27/11/2024

Bệnh nhân tử vong vì thiếu huyết thanh, bệnh viện bị kiện

Hơn nửa năm sau ngày mất con, ông Trần Thanh Long (55 tuổi, xã An Bình, Cao Lãnh, Đồng Tháp) và vợ vẫn kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

 

Bệnh nhân tử vong vì thiếu huyết thanh, bệnh viện bị kiện

 

Hơn nửa năm sau ngày mất con, ông Trần Thanh Long (55 tuổi, xã An Bình, Cao Lãnh, Đồng Tháp) và vợ vẫn kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.



 

 

Ông Long và vợ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của con - Ảnh: N.Tài
Ông Long và vợ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của con – Ảnh: N.Tài

Và một câu hỏi luôn làm ông day dứt là tại sao bệnh viện tuyến tỉnh lại thiếu huyết thanh chữa rắn độc cắn để con ông phải chết trên đường chuyển viện.

Bệnh viện tỉnh không có huyết thanh?

Trong căn nhà chật hẹp, ông Long và vợ (bà Đặng Thị Nở) vẫn chưa thể nguôi ngoai sau cái chết của con.

Giữa nhà trên chiếc bàn sạch sẽ là di ảnh của em Trần Hưng Đạo với nụ cười của tuổi 18. Đạo ra đi bỏ dở việc học, bao mơ ước giúp cha mẹ thoát khỏi cái nghèo đã vụt tan.

“Thật sự bản thân tôi không muốn làm lớn chuyện này để làm gì. Tôi nuôi con trong hoàn cảnh nghèo nàn, dốt nát, tôi biết nỗi khổ của các bậc cha mẹ.

Nếu lỡ các bác sĩ của bệnh viện vì thiếu kinh nghiệm, vì vô tình không kịp thời cứu con tôi mà tôi làm lớn chuyện để các bác sĩ bị kỷ luật, bị rút bằng tôi cũng không nỡ.

Lúc con tôi chết tôi chỉ cần bệnh viện nhận trách nhiệm và nói một tiếng xin lỗi, nhưng đằng này tôi chờ đến thất thứ bảy (49 ngày – PV) của con tôi mà không thấy bệnh viện đả động gì hết”.

Ông TRẦN THANH LONG 
(xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Ngồi bó gối trong góc nhà, bà Nở thổn thức: “Trong các cuộc họp chính thức hoặc nói riêng, các cơ quan chức năng nài nỉ tui đừng làm lớn chuyện, hãy đưa ra một “con số” để phía bệnh viện bồi thường. Con tôi là vô giá. Đừng có nhắc đi nhắc lại cái con số quỷ quái đó”.

Theo lời kể của gia đình ông Long, tối 25-9-2014 trong lúc bắt rắn, Đạo bị rắn cắn vào cổ tay. Đạo cùng nhóm bạn đến Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp để cấp cứu.

Do không có huyết thanh đặc trị nên các bác sĩ của bệnh viện hướng dẫn qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Sau khi nhập viện Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp lại không có huyết thanh nên Đạo chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng chưa đến kịp thì Đạo mất tại Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy.

“Cái chết của con tôi mặc dù là do rắn cắn thật nhưng tôi thấy một phần cũng do sự tắc trách của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Tại sao bệnh viện tuyến tỉnh lại không có huyết thanh? Rắn độc cắn thì phải có huyết thanh để điều trị, nếu không có huyết thanh thì các bác sĩ ở đây có tài giỏi cỡ nào cũng là người bình thường” – ông Long bức xúc.

Khẽ lau nước mắt, bà Nở kể tiếp câu chuyện của đứa con xấu số. Lúc bà có mặt tại bệnh viện thấy thủ tục chuyển viện theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) rườm rà trong khi sinh mạng của con bà như ngàn cân treo sợi tóc, bà nhiều lần yêu cầu bệnh viện chuyển viện theo yêu cầu nhưng nhân viên của bệnh viện cứ khăng khăng phải chuyển theo diện BHYT.

“Gia đình tui phải lục tung căn nhà mới tìm được thẻ BHYT của con tui để hoàn thành thủ tục. Trong lúc bệnh nhân hấp hối như vậy tại sao bệnh viện vẫn quan tâm đến những thủ tục cứng nhắc? Bệnh viện cứu người hay làm cho đủ thủ tục?

Hơn nữa để làm đúng quy định, bệnh viện quyết định chuyển đúng tuyến là Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM mà không chấp nhận yêu cầu của người nhà là chuyển đến khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn của trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang). Sự thật là con tôi chết trên đường đi cấp cứu. Phải chi…” – bà Nở lại tức tưởi.

Kết luận bệnh viện đúng

Bà Nguyễn Ngọc Năm, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết sau khi tiếp nhận khiếu nại của ông Long, sở đã thành lập hội đồng chuyên môn thẩm định theo đúng quy định pháp luật.

“Sau khi nghe ca trực trình bày bệnh án, thảo luận làm rõ nhiều vấn đề, hội đồng chuyên môn kết luận trong quá trình tiếp nhận và điều trị ca trực không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, không vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh, không vi phạm các quy định chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, không xâm phạm đến quyền lợi người bệnh. Tuy nhiên cái sơ sót của bệnh viện là thiếu phương tiện điều trị, cụ thể là huyết thanh kháng nọc rắn” – bà Năm cho biết.

Liên quan đến vấn đề bệnh viện từ chối chuyển viện theo yêu cầu của người nhà, bà Năm cho biết nếu đúng theo quy định, bệnh viện phải chuyển viện theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân. Đồng thời yêu cầu gia đình ký cam kết nếu có vấn đề gì thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

“Theo trình bày của những cá nhân có liên quan trong ca trực, người nhà không có yêu cầu này nên bệnh viện vẫn chuyển theo diện BHYT bình thường. Khoảng thời gian từ lúc tiếp nhận, chờ người nhà có mặt tại bệnh viện, đến lúc hoàn thành thủ tục chuyển viện khoảng một giờ rưỡi” – bà Năm nói.

Bác sĩ Châu Minh Đức, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, thừa nhận sai sót của bệnh viện là thiếu huyết thanh.

Ngay sau đó bệnh viện cũng đã khắc phục, đã mua huyết thanh dự trữ. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức hai lớp tập huấn về sơ cứu rắn độc cắn cho hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng để các bác sĩ, điều dưỡng đủ tự tin mà điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn.

“Do một thời gian dài bệnh viện không tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn, trong khi hạn sử dụng của huyết thanh rất ngắn nên lúc Đạo nhập viện, bệnh viện đã không có huyết thanh để điều trị cho em” – bác sĩ Đức giải thích.

Liên quan đến trách nhiệm của những nhân viên bệnh viện trong ca trực cấp cứu em Trần Hưng Đạo, bác sĩ Đức cho biết thêm:

“Bệnh viện đã họp hội đồng y khoa, những người liên quan phải làm tờ tường trình toàn bộ sự việc. Qua xem xét chúng tôi thấy rằng các bác sĩ, điều dưỡng hoàn toàn không sai sót trong ca trực này nên không xử lý ai cả”.

Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến việc lãnh đạo bệnh viện có xem lại băng ghi hình tại phòng hồi sức để thẩm định xem nhân viên bệnh viện có phớt lờ yêu cầu của người nhà bệnh nhân không, bác sĩ Đức nói: “Hệ thống camera chưa chắc đã ghi lại tình huống đó, âm thanh chưa chắc đã nghe được…”.

Nên chuyển đến khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn của trại rắn Đồng Tâm

Bác sĩ Trần Văn Ân, phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), cho biết nếu có bệnh nhân bị rắn cắn mà bệnh viện thiếu huyết thanh thì bệnh viện thường xử lý vết thương rồi chuyển ngay qua khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn của trại rắn Đồng Tâm.

Ở đây thường có đầy đủ huyết thanh. Nếu chuyển đúng tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy chưa chắc đã tốt cho bệnh nhân vì đường xa.

“Theo tôi, vấn đề này không nên cứng nhắc, nên ưu tiên chuyển đến nơi nào có thể cứu được bệnh nhân” – bác sĩ Ân chia sẻ.

NGỌC TÀI