Vô cảm từ trong gia đình: “Tôi bỏ hết, chỉ cần con”
Đó là lời của ông N.M.H. (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tâm sự cùng Tuổi Trẻ về chuyện vô cảm của cậu con trai. Nhìn lại toàn bộ câu chuyện, ông nói: “Lỗi là ở chúng tôi .
Vô cảm từ trong gia đình: “Tôi bỏ hết, chỉ cần con”
Đó là lời của ông N.M.H. (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tâm sự cùng Tuổi Trẻ về chuyện vô cảm của cậu con trai. Nhìn lại toàn bộ câu chuyện, ông nói: “Lỗi là ở chúng tôi .
Không tạo áp lực với con là giúp con gần gũi với gia đình – Ảnh: Thuận Thắng |
Chúng tôi bắt đầu lại từ việc làm sao để con mình trở thành người bạn, chịu tâm sự, chia sẻ quan điểm sống của người bình thường. Nói chính xác hơn, từ bỏ 7 – 8 năm đầu tư cho con học ở Mỹ chỉ để mong không còn áp lực nào nữa, cho cháu trở lại gần gũi gia đình |
Ông N.M.H. |
Ông H. kể: “Sốc! Choáng váng và sự điềm tĩnh của người đàn ông tuổi ngoài 50 như tôi không đủ sức kiềm chế khi thấy hình ảnh tiều tuỵ của cậu con trai ngay lần gặp lại tại Mỹ cách đây hơn một năm.
Hình ảnh cậu con trai 26 tuổi, nặng gần 70kg đam mê cầu lông, hoạt bát không còn nữa. Lúc ấy nó gầy chưa đến 50kg, mắt lờ đờ, rệu rã. Thấy tôi, nó chỉ khẽ gật đầu, không cười không nói, nó ôm một con chó trở về phòng và đóng cửa lại.
Năm cháu học lớp 10, gia đình gom góp tiền cho sang Mỹ du học. Do có bà con gần đang định cư tại đây nên vợ chồng tôi yên tâm và kỳ vọng rất lớn ở cháu. Học hết phổ thông tại đây, cháu thi đậu vào trường đại học chuyên ngành kế toán theo đúng nguyện vọng của gia đình.
Niềm vui ngày càng lớn khi kết quả học tập những năm đầu đại học rất tốt. Vợ chồng tôi tập trung tối đa cho công việc để chu cấp tiền cho cháu. Mọi chuyện học hành của cháu tôi gửi gắm cho người bà con.
Những cuộc nói chuyện giữa hai cha con thường ngắn gọn vì tôi khá yên tâm. Vợ tôi nói chuyện thường xuyên hơn, tuy nhiên chủ yếu dặn dò một chiều, mong cháu tập trung tối đa chuyện học, hạn chế yêu đương.
Sang những năm học tiếp theo, người bà con thông báo sức học con tôi có phần giảm sút, nợ môn. Nghe những thông tin này, vợ chồng tôi rất bực mình. Hỏi nguyên nhân, cháu nói chương trình học quá nặng, sức cháu theo không kịp.
Chúng tôi thì mặc định sẵn chỉ do cháu lười biếng, mải chơi, lo yêu đương mà không tập trung chuyện học. Thời điểm đó trùng với giai đoạn kinh tế khó khăn hơn, gánh nặng lo tiền ăn học khiến vợ chồng chúng tôi thêm căng thẳng.
Không ít lần tôi gắt lên qua điện thoại: “Bên này bố mẹ phải vất vả thế nào để lo cho mày ăn học, mày không chú tâm chỉ nghĩ chuyện yêu đương. Lười học chứ có gì đâu!”.
Đỉnh điểm của vấn đề khi chúng tôi nhận được thông báo cháu nhất định không đi học nữa dù thời điểm tốt nghiệp chỉ còn cách sáu tháng. Niềm vui duy nhất của cháu là ngồi lì trong phòng và tâm sự với con chó nhỏ!
Nhận được tin, tôi tức tốc bay qua gặp cháu. Tôi đã rất sốc. Tôi giật lấy con chó, lôi cháu ra khỏi phòng và quát mắng. Sau nhiều năm xa cách, hơn một giờ hai cha con đối diện với nhau lại dài như một thế kỷ.
Cháu ngồi đó, hai tay đan vào nhau, chỉ cúi đầu im lặng. Liên tiếp một tuần sau đó, tình hình giao tiếp giữa hai cha con không mấy cải thiện. Bức tường khoảng trống giữa hai người dường như quá cao để tôi có thể thâm nhập.
Chúng tôi tìm gặp bác sĩ tâm lý, họ nói cháu bị tâm thần do trầm cảm quá lâu, mức độ nghiêm trọng. Khi ấy, chúng tôi nhận ra chính những kỳ vọng, sự thiếu quan tâm, áp đặt tâm lý của vợ chồng chúng tôi là nguyên nhân cốt lõi tạo nên căn bệnh ấy.
Vợ tôi nhận được tin từ tôi cũng thu xếp bay qua. Cứ nghĩ sự mềm mỏng của người phụ nữ sẽ giúp khuyên giải cháu tiếp tục đi học.
Tuy nhiên, sự im lặng đáng sợ lặp lại giữa cháu và chính người thân yêu nhất. Vợ chồng chúng tôi lâm vào khủng hoảng thật sự. Khi ấy, người cần tư vấn tâm lý chính là chúng tôi. Hai vợ chồng thay phiên gặp bác sĩ hằng tuần.
Điều đầu tiên bác sĩ nói với hai vợ chồng là hãy học cách buông bỏ. Buông bỏ tất cả những tâm lý kỳ vọng ở cháu mới có thể cứu vãn được tình hình, bằng không chúng tôi sẽ “mất” cháu mãi mãi. Đó hẳn là điều không thể nhưng chúng tôi phải chấp nhận.
Những lần gặp tiếp sau, chúng tôi được học cách làm sao để giao tiếp với cháu, đối xử với cậu con trai gần 30 tuổi như cậu bé thuở thiếu thời…
Hơn một năm trời chúng tôi tìm cách giao tiếp với con mình qua cách làm bạn với con chó – thú cưng, người bạn của con mình.
Dẫu rằng vợ tôi rất ghét động vật do dị ứng nhưng vẫn phải cố cưng chiều, ôm ấp, tắm rửa cho chúng mỗi ngày.
Thậm chí chúng tôi tiết kiệm tối đa các thiết bị điện nhưng sẵn sàng chiều theo sở thích “quái gở” khi mở tivi suốt ngày chỉ để những chú chó… xem phim hoạt hình.
Lâu dần chúng tôi giao tiếp được với cháu, hướng cháu đến những hoạt động mang tính giao tiếp cộng đồng nhiều hơn.
Mới đây, sau hơn một năm trời kiên trì của hai vợ chồng, cháu dần cởi mở, tham gia chơi thể thao trở lại. Dẫu thấy tình hình có vẻ tốt lên nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không đề cập đến việc học của cháu nữa.
Chúng tôi xin cho cháu phụ việc ở quán ăn của người Việt. Thay vì tâm lý buồn chán, tủi hờn, chúng tôi trở nên thoải mái hơn dù công việc của cháu tại đây chỉ là phụ bàn và lau dọn.
Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng lúc này lại là việc cậu con trai hào hứng kể chuyện lôi kéo được những khách kén ăn nước Mỹ quay trở lại quán, góp phần tăng doanh thu và cảm thấy tự hào khi được mọi người trong quán tôn trọng.
Khi con trở thành người bình thường, có ích trong khả năng của cháu là điều chúng tôi hạnh phúc nhất. Đó là điều chúng tôi trải nghiệm và trân trọng.