28/11/2024

Định kiến gia đình phi truyền thống

Nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE) cho thấy những định kiến với các kiểu gia đình phi truyền thống ở VN đang tạo ra những “gia đình vỏ bọc” với ruột mục ruỗng.

 

Định kiến gia đình phi truyền thống

 

 

Nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE) cho thấy những định kiến với các kiểu gia đình phi truyền thống ở VN đang tạo ra những “gia đình vỏ bọc” với ruột mục ruỗng.

 

 

Định kiến gia đình phi truyền thống - ảnh 1Yêu thương mới tạo nên hạnh phúc gia đình – Ảnh: Ngọc Thắng
Nghiên cứu này nói về các diễn ngôn (lời nói, ngôn từ, kiến thức, tư duy được thể chế hoá) về gia đình từ góc nhìn chính sách, nghiên cứu và truyền thông. “Tôi chỉ mong hôn nhân đồng giới sớm được công nhận. Bởi vì con trai tôi là một người như thế. Cháu đang làm việc ở TP.HCM, xa nhà. Và việc không có gia đình khiến cháu tự phải lo ăn uống, đắt đỏ mà vẫn không đủ chất”, người phụ nữ vốn là một giảng viên ngoại ngữ không nêu tên cho biết. Một gia đình đồng tính như bà mong muốn chính là loại gia đình phi truyền thống. Chúng đang bị định kiến.
Xem lại khẩu hiệu “giỏi việc nước đảm việc nhà”
 
 
Mức độ thoả mãn với sự chung thuỷ
Nghiên cứu của iSEE cũng cho thấy nữ giới và giới tính khác có tỷ lệ không thoả mãn với sự chung thuỷ của bạn đời cao hơn hẳn so với nam. Có 17% nữ giới không thoả mãn với sự chung thuỷ của bạn đời. Tỷ lệ này ở nam là 6% và giới tính khác là 15%. Nữ (36%) đề cao tiêu chí vợ và chồng không ngoại tình hơn hẳn nhóm nam (17%) và khác (16,3%).
 

“Định kiến với các kiểu loại gia đình phi truyền thống dẫn đến nhiều gia đình chỉ tồn tại với cái vỏ”, TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu văn hóa nói. Nghiên cứu của bà Phương đã khảo sát cả pháp luật lẫn các bài báo, các thông điệp tuyên truyền của nhiều cơ quan, đoàn thể. “Vai trò của phụ nữ trong gia đình tạo nhiều mâu thuẫn và gánh nặng cho phụ nữ, trói buộc, đòi hỏi trách nhiệm và hy sinh quá nhiều ở phụ nữ. Đã hình thành luồng diễn ngôn mới đòi xem lại khẩu hiệu giỏi việc nước đảm việc nhà”, bà Phương cho biết.

Toàn vẹn gia đình cũng là chuẩn được nhiều diễn ngôn nhắc tới. Theo đó, các gia đình chuẩn mực phải có kết hôn, đầy đủ cha mẹ (khác giới tính), có con cái. Điều này được thể hiện trong định nghĩa gia đình trong Từ điển tiếng Việt lẫn các nghiên cứu liên quan. Đồng thời, theo bà Phương, các gia đình “phi truyền thống” được coi như lựa chọn bất hạnh hoặc lệch lạc.
Nghiên cứu được bà Phương dẫn chứng, mẹ đơn thân cũng chịu định kiến. Một khảo sát 300 bài báo từ 1998 – 2007 về cô dâu lấy chồng nước ngoài còn cho thấy họ thường được mô tả như là phụ nữ nghèo, ít học, ngu dốt, cơ hội, thực dụng thậm chí như một nỗi hổ thẹn dân tộc…
“Những diễn ngôn như thế tạo thành định kiến gắn với mô hình gia đình phi truyền thống: kỳ thị người đồng tính, người vô sinh, mẹ đơn thân, di cư kết hôn; dường như chỉ quan tâm đến hình thức theo khuôn mẫu của gia đình hơn là cốt lõi hạnh phúc”, bà Phương nói.
“Hơn nữa, khi gia đình truyền thống trở thành cái vỏ an toàn, dù cho cốt lõi gia đình là tình yêu, tôn trọng không còn thì người ta vẫn cố duy trì hình thức của gia đình. Hậu quả của nó chính là bạo lực gia đình và ngoại tình. Đến khi đó, liệu gia đình có còn thực sự là tổ ấm?”, bà Phương tiếp lời.
“Đừng để loại hình gia đình nào ngoài vòng pháp luật”
   

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai – chuyên gia về gia đình, ĐH Văn hoá, cho rằng: “Mỗi kiểu, loại gia đình là một lối đi để kiếm tìm hạnh phúc. Tôi hy vọng chính sách của nhà nước đừng để bất cứ loại hình gia đình nào ngoài vòng pháp luật nữa. Chúng ta không phản đối hôn nhân đồng giới nữa cũng là một bước tiến nhỏ trên chặng đường dài”, bà nói.

Bà Mai cũng nhắc đến việc kỳ thị phụ nữ ly hôn, nguy cơ mất khả năng thăng tiến, vị thế lãnh đạo của người đàn ông sau ly hôn đã khiến nhiều thành viên gia đình phải cố chịu đựng nhau. “Có nhiều cặp vợ chồng ngoài 50 mới ly hôn, sau khi dựng vợ gả chồng cho con cái. Họ đã mất hàng chục năm cho cuộc sống gia đình vỏ bọc không hạnh phúc”, bà Mai nói. Chính vì thế, theo bà Mai, nếu thành kiến đó không còn, có thể sự giải phóng khỏi hôn nhân không tình yêu đến nhiều hơn.
Cũng theo chuyên gia này, không nên chỉ vịn vào giá trị đạo đức, mà phải giữ lấy gia đình bằng chính yêu thương, bằng thời gian dành cho nhau. “Chúng tôi khảo sát thấy thời gian mỗi người dành cho gia đình quá ít. Nên nhiều khi anh hiểu đồng nghiệp hơn hiểu vợ”, bà Mai nói.

Ý kiến
“Bấy lâu nay việc giáo dục đạo đức trong gia đình bị xem nhẹ. Chính vì thế, trong quý 4 năm nay, Bộ VH-TT-DL sẽ trình Thủ tướng đề án quốc gia về giáo dục đời sống gia đình, trong đó giáo dục con trẻ trong gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm. Làm sao để đẩy được những giá trị cốt lõi là yêu thương, chia sẻ và khoan dung lên nhiều hơn nữa”.
Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL
“Trong xã hội đương đại, gia đình đã mong manh lại còn bị chất lên quá nhiều gánh nặng. Chúng ta quá tập trung vào giáo dục phụ nữ mà coi nhẹ việc giáo dục đàn ông. Kết quả là càng quan tâm thì lại càng thêm áp lực cho họ. Và trong khi tập trung giáo dục phụ nữ thì chúng ta quên giáo dục nam giới rồi”.
TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu văn hoá

Trinh Nguyễn