15/11/2024

Mang thai hộ: có luật nhưng vẫn khó khăn

Hai tháng sau khi quy định cho phép mang thai hộ có hiệu lực thực thi, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia mới có một người được chuyển phôi và 14 hồ sơ được coi là hoàn tất thủ tục.

 

Mang thai hộ: có luật nhưng vẫn khó khăn

 

Hai tháng sau khi quy định cho phép mang thai hộ có hiệu lực thực thi, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia mới có một người được chuyển phôi và 14 hồ sơ được coi là hoàn tất thủ tục.



 

 

Có một đứa con là mong muốn của hầu hết các cặp vợ chồng - Ảnh: T.T.D.
Có một đứa con là mong muốn của hầu hết các cặp vợ chồng – Ảnh: T.T.D.

Sau khi quy định về mang thai hộ có hiệu lực (từ ngày 15-3), số người đến hỏi về thủ tục mang thai hộ tại khoa điều trị vô sinh, hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản T.Ư tăng cao.

Bệnh viện mở thêm dịch vụ tư vấn tâm lý, sức khỏe cho các cặp vợ chồng có nhu cầu cần người mang thai hộ.

13 cam kết, 2 đơn mới được nhờ – mang thai hộ

Cầm tập hồ sơ mang thai hộ trên tay, chị N.Q.H., 38 tuổi, ở Bắc Giang rất vui mừng. Chị nói đã nhờ được người mang thai hộ hợp pháp là chị dâu mình, giờ chỉ cần lo bổ sung đầy đủ hồ sơ, thủ tục để được xét duyệt và chờ ngày thực hiện.

Theo lời kể của chị H., suốt 12 năm qua vợ chồng chị điều trị vô sinh nhưng không thành công.

Từ lúc biết quy định cho phép mang thai hộ được thông qua, vợ chồng chị H. vui mừng như bắt được vàng, thêm vợ chồng anh trai ủng hộ, chị dâu tình nguyện mang thai hộ nên dường như con đường “tìm con” của vợ chồng chị H. rộng mở hơn trước.

Cũng theo chị H., khó khăn nhất là việc tìm được người mang thai hộ đủ tiêu chuẩn theo luật, tuy nhiên quá trình thực hiện đầy đủ thủ tục để có thể được xét duyệt hồ sơ không đơn giản.

Từ chuyện xin xác nhận ở địa phương, thoả thuận, hợp đồng với bên nhận mang thai hộ, đến bệnh viện ký hàng loạt cam kết, làm hồ sơ khám sức khỏe…

Theo bà Phan Thị Yến – y tá trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, hai bên nhờ và nhận mang thai hộ phải hoàn tất 13 cam kết, trong đó có nhiều cam kết cần hỗ trợ của chính quyền địa phương, luật sư tư vấn và hai đơn đề nghị mới đủ thủ tục nhờ – nhận mang thai hộ.

“Khó khăn nhất hiện nay là thủ tục hành chính, nhiều trường hợp đã có chỉ định của trung tâm là cần nhờ mang thai hộ, nhưng về địa phương chính quyền lại không xác nhận vì họ nói chưa có ai hướng dẫn.

Có trường hợp cần xác nhận chưa có con nào thì địa phương lại bảo nhỡ đâu chồng đã có con ở ngoài. Có trường hợp ngay tại Hà Nội là nơi thông tin về cho phép mang thai hộ rất nhiều nhưng chính quyền cũng không xác nhận hoặc xác nhận chung chung” – bà Yến bức xúc.

Chặt quá có dẫn đến nguy cơ lách luật?

Dù luật quy định về đối tượng mang thai hộ rất chặt chẽ, thế nhưng theo một số người điều trị vô sinh, hiếm muộn thì việc “lách luật” tìm được người mang thai hộ không khó nếu theo đường dịch vụ.

Có người giới thiệu cho chúng tôi về đường dây dịch vụ mang thai hộ từ trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang cả nước ngoài với giá trọn gói 200 – 400 triệu đồng.

Theo người này, đường dây này có đầu mối ở TP.HCM nhưng có thể thực hiện tại Hà Nội, có cả đội ngũ chân dài, “trứng” đẹp… sẵn sàng đáp ứng.

Người này còn cho biết việc làm giấy tờ chứng thực quan hệ họ hàng giữa người mang thai hộ và người nhận mang thai hộ cũng không khó.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, mỗi năm trung tâm này có 3.000 lượt người đến làm dịch vụ hỗ trợ sinh sản, khoảng 5% trong số này có chỉ định nhờ mang thai hộ vì không có tử cung, có bệnh lý không thể mang thai được.

Ngoài ra còn một số lượng lớn chị em đã được làm thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần vẫn không đậu thai và đây cũng là trường hợp có thể chỉ định nhờ mang thai hộ.

“Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp đáng tiếc, có thể có con đẻ nhưng vì quy định trước đây chưa cho phép nhờ mang thai hộ nên họ không thể có con. Giờ đây khi pháp luật cho phép thì chính quyền địa phương cần phải thông thoáng, thực hiện đúng các quy định hiện hành, không thể vì ngại trách nhiệm mà thêm một lần làm khó các gia đình hiếm muộn” – ông Hùng nói.

Ngoài ra, bác sĩ Hùng cho biết thêm trong một số bản cam kết nhờ – nhận mang thai hộ có cả ý kiến luật sư tư vấn.

Nhưng ngay luật sư nhiều khi cũng đang rất e ngại trong ký tên vào cam kết đã được tư vấn về nhờ – nhận mang thai hộ, có nơi lại đòi mức phí quá cao dẫn đến người nhờ mang thai hộ gặp khó khăn.

TP.HCM: mới có một người hoàn thiện hồ sơ

Ngày 12-5, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), một trong ba đơn vị được Bộ Y tế chọn thực hiện mang thai hộ – cho biết đến nay mới có một hồ sơ hội đủ điều kiện nhờ người mang thai hộ tại bệnh viện.

Người nhờ mang thai hộ là một Việt kiều Mỹ hơn 40 tuổi, đã đi điều trị hiếm muộn, vô sinh và đã làm thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần tại Mỹ và Việt Nam nhưng đều thất bại.

Hiện bệnh nhân còn năm phôi được lưu giữ tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM).

Biết được VN cho phép mang thai hộ nên bệnh nhân này về nước xin được mang thai hộ. Người mang thai hộ có mối quan hệ là chị em con dì với bệnh nhân, sinh sống ở VN.

Hiện hồ sơ nhờ người mang thai hộ của bệnh nhân này đã hoàn tất, thông qua hết tất cả các khâu.

Bác sĩ Diễm Tuyết cho biết thời gian qua số người đến bệnh viện tư vấn nhờ người mang thai hộ rất nhiều, nhưng nhiều trường hợp không có chỉ định mang thai hộ nên bác sĩ từ chối ngay từ đầu.

Một số trường hợp có chỉ định mang thai hộ, bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục.

Khi có đủ hồ sơ theo quy định bệnh viện mới tiến hành các bước tiếp theo, nhưng những bệnh nhân đủ điều kiện này chưa thấy quay lại nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục nhờ mang thai hộ.

L.TH.H.

LAN ANH – QUỲNH LIÊN