Cổ tích một chuyện tình
Một cô gái vì lời hứa với người yêu suốt 48 năm qua dành trọn tuổi xuân thay người yêu phụng dưỡng cha mẹ già, hương khói cho gia đình người đã khuất…
Cổ tích một chuyện tình
Bà Ba và cô con gái nuôi xem di ảnh của ông Sáu Ngôi – Ảnh: M.Tâm |
Một cô gái vì lời hứa với người yêu suốt 48 năm qua dành trọn tuổi xuân thay người yêu phụng dưỡng cha mẹ già, hương khói cho gia đình người đã khuất…
Trong căn nhà nhỏ, bà Trần Thị Ba chầm chậm lấy bức di ảnh của chồng. Ở cái tuổi 71, bước chân bà đã yếu ớt, run run và lưng còng xuống. Bà nói những ngày tháng này nỗi nhớ niềm thương về người chồng chưa cưới cứ da diết, rồi bà lau bức di ảnh của ông.
Ánh mắt trìu mến nhìn vào di ảnh ngày càng sâu hút, sâu đến mênh mông bởi ánh mắt đã chìm vào bên trong tìm về những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp của một thời đạn bom khốc liệt…
Được một lúc khá lâu, bà mới bần thần quay lại câu chuyện về lời hứa vào một chiều xuân của 48 năm trước dần hiện ra…
Giấc mơ chưa chạm ngõ
Mấy chục năm qua, bà Ba ở vậy hiếu thảo chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ ruột. Sự hiếu thảo của bà được tiếp nối khi vợ chồng người con nuôi của bà cũng rất mực hiếu thảo
Ông Lâm Văn Gạch (trưởng ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) |
Đầu năm 1960, trạm y tế của đơn vị anh du kích tên Phan Văn Ngôi (tên thường gọi là Sáu Ngôi) đóng cách nhà cô thôn nữ tên Ba chừng chục thước.
Anh Sáu thường ghé nhà trò chuyện với cha của cô gái. Dần dà cô thôn nữ đẹp người đẹp nết khiến lòng anh du kích xao động. Còn cô Ba thấy anh Sáu là đấng nam nhi sống có lý tưởng lại ăn nói rất lễ nghĩa, nên từ cảm phục sinh lòng yêu mến.
Tình yêu tự đến nhẹ nhàng rồi lớn dần, ngày thêm bền chặt khi tình riêng hòa vào tình chung với nước non.
Đó là khi anh hướng dẫn chị thành “giao liên” riêng của mình. Biết người yêu mua bán gạo hàng xáo, anh nhờ chị mua thuốc tây, kim ống, bông băng… về chữa trị cho bộ đội.
Lúc đầu, chị sợ nhưng anh giảng cho chị ý nghĩa của việc làm tốt đẹp đó, chỉ với số thuốc đó cứu chữa rất nhiều chiến sĩ, hạn chế rất nhiều đáng tiếc xảy ra. Chị hiểu, rồi tự lúc nào chị kiêm luôn việc đưa thư, tài liệu giùm anh…
Hầu hết anh em của anh đều tham gia kháng chiến. Chị gái thì có chồng xứ xa, nhà chỉ còn cha mẹ già với một vài công vườn.
Thương anh, chị thường lui tới chăm sóc cha mẹ anh khiến ông bà xem chị như dâu con trong nhà.
Gần năm năm quen nhau. Vào một ngày cuối năm 1965, anh Sáu tâm sự qua tết sẽ tổ chức đám cưới, bởi sang năm anh chuyển lên địa phương quân công tác nơi xa. Anh gửi gắm: “Em ở nhà chăm sóc cha mẹ giùm anh”.
Chị gật đầu: “Anh cứ yên tâm lo việc nước, việc nhà em sẽ thay anh”. Thấy chị buồn, anh cố xoa dịu bằng những vần thơ: “Xưa Trưng Vương còn rạng tiếng anh hào/Gương gái Việt chắc em còn nhớ rõ/Vầng trăng – nguyệt khi mờ khi tỏ/Thơ giục thúc anh làm tròn nghĩa vụ/Hãy tươi tỉnh em nhé, đừng nên rơi lệ/Làm người sao khỏi lúc chia tay/Đừng buồn em nhé/Ngày thống nhất vinh quang đoàn tụ”.
Hai bên cha mẹ giáp mặt định ra giêng tổ chức lễ cưới nhưng giấc mơ mùa xuân chưa chạm ngõ, người chồng hứa hôn vĩnh viễn ra đi trong một trận đánh lớn. Hung tin như sét đánh, chị khuỵu xuống…
Giữ trọn lời với người đã khuất
Đau đớn bàng hoàng, nhưng lời hứa với người đã khuất khiến chị ráng gượng đứng vững để cứ cách ngày, chị lại đến nhà anh khi thì gạo cá, khi thì củi thịt để nấu cơm, an ủi bầu bạn với cha mẹ chồng.
Hai năm sau khi anh Sáu mất, cha anh cũng qua đời. Nỗi buồn khăn phủ vành sô chưa nguôi, nỗi đau khác lại kéo đến khi hai người anh trai của anh Sáu lần lượt hi sinh khiến mẹ già ngã bệnh, chị lại khăn gói đến bệnh viện nuôi bà cả tháng ròng.
Có lẽ do sức chịu đựng của con người có hạn mà nỗi đau của người mẹ cứ kéo dài như vô tận khi ba đứa con lần lượt theo đất nước ra đi hóa thân thành liệt sĩ khiến bà cứ ôm chị mà khóc: “Con đừng bỏ má”.
Chị cũng nghẹn giọng: “Mẹ ơi! Một lời đã hứa với anh Sáu, con nguyện khắc cốt ghi tâm”. Năm ấy chị 27 tuổi, sự dịu dàng và giỏi giang của cô thôn nữ ở cái tuổi xuân sắc khiến nhiều người đến ngỏ lời.
Bạn bè, người quen cũng góp ra nói vào nhưng ai nói gì thì nói, chị vẫn thủy chung với người chồng đã khuất khi quyết định xin con nuôi để đi đến cùng bổn phận con dâu với mẹ anh.
Ngày đất nước thống nhất, mẹ anh đến xin phép cha mẹ chị cho chị về ở với mình. Từ đó, chị danh chánh ngôn thuận là vợ liệt sĩ Phan Văn Ngôi.
Trong mảnh vườn nhỏ, chị trồng đu đủ, ổi, mận… đem bán, rồi chị còn chèo ghe đi bán hàng bông. Vất vả vậy, nhưng chị vẫn vẹn toàn phận dâu con khi sớm hôm lo chuyện cơm nước.
Mỗi lần mẹ chồng bệnh, chị túc trực suốt ở bệnh viện. Lúc này, chị bước sang ngưỡng nửa đời người nhưng nhan sắc mặn mà nên có người ngấp nghé. Mẹ chồng thương con dâu chịu nhiều thua thiệt nên khuyên chị để bà đứng ra cưới gả, nhưng chị nhất quyết không đồng ý.
Năm 1978, mẹ chồng lâm trọng bệnh, nằm điều trị một thời gian dài nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bác sĩ cho về nhà.
Chị nghe ai chỉ thầy thuốc giỏi đều chở mẹ chồng trên ghe chạy đến đó. Nhưng dù cố cách mấy, do tuổi tác đã cao, bệnh lại nặng nên mẹ chồng qua đời. Mẹ chồng mất, chị vẫn ở căn nhà đó lo hương khói, cúng giỗ ông bà.
Theo dòng thời gian, cô thôn nữ ở cái tuổi xuân sắc ngày nào giờ đã 71 tuổi và lên chức bà ngoại, khi cô con gái nuôi ngày nào đã lớn khôn lập gia đình và có hai con.
Cuộc sống của bà đầm ấm bởi vợ chồng người con gái nuôi rất hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng bà chu đáo như cách bà ngày xưa từng chăm sóc cha mẹ chồng…