Nguy hiểm đáng sợ từ “bắt nạt trên mạng”
Vụ một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự sát do bị tung clip “nóng” lên mạng Internet là một trường hợp điển hình của nạn “bắt nạt trên mạng” (cyber bullying) đang trở thành nỗi ám ảnh đối với thanh thiếu niên nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguy hiểm đáng sợ từ “bắt nạt trên mạng”
Vụ một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự sát do bị tung clip “nóng” lên mạng Internet là một trường hợp điển hình của nạn “bắt nạt trên mạng” (cyber bullying) đang trở thành nỗi ám ảnh đối với thanh thiếu niên nhiều quốc gia trên thế giới.
Nạn nhân Amanda Todd xuất hiện trong đoạn video trên YouTube với một tin nhắn đầy ác ý của bạn cùng lớp: “Tao hi vọng ả ta thấy dòng chữ này và tự sát” – Ảnh: Nobullying |
Theo luật pháp Mỹ, “bắt nạt trên mạng” là hành động sử dụng công nghệ thông tin để làm tổn hại hay quấy rối người khác một cách chủ ý.
Đó có thể là hành vi tung tin đồn về một cá nhân khiến người khác căm ghét nạn nhân, hoặc là việc đưa lên mạng những nội dung như hình ảnh hay video khiến uy tín, danh dự của nạn nhân bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Theo khảo sát của Trung tâm Phòng chống bạo lực thanh niên Mỹ, có tới gần 30% thanh thiếu niên Mỹ đi bắt nạt trên mạng hoặc là nạn nhân của hành vi này.
Trước đây, trò bắt nạt chỉ chủ yếu xảy ra trong khuôn viên nhà trường. Nhưng sự phát triển của công nghệ đã đưa hành vi bắt nạt tới không gian mạng, qua các thiết bị như điện thoại di động và máy tính bảng, trên những trang mạng xã hội…
Nguyên nhân gây trầm cảm và tự sát
Theo trang Reuters Health, mới đây nhóm chuyên gia Trường ĐH Alberta (Canada) đã phân tích chi tiết 36 nghiên cứu ở Mỹ về nạn bắt nạt trên mạng xã hội. Kết luận đưa ra là trong những năm qua, nạn bắt nạt trên mạng lan truyền cùng sự bùng nổ của các trang mạng xã hội.
Riêng tại Mỹ, ước tính 95% thiếu niên truy cập Internet và 81% sử dụng mạng xã hội. Và các trang như Facebook hay Twitter trở thành môi trường của những hành vi bắt nạt đáng sợ.
Chuyên gia Michele Hamm của ĐH Alberta cho biết theo phân tích trên, khoảng 25% thiếu niên tại Mỹ cho biết bị bắt nạt và đe dọa trên mạng. Khoảng 15% thừa nhận từng bắt nạt bạn bè qua mạng. Người liên quan đến các vụ bắt nạt chủ yếu là học sinh cấp II và cấp III, từ 12 – 18 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy những kẻ bắt nạt trên mạng thường nhắm vào các mối quan hệ cá nhân. Và các cô gái trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt.
Rất ít khi các nạn nhân tố cáo vụ việc. “Những đứa trẻ này lo sợ nếu nói với cha mẹ thì sẽ bị họ cấm truy cập Internet. Vì vậy chúng thường im lặng như thể không có gì xảy ra và tình trạng bị bắt nạt càng trở nên tồi tệ hơn” – chuyên gia Hamm cho biết.
Nghiên cứu của ĐH Alberta và các tổ chức khác cho thấy trong nhiều trường hợp, cả các thủ phạm và nạn nhân của hành vi bắt nạt trên mạng đều đối mặt với bệnh trầm cảm, tự coi thường bản thân, sử dụng ma túy, tự làm tổn thương bản thân…
Càng bị bắt nạt trên mạng nhiều thì triệu chứng trầm cảm ở các nạn nhân càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ba nghiên cứu lớn khác cho thấy mối liên quan đáng kể giữa nạn bắt nạt trên mạng và nguy cơ tự sát.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, tự sát là nguyên nhân gây thiệt mạng lớn thứ ba ở giới trẻ Mỹ, với trung bình 4.000 ca tử vong mỗi năm. Ước tính có hơn 14% học sinh trung học Mỹ từng nghĩ đến việc tự sát và gần 7% trong số đó đã từng thử thực hiện.
Những cái chết đau lòng
Trong những năm qua, đã có không ít vụ trẻ em tự sát gây chấn động vì bị bắt nạt trên mạng. Theo trang Nobullying.com, tháng 10-2006, cô bé 13 tuổi Megan Meier treo cổ tự sát trong phòng ngủ ở thành phố Dardenne Prairie, bang Missouri (Mỹ).
Trước đó, Megan luôn mặc cảm vì bị quá cân. Vài tuần trước khi Megan tự sát, một cậu bé 16 tuổi tên Josh Evans đã kết bạn với cô qua trang mạng xã hội Myspace.
Cả hai thường xuyên liên lạc. Josh bắt đầu chê bai Megan, thậm chí còn nói với cô rằng: “Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu không có mày”. Sau đó, một số bạn cùng lớp của Megan trên Myspace cũng viết các tin nhắn độc địa phỉ báng cô bé. Quá đau đớn, Megan đã treo cổ tự sát. Năm 2008, nữ sinh 18 tuổi Jessica Logan ở Cincinnati, bang Ohio, gửi một bức ảnh khỏa thân của cô cho bạn trai. Sau khi hai người chia tay, cậu bạn trai tung lên mạng bức ảnh này. Và các cô nữ sinh trong Trường trung học Cincinnati nơi Jessica theo học đã phỉ báng cô dữ dội qua trang Facebook, Myspace và cả tin nhắn điện thoại. Jessica treo cổ tự sát.
Tương tự, năm 2009 cô bé 13 tuổi Hope Sitwell ở Ruskin, Florida đã treo cổ tự sát sau khi bức ảnh hở ngực cô gửi cho bạn trai bị tung lên mạng. Học sinh sáu trường tại Ruskin đã chia sẻ bức ảnh này. Trên trang Myspace, những kẻ bắt nạt Hope lập hẳn một trang có tên Những người ghét Hope.
Một vụ tự sát gây chấn động khác là trường hợp của Amanda Todd, nữ sinh 15 tuổi sống ở Port Coquitlam, British Columbia (Canada). Từ năm 2009 Amanda bắt đầu kết bạn với người lạ trên mạng qua video chat. Một kẻ thuyết phục cô bé khoe ngực rồi dùng hình ảnh này đe dọa cô.
Sau đó bức hình bị phát tán trên mạng. Amanda phải chuyển trường vài lần nhưng vẫn bị bạn bè phỉ báng. Tháng 9-2012, cô tung lên YouTube đoạn video dài 9 phút kể về những tủi nhục do bị bắt nạt trên mạng.
Ngày 10-10-2012, cô treo cổ tự sát trong phòng ngủ. Sau đó đoạn video của Amanda trở thành một hiện tượng trên trang YouTube, thu hút hơn 17 triệu lượt truy cập. Các nghị sĩ Canada bắt đầu xem xét thành lập một chiến dịch phòng chống bắt nạt quốc gia để hỗ trợ thanh thiếu niên.
Cha mẹ phải bảo vệ con cái Theo chuyên gia Michele Hamm của ĐH Alberta, các bậc cha mẹ cần chủ động bảo vệ con cái trước nguy cơ bị bắt nạt trên mạng. Khi biết con mình bị bắt nạt trên mạng, cha mẹ cần ứng xử một cách thận trọng. Họ cần cởi mở giao tiếp với con cái, dạy chúng sử dụng Internet một cách an toàn chứ không nên cấm cản con truy cập Internet bởi điều đó chỉ dẫn đến tác dụng ngược. |