũ ngay sáng đó. Không thể có trang nhất ấn tượng trên Tuổi Trẻ ngày 4-11-1999 nếu không có sự nỗ lực hết mình của nữ cộng tác viên này, với những hình ảnh đầu tiên về trận lũ lịch sử được ký với bút danh: Kim Em. Nay chị Kim Em là trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng. |