27/11/2024

Những thanh niên chỉ “gật” và “lắc”

Có thể ở trên mạng họ là “anh hùng bàn phím”, đâu đó ngoài đường họ là những thanh niên hoạt bát nhưng trong chính ngôi nhà mình họ như người khách trọ đến từ hành tinh khác.

 VÔ CẢM TỪ TRONG GIA ĐÌNH – KỲ 1:

Những thanh niên chỉ “gật” và “lắc”

 

Có thể ở trên mạng họ là “anh hùng bàn phím”, đâu đó ngoài đường họ là những thanh niên hoạt bát nhưng trong chính ngôi nhà mình họ như người khách trọ đến từ hành tinh khác.



 

 

Không chia sẻ, dửng dưng với mọi người xung quanh, giao tiếp của họ với người thân gần như gói gọn trong hai chữ “có”, “không”, hành động biểu đạt cảm xúc của họ chỉ là “gật” và “lắc”.

Ở trọ trong nhà mình?

Hoàng Văn là sinh viên năm thứ nhất một trường đại học về công nghệ tại TP.HCM. Quê ở miền Trung nên khi thi đại học, Văn ở nhà ông bà nội tại quận Tân Bình (TP.HCM) để ôn thi và sau đó là chờ kết quả, chờ ngày nhập học.

Trường của Văn đến tận tháng 10 mới nhập học nên suốt mấy tháng lịch sinh hoạt của Văn là dậy lúc 9g sáng, vệ sinh cá nhân xong, ra bàn ngồi chờ bà nội mang đồ ăn sáng đến, vừa ăn vừa cắm mặt vào chiếc điện thoại. Ăn xong, lên giường nằm ôm điện thoại chơi game cho đến khi bà nội gọi ra ăn trưa. Sau khi ăn trưa lại lên giường nằm ôm điện thoại đến khi bà gọi đi tắm để ăn tối. Kịch bản của buổi tối cũng như vậy và lặp lại trong suốt bốn tháng trời cho đến khi Văn đi học. Dù bà nội Văn là người xởi lởi nhưng cũng không thể nào cạy răng cậu thêm được từ nào ngoài “có”, “không” những khi muốn nói chuyện với cậu.

Dửng dưng qua mọi độ tuổi…

Ngày đi học, khi cần bất cứ khoản tiêu xài nào Lưu đều gọi về cho mẹ. Đến khi đi làm, dù thu nhập khá và ổn định, Lưu cũng không đề cập đến việc phụ giúp chị gái tiền điện nước hay mua quà, đồ chơi cho đứa cháu nhỏ.

Mẹ ở quê vào thăm vài ngày, Lưu xem việc đưa mẹ đi chơi, thăm bà con hay ở nhà trò chuyện với mẹ là việc của chị gái. Sau giờ làm Lưu vẫn tụ tập bạn bè như mọi ngày và đến khi mẹ về quê, chở mẹ ra bến xe cũng là việc của anh rể.

Ông nội gần 80 tuổi loay hoay chuyển chậu cây kiểng, Văn nhìn bằng cặp mắt dửng dưng, bà nội bê giỏ quần áo đi phơi Văn cũng kệ. Thậm chí buổi sáng ăn bánh mì xong vụn bánh rơi đầy bàn, Văn cũng không buồn lau. Không chỉ thế, mỗi bữa nếu gia đình ăn những món Văn không thích thì bà nội lại phải lụi cụi nấu một thực đơn khác, nếu không cậu sẽ không ăn.

Ông nội bị tai biến, Văn vào bệnh viện trông ông một ngày rồi mất hút, không một cuộc điện thoại hỏi thăm. Đến ngày ông xuất viện, gia đình đưa ông về quê với mong muốn khí hậu trong lành sẽ giúp ông chóng hồi phục. Ông lên tàu về quê vào ngày tết dương lịch và Văn lấy lý do “bận đi học” để không ra tiễn ông.

Trần Minh gần như là một bản sao của Văn, ai hỏi chuyện gì Minh cũng chỉ đáp lại bằng “gật” và “lắc”. Sau khi thi đại học, cô ruột của Minh rủ cậu đi du lịch cùng gia đình cô nhưng lần nào rủ cậu cũng lắc vì chỉ thích nằm nhà ôm máy tính chơi game. Đến ngày Minh nhập học, cô của Minh thuê cho cậu một căn phòng trọ ở gần trường để tiện  đi học, nhưng mỗi lần qua thăm cháu, cô hỏi gì cậu cũng chỉ “lắc”.

Trong khi đó Lưu là con út trong một gia đình có ba người con. Cha Lưu mất khi cậu còn nhỏ nên bao nhiêu tình thương của mẹ và hai chị dồn hết vào Lưu để bù đắp thiệt thòi thiếu cha. Từ ngày vào Sài Gòn học đại học cho đến hiện tại đã đi làm, Lưu sống cùng vợ chồng người chị cả và cũng trong ngần ấy thời gian, Lưu như một người ở trọ trong chính nhà chị ruột mình. Ngoài thời gian đi học, đi làm hay đi chơi, Lưu lại trốn trong phòng hoặc một góc phòng khách với điện thoại và tai nghe. Chưa bao giờ Lưu cầm cây chổi giúp chị quét nhà hay phụ bất cứ công việc nào trong nhà, dù đó là lúc chị Lưu mới sinh con hay những khi nhà có tiệc, anh rể đi vắng…

Nỗi niềm những người mẹ

Gần 40 tuổi mới lập gia đình nên bác sĩ Mai (ở quận Bình Tân, TP.HCM) có con khá muộn, vì thế hai cậu con trai được xem như “báu vật” và chăm sóc như trẻ nhỏ. Giờ bà Mai phát hiện mình bị ung thư. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, bà luôn thấp thỏm không yên vì lo không biết hai cậu con trai ở nhà ăn uống thế nào, sáng có tự dậy đi học được không… dù hai cậu con một người đã là sinh viên trường y và một người đang học lớp 12.

Khi vừa xuất viện về nhà, bà Mai lao ngay vào bếp và dọn phòng cho con vì “lệnh” của hai cậu quý tử là “nếu không phải là mẹ thì không ai được vào phòng dọn dẹp”. Nhà không có người giúp việc vì hai cậu con không thích nên người mẹ vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa làm ôsin trong nhà. Cho đến ngày người chị ruột qua thăm thấy bà Mai ngất xỉu trong bếp bởi đã hai ngày không ăn uống gì mà hai cậu con cũng chẳng hay biết bởi hai cậu con nếu không “bận đi học” thì lại trốn lì trong phòng.

Bà Loan (Q. Bình Thạnh) vì sức khỏe kém nên từ năm 2012 phải nghỉ hưu non. Thế nhưng những ngày hưu của bà chẳng được nhàn nhã như bà mong đợi bởi sau khi cưới, vợ chồng người con trai đã sinh liền liền hai đứa cho bà nội trông vì “tranh thủ bà nội còn trẻ”. Chăm một gia đình ba thế hệ, trong đó có hai đứa trẻ cách nhau bốn tuổi nên bà Loan tối tăm mặt mũi. Sáng dậy lo đưa đứa trẻ lớn đi học, quay về đi chợ, mua đồ ăn sáng cho chồng và cô con út, quay qua cho cháu nhỏ uống sữa và chơi với cháu, đến bữa trưa lại lo nấu nướng ăn uống, quay qua quay lại đến bữa chiều. Nhiệm vụ của bà là làm sao đến khi hai vợ chồng con trai đi làm về là hai đứa nhỏ đã no nê, sạch sẽ để ba mẹ chúng chơi với con một chút rồi ngủ.

Tưởng nghỉ hưu ở nhà bệnh rối loạn tiền đình sẽ thuyên giảm và bớt các cơn đau tim, nhưng cứ vài tháng bà Loan lại nhập viện vài ngày và khi ra viện bà lại cắm cúi với vai trò người bà, người mẹ, người vợ đảm. Mọi chi tiêu ăn uống đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng vì cô con út công việc chưa ổn định, còn vợ chồng cậu con trai thì “lương tụi con chỉ đủ trả tiền học của đứa con đầu”, vậy mà có khi về nhà thấy bữa ăn không vừa ý hay hai đứa trẻ đang khóc là sẽ mặt nặng mày nhẹ. Vì thế, để lo mỗi ngày ba bữa cơm tươm tất, bà Loan phải vay chỗ này mượn chỗ kia cũng như nhịn hết các khoản chi tiêu riêng, đau bệnh cũng không dám đi khám. Nhưng hễ mọi người xung quanh góp ý, bà đều thở dài “biết chứ, nhưng thôi ráng vì bọn trẻ”.

Những lúc có chút thời gian để trò chuyện với bạn bè, bà Loan, bà Mai đều rơm rớm nước mắt và thở hắt ra niềm ao ước: “Chỉ cần nó cười với mình một cái hay hỏi một câu xem mình khỏe hay yếu thì bao nhiêu vất vả và ấm ức lâu nay sẽ tan ngay”. Cũng như bà Loan, bà Mai, người thân của Lưu, Minh, Văn đều than: “Chỉ đơn giản là nói chuyện với chúng thôi mà cũng không được thì làm sao chia sẻ được những thứ khác?”.

25 tuổi vẫn chưa trưởng thành?

Bà Hương (quận 10, TP.HCM) – mẹ của Thành, một cậu trai 25 tuổi – cũng có tâm sự buồn khác. Bà cho biết mình luôn quan tâm đến cậu con trai, từ cách vợ chồng bà chọn phương pháp giáo dục con cứng rắn khi còn nhỏ vì lo sợ Thành nghĩ mình là con trai một sẽ ỷ lại, đến sự quan tâm trong từng chuyện sinh hoạt hằng ngày. “Nhưng càng ngày nó càng trở nên xa cách, lầm lũi, có khi thấy con hét lên một mình thì lại lo sợ rằng bản chất con có tính nổi loạn bẩm sinh” – bà nói.

“Khi Thành bước vào tuổi dậy thì, gia đình dành cho Thành phòng riêng để tiện trong sinh hoạt và tránh chung đụng với chị em gái. Nhưng để con một mình một phòng lại không yên tâm. Đi hay ở nó cũng khóa cửa im ỉm” – bà Hương kể. Thế rồi đùng một cái khi Thành vào năm 2 đại học thì bị buộc thôi học, bị bạn bè lừa lọc tiền bạc phải cầm laptop, xe máy, điện thoại…

Bà Hương buồn rầu chia sẻ: “Tôi thấy con mình xa rời gia đình quá, lại chẳng có ý chí tiến thủ như bạn bè của nó. Thậm chí mỗi khi cha mẹ ốm đau nhập viện, nó cũng chỉ gọi điện hỏi thăm vài câu hay qua bệnh viện nhìn nhau một lát rồi thất thểu ra về. Tôi chẳng thấy có một phong thái nào của sự trưởng thành mà đáng ra là nó phải có vào cái tuổi này” – bà Hương nói.

DIỆU NGUYỄN

HỒNG NHUNG