Nguy cơ loạn luân vì tinh trùng – trứng hiến
Ngày càng có nhiều trẻ ra đời từ các nguồn hiến tinh trùng và trứng, đẩy các thế hệ tương lai đến bờ vực loạn luân không chủ đích, theo cảnh báo của giáo sư Đại học Cambridge.
Nguy cơ loạn luân vì tinh trùng – trứng hiến
Ngày càng có nhiều trẻ ra đời từ các nguồn hiến tinh trùng và trứng, đẩy các thế hệ tương lai đến bờ vực loạn luân không chủ đích, theo cảnh báo của giáo sư Đại học Cambridge.
Các ngân hàng trứng và tinh trùng hiện là niềm hy vọng cho nhiều đôi vợ chồng vô sinh. Cùng với đà phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản, số trẻ ra đời từ các bậc cha mẹ vô danh đang tăng dần theo thời gian. Đây có vẻ như là một tin tức tốt lành, nhưng Giáo sư Susan Golombok, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia đình thuộc Đại học Cambridge (Anh), lại nhìn nhận một khía cạnh đáng lo ngại khác: nguy cơ loạn luân giữa những đứa con không hề biết về nguồn gốc của mình. Vào tháng 3, Giáo sư Golombok đã công bố cuộc nghiên cứu kéo dài 40 năm về cha mẹ và con cái ở những hình thái gia đình mới, trong cuốn sách có tựa đề Các gia đình hiện đại. Bà cảnh báo rằng nhiều trường hợp thụ thai nhờ trứng hoặc tinh trùng từ người hiến diễn ra trên cùng một khu vực, tạo cơ hội dễ dàng hơn cho những đứa trẻ này gặp nhau ở trường học hoặc trong cùng một thị trấn. Viễn cảnh đáng sợ là khi đến tuổi thành niên chúng có thể quan hệ tình dục với nhau mà không hay biết về sự tồn tại của anh/chị/em có chung nửa dòng máu.
Luật Anh hiện giới hạn số lượng trẻ được sinh ra từ một nguồn hiến là tối đa 10 ca sinh nở thành công, nên Giáo sư Golombok cho rằng vấn đề này ít lo ngại ở xứ sương mù. “Tôi không rõ lắm về nguy cơ trên thực tế, nhưng nó ắt hẳn phải cao hơn so với tưởng tượng của con người”, nữ giáo sư Anh nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào quy tắc 1:10 cũng được áp dụng triệt để. Đơn cử trường hợp một người hiến ở Anh vào năm 2011 đã “lên chức” cha 17 lần, theo tờ Sunday Times. Đến năm 2014, tờ Guardian đăng bài báo gây chấn động: một người buộc phải bán tinh trùng khi còn trẻ đã sững sờ phát hiện trong vòng 11 năm, từ 1992 – 2003, 34 đứa trẻ đã chào đời có thể nhận mình là cha sinh học.
Do vậy, Giáo sư Golombok thúc giục các bậc cha mẹ nên tiết lộ về thân thế của con trẻ vào thời điểm thích hợp, nhằm giảm bớt nguy cơ xảy ra các trường hợp loạn luân một cách vô ý thức. Thông thường, nếu biết được mình không phải là con ruột, những đứa con dạng này sẽ nghĩ đến khả năng có thể “yêu nhầm” người có quan hệ ruột thịt, từ đó sẽ trở nên cảnh giác hơn. Tại Anh, những người từ 16 tuổi trở lên có thể kiểm tra liệu đối tượng muốn tiến tới quan hệ yêu đương có phải là anh/chị/em cùng cha khác mẹ hoặc ngược lại, bằng cách liên lạc với Tổ chức Human Fertilisation Embryology Authority.
Hồi đầu năm nay, lo ngại về nguy cơ loạn luân do hoạt động hiến vật liệu sinh sản đã trở thành đề tài nóng hổi ở Singapore. TờThe Strait Times dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo một sự thật đáng quan ngại gọi là hiện tượng hấp dẫn tình dục gien di truyền. Có nghĩa là sự hấp dẫn tình dục giữa những họ hàng gần gũi, chẳng hạn như anh chị em ruột hoặc chung nửa dòng máu khi chúng lần đầu tiên gặp nhau lúc trưởng thành. Nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn đối với trường hợp của Singapore với mật độ dân số quá cao. Giới chuyên gia cảnh báo chính phủ nên siết chặt luật lệ liên quan đến hoạt động hiến trứng/tinh trùng, như người hiến phải đăng ký tên tuổi, cha mẹ hợp pháp và con cái được sinh ra từ nguồn hiến nên được biết thông tin về anh/chị/em sinh ra từ cha/mẹ ruột.
Hạo Nhiên