Quốc hội không cần thiết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân
Đó là quan điểm của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra tại báo cáo thẩm tra dự luật Trưng cầu ý dân trình Quốc hội hôm qua (28.5).
Quốc hội không cần thiết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân
Đó là quan điểm của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra tại báo cáo thẩm tra dự luật Trưng cầu ý dân trình Quốc hội hôm qua (28.5).
Trình bày tờ trình về dự luật, Chủ tịch Hội Luật gia VN Nguyễn Văn Quyền, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng dự luật, cho rằng mặc dù đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế.
|
Nên quy định mang tính nguyên tắc
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, theo ông Phan Trung Lý, khó có thể quy định cụ thể trong luật về vấn đề này. Do đó Uỷ ban Pháp luật đề nghị luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. Liên quan đến phạm vi trưng cầu, Uỷ ban Pháp luật bày tỏ tán đồng với quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước tại dự thảo.
Cơ quan nhà nước phải thực hiện
Về kết quả trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết dự thảo luật trình hai phương án. Theo phương án 1, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Phương án 2 quy định ngoài các điều kiện như phương án 1, phương án này bổ sung quy định đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá hai phần ba tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Theo Uỷ ban Pháp luật, quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá hai phần ba) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi; thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc quy định như đã thể hiện tại phương án 1.
Liên quan đến ý kiến cho rằng để bảo đảm tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị Quốc hội (QH) phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân, ông Phan Trung Lý khẳng định: “Một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện. Do vậy, QH không cần thiết phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân hay thông qua lại các nội dung đã được người dân biểu quyết tán thành”.
Đề nghị bổ sung các bãi đá và bãi cạn nửa chìm vào luật Thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sáng qua 28.5, nhiều ĐBQH đã đề nghị bổ sung các bãi đá và bãi cạn nửa chìm vào dự luật để đảm bảo bảo vệ chủ quyền. Cụ thể, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị bổ sung quy định liên quan đến các bãi đá và bãi cạn nửa chìm vào dự luật. Theo ĐB Nghĩa, quy định như hiện tại là dễ sơ hở và bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN trên một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. “Nếu chúng ta không đưa vào luật thì khi người ta khai thác các bãi đá thì chúng ta nói là họ vi phạm luật thì họ nói luật đâu có bảo vệ các bãi đá này nên chúng tôi được quyền. Do đó, chúng tôi đề nghị quan tâm lại điều này”, ĐB Nghĩa nói. Đồng tình với ĐB Nghĩa, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (TP.Hải Phòng) đề nghị cân nhắc đưa vào phạm vi điều chỉnh gồm bãi đá ngầm, các đảo nhân tạo. Trường Sơn |
Đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ Chiều 28.5, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã trình QH dự án luật Tố tụng hành chính sửa đổi. Dự thảo luật giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều của luật hiện hành và bổ sung 76 điều mới. Về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, dự luật sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Cụ thể, đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị toà án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án… Một trong những vấn đề còn nhiều tranh luận là quy định: Những vụ khiếu kiện quyết định hành chính UBND cấp huyện và hành vi hành chính của chủ tịch UBND huyện sẽ do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp của QH cho biết: Đa số ý kiến trong uỷ ban không ủng hộ việc mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật. Uỷ ban Tư pháp của QH cũng tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự luật. Tuệ Nguyễn |
Trường Sơn