28/11/2024

Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ?

Sống chung trước khi kết hôn ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Tranh cãi xoay quanh vấn đề này luôn nóng bởi quan điểm nên hay không nên.

 

Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ?

 

Sống chung trước khi kết hôn ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Tranh cãi xoay quanh vấn đề này luôn nóng bởi quan điểm nên hay không nên.

 

 

Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ? - ảnh 1
Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ? - ảnh 2
Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ? - ảnh 3
Sống chung trước khi kết hôn: Nên hay không ? - ảnh 4Ảnh chụp từ đoạn phim Sống thử được 3 mất 6 do tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thực hiện
Quyền cá nhân
Học tập và làm việc xa nhà chính là điều kiện để nhiều bạn trẻ “góp gạo thổi cơm chung”. Ở Huế, phần lớn người sống chung trước hôn nhân là sinh viên, người lao động ở các tỉnh. Ng.T.T, quê ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Ban đầu mình cũng không đồng ý sống chung. Nhưng hai đứa ở cùng dãy trọ, thuê hai phòng, nấu ăn chung. Thời gian bạn trai ở phòng mình nhiều hơn nên chúng mình quyết định dọn qua sống chung một phòng để tiết kiệm vì cả hai đều là sinh viên. Chúng mình cũng muốn gắn bó lâu dài với nhau. Tuy không khuyến khích điều này nhưng đó là quyền cá nhân của mỗi người, ai cũng đã ở tuổi trưởng thành nên cũng có quyền làm những gì mình thấy không sai. Xã hội cần tôn trọng điều đó. Nếu sống thử mà không làm phiền ai, lại trang bị đủ kiến thức để không mang thai ngoài ý muốn, tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình thì chẳng có gì là xấu cả”.
Tốt nghiệp ĐH, rồi ra trường cùng lúc nên T.N và T.P cùng ở lại TP.Đà Nẵng để làm việc. Họ thuê lại một căn chung cư và cùng ở với nhau 3 năm nay. Gia đình hai bên đều biết và đều cho rằng, cả hai đã lớn và tự trách nhiệm với lựa chọn của mình. “Nói là nói vậy nhưng lo lắm nên cũng thường xuyên giám sát chúng nó, nếu “cơm không lành, canh không ngọt” là phải xử lý ngay”, bố của T.N tâm sự.
Được và mất
Nếu may mắn, nhiều cặp đôi sẽ vượt qua những khó khăn, giải quyết những va chạm lớn nhỏ để tiến đến hôn nhân bền vững. Với nhiều cặp đôi, cái được là: Được ở bên nhau, được làm mọi thứ cùng nhau và được trải nghiệm những bài học của một cuộc hôn nhân. Họ biết cách quan tâm, chăm sóc người mình yêu thương. Họ học cách hy sinh và sống có trách nhiệm hơn. Họ biết cách trân quý, vun vén tình cảm…
“Chúng tôi sống cùng nhau từ năm thứ 3 học ĐH. Đói no, sướng khổ gì cũng có nhau. Chính cái “nghĩa” của một thời gian khó ấy là động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn hiện tại, từ áp lực công việc, con cái đến việc cân bằng các mối quan hệ xã hội”, anh N.T (Đà Nẵng) cho biết.
Tuy nhiên, “gãy gánh giữa đường” cũng không phải là ít. Nguyên nhân chung vẫn là do chưa trải nghiệm các mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn thế giới học đường, họ bị áp lực kinh tế, nhận thức về các giá trị của bản thân và xã hội vẫn còn hạn chế. Và cái “mất” đáng nói trước tiên có lẽ thuộc về bạn nữ, đó là sức khoẻ sinh sản, là những tổn thương về tinh thần, là áp lực đối diện với một mối quan hệ mới.
Sau nhiều năm chia tay với bạn trai, H.T (Đà Nẵng) vẫn chưa thể tự tin quen thêm một ai. Thương tổn mà người bạn trai mang lại quá lớn khiến T. cảm thấy: “Tốt nhất là không nên cho ai có thêm cơ hội làm tổn thương đến mình”. Cứ như vậy, cô cắm đầu làm việc, tiền nong dư dả, T. lại đi du lịch khắp nơi. Đến khi nhìn lại, bạn bè cùng trang lứa đều đề huề con cái, cô lại thấy “chán tự do, thèm được ràng buộc”, nhưng cảm giác sợ dở dang khiến T. lại lờ đi tất cả.
Nói về chuyện sống chung, tiến sĩ Lê Thị Kim Lan, Trưởng bộ môn giới – gia đình – dân số, Khoa Xã hội học (Trường ĐH Khoa học Huế), tỏ ra khá nghiêm khắc: “Sống chung với nhau, đa số các bạn trẻ đưa ra lý do đó là quyền cá nhân, nhưng vấn đề là các bạn có thực sự giải quyết được cái gọi là tự chịu trách nhiệm đó hay không, hay lại bỏ học giữa chừng, rồi nạo phá thai… Mặc dù được nhà trường trang bị những kiến thức về giới tính, sức khoẻ sinh sản, nhưng cái “biết” của các bạn chưa đủ. Tôi thấy, các bạn trẻ lao vào sống chung mà không trang bị đủ hành trang, không chuẩn bị đủ kiến thức để bảo vệ mình, tránh cho mình khỏi những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Hải (Đà Nẵng) thì có phần thực tế hơn: “Nếu việc chẳng đặng đừng mà phải sống với nhau trước khi kết hôn, các bạn nên cùng nhau tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về tâm sinh lý, sức khoẻ sinh sản, từ những kinh nghiệm ứng xử của người lớn, hay cùng tham gia các buổi tư vấn về hôn nhân và gia đình để giúp mình chịu trách nhiệm với quyết định của mình và cũng là minh chứng cho tình yêu tuy nóng vội nhưng có bản lĩnh tự làm, tự chịu chứ không đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm khi “gạo đã thành cơm”.
Ý kiến:
Sống thử nhưng trách nhiệm thật
Thật đáng báo động là ngày càng nhiều bạn trẻ sống thử, xem đó như trào lưu. Nên hiểu rằng sống thử là chấp nhận sống chung với nhau như vợ chồng nhưng chưa được pháp luật công nhận. Sống thử nhưng phải có trách nhiệm thật. Trước khi quyết định có nên sống thử với nhau hay không, hãy nên lưu ý nhiều điều, vì sống thử có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ, tổn hại sức khoẻ, tinh thần, đồng thời tạo nên những vết xước trong cuộc đời. Mà cả nam lẫn nữ đều có thể bị những vết xước ấy…
Chuyên gia tâm lý HUỲNH ANH BÌNH 
(Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp đào tạo Kỹ năng sống TP.HCM)
Tại sao không ?
Nếu yêu nhau thật lòng, có chung ước muốn song hành cùng nhau trong cả cuộc đời thì tại sao không thể sống chung một nhà, ngủ cùng lúc, thức giấc chung một giờ, cùng buồn cùng vui?
Nguyễn Thùy Liên 
(Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Không nên
Có vô số nguy hiểm khi sống thử mà có thể trong lúc gật đầu đồng ý (lúc đang hạnh phúc với tình yêu) sẽ không thể nào ngờ được. Sống thử nhưng hậu quả sẽ thật, có thể là: những tổn thương nếu xích mích trong cuộc sống hai người; bị dằn vặt nếu người sống chung chia tay; người yêu mới sẽ khó có thể chấp nhận yêu thương một người đã từng sống thử. Theo tôi là không nên.
HOÀNG VŨ YẾN 
(Sinh viên Trường CĐ Tài chính – Hải quan TP.HCM)
Sai lầm
Nhiều bạn trẻ cho rằng việc sống thử sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, tìm hiểu nhau kỹ hơn về tính cách, con người đến sinh lý xem thử có phù hợp với đời sống hôn nhân không để khỏi chọn nhầm người…
Tuy nhiên, phép thử này không chính xác vì việc hai người sống thử hoàn toàn khác với đời sống hôn nhân thật từ vị thế, vai trò với nhau và với xã hội. Vậy nên, lý do để tìm hiểu, kiểm định trước trong trường hợp sống thử là không ổn. Còn để hiểu rõ về tính cách của nhau thì tôi thiết nghĩ hai người cần cởi mở và dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhau thì sẽ hiệu quả hơn. Riêng việc tìm hiểu về sinh lý, cơ thể thì việc đôi bạn đến bệnh viện với y học và chuyên môn thì có lẽ sẽ hữu hiệu hơn.
Tóm lại, tôi không tán thành với ý kiến dùng cách sống thử để thử đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng nếu đây là sự kết hợp đầy trách nhiệm, trưởng thành hay nói khác đi là sống thật thì lại hoàn toàn khác.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN NGỌC DUY 
(Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt)
Thanh Nam (ghi)

An Dy – Tuyết Khoa