“Con tự hào về nghề của mẹ…”
Những người cha, người mẹ hằng ngày vất vả với cuộc mưu sinh bằng nghề bán báo đã có được niềm vui khi những đứa con vừa ngoan, học giỏi, vừa dành niềm tin yêu cho nghề nghiệp của cha mẹ mình.
“Đồng hành cùng người bán báo”: “Con tự hào về nghề của mẹ…”
Những người cha, người mẹ hằng ngày vất vả với cuộc mưu sinh bằng nghề bán báo đã có được niềm vui khi những đứa con vừa ngoan, học giỏi, vừa dành niềm tin yêu cho nghề nghiệp của cha mẹ mình.
Em Nguyễn Văn Quân tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi phụ mẹ bấm, xếp báo – Ảnh: Phan Thành |
Như tâm sự của cô học trò Lê Thị Trang (lớp 11 Trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa):
“Chưa bao giờ tôi thấy hổ thẹn vì bố mẹ mình làm công việc bán báo. Hằng ngày bố mẹ tôi phải đi bộ nhiều cây số chỉ mong bán được báo để lo cho con.
Bố mẹ tôi phải thắt lưng buộc bụng, chịu đói chịu khổ vì con. Tuy không được như bạn bè nhưng chị em tôi luôn cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ”.
Ước mơ những bữa cơm đoàn tụ
Trong lá thư gửi về báo Tuổi Trẻ của cô học trò Lê Thị Trang có đoạn viết:
“Do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ tôi đi làm ăn xa, khoảng 4-5 tháng mới về quê một lần. Vì vậy, hạnh phúc đối với tôi đơn giản chỉ là bữa cơm sum vầy có đầy đủ bốn thành viên, gồm bố mẹ và hai chị em tôi”.
Niềm ước mơ, hạnh phúc rất đỗi bình dị ấy của Trang chỉ trở thành hiện thực vài lần trong một năm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở quê thiếu việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định nên anh Lê Đình Hải và chị Khương Thị Hoè – bố mẹ của Trang – phải rời quê hương ra Hà Nội đi bán báo dạo 13 năm nay.
Những đồng tiền tích góp được suốt bao năm qua, cộng với vay mượn của anh em, họ hàng đủ cho gia đình anh Hải làm được ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà khi ngôi nhà cũ của bố mẹ cho lúc ở riêng gần sập. Ngôi nhà nhỏ ấy thường tràn ngập tiếng cười mỗi khi vợ chồng anh Hải về quê thăm bố mẹ già và hai con nhỏ.
Ông Lê Đình Bình, bố anh Hải, cho biết sống xa bố mẹ từ nhỏ nên hai con của anh Hải đều có tính tự lập cao. Buổi sáng chị cho em (đang học lớp 2) ăn sáng, đưa em tới trường, rồi đạp xe lên thị trấn huyện học cho kịp giờ.
Buổi tối, Trang tắm rửa cho em rồi nấu ăn tối cho cả gia đình. Đúng 7g30 tối, hai chị em ngồi vào bàn học bài, không bao giờ để ông bà phải nhắc nhở. Năm học vừa qua, hai chị em Trang đều đạt học sinh giỏi.
Học giỏi để ba yên lòng
Đó là quyết tâm của cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Quân, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng), khi nhớ về ba mình là anh Nguyễn Văn Luyện đã qua đời cách đây 3 năm trong một lần đi bán báo dạo.
Trong căn nhà trọ tạm bợ làm nơi trú ngụ qua ngày của ba mẹ con Quân nằm trong một kiệt nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (TP Đà Nẵng) không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi trắng đen và vài chồng báo cũ.
Không được may mắn như nhiều bạn cùng trang lứa, cuộc sống khó khăn đã buộc Quân trưởng thành và có suy nghĩ chín chắn hơn tuổi.
Hằng ngày, mẹ phải dậy từ sáng sớm để đi lấy báo bán cũng là lúc Quân thức giấc lo cho em gái 4 tuổi đến trường.
Mọi công việc như thay áo quần, cho em ăn, chở em đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch… đều được Quân làm nhanh gọn, như một người cha lo cho con.
Quân kể rằng có những chiều trời mưa lớn ngồi ở phòng trọ chờ mẹ về, cả hai anh em rất lo lỡ có chuyện gì xảy ra với mẹ… “Con nhớ ba, thương mẹ nhưng không còn cách nào khác con phải học thật giỏi và phụ mẹ chăm em, làm việc nhà để dưới suối vàng ba có thể yên lòng”, Quân tâm sự.
Chị Trần Thị Thảo, mẹ Quân, vừa bước qua tuổi 33 nhưng héo hon gầy rộc vì lo làm không có thời gian nghỉ ngơi. 4g sáng chị phải dậy đi lấy báo, bán tới trưa về lo cơm nước cho hai con rồi lại quần quật đẩy hàng đồ chơi đi bán dạo đến khuya mới về tới nhà.
Chị kể gia đình nghèo khó nên hai vợ chồng đưa con cái khắp nơi kiếm sống. Và, không may tai nạn ập đến khiến chồng chị qua đời trong lúc đi bán báo dạo. Từ đó, gánh nặng đặt trên đôi vai người vợ trẻ, vừa mưu sinh vừa lo cho hai đứa con nhỏ.
Ngoài việc học, lo cho em, đêm về Quân còn phụ mẹ bấm, xếp báo ngăn nắp.
“Con tự hào về nghề bán báo dạo của mẹ. Dù mệt nhọc, vất vả nhưng đó là công việc chân chính. Cảm ơn mẹ đã lo cho hai anh em con. Con sẽ cố gắng học giỏi để đạt được ước mơ trở thành chú bộ đội hải quân mà trước kia con từng kể với ba”, Quân quyết tâm.
Không muốn con vất vả sớm Suốt 12 năm qua, bất kể trời nắng hay mưa, bà Lê Thị Thanh Tâm (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đều rời nhà từ sáng sớm tinh mơ, len lỏi khắp nẻo đường bán báo và vé số, chắt chiu lo cho con. Em Nguyễn Thị Thanh Thiên (lớp 5, lớp học tình thương Vinh Sơn, TP Buôn Ma Thuột) là niềm tự hào duy nhất cho cả gia đình khi năm nào cũng là học sinh giỏi. Cô học trò lớp 5 gầy nhom, nhỏ xíu đi học về, dắt xe đạp vào nhà thở hổn hển. Con đường đến trường cách nhà hơn 2km nhiều dốc cao khiến cô bé mồ hôi nhễ nhại. Bố mẹ lo buôn bán quanh năm, không có thời gian chăm sóc, điều đó khiến Thiên càng tự lập nhiều hơn. “Em biết đi xe đạp từ hồi còn bé xíu. Bố mẹ chỉ phải đưa đón khi em còn học mẫu giáo với lớp 1 thôi” – Thiên hồn nhiên khoe. Học bán trú ở lớp học tình thương, Thiên không thể giúp được mẹ nhiều, cô bé chỉ biết những lúc đi học về tranh thủ phụ giúp ông nội nhặt rau, nấu cơm thay mẹ. “Nghề bán báo dạo gắn bó với tôi cả chục năm nay, vất vả nhưng con học giỏi là tôi mừng. Chỉ có mỗi Thiên nên tôi muốn con toàn tâm toàn ý cho việc học, không muốn con phải vất vả sớm theo mình” – bà Tâm chia sẻ. LĨNH HỒNG – NGỌC TRINH |