16/11/2024

Công nhân bị đốt lán trại vì không ăn cơm quán?

Các anh Phạm Văn Trường, Phạm Văn Vọng và Lê Hồng Sơn là công nhân đang thi công một công trình trọng điểm ở xã Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận) bất ngờ bị tấn công bom xăng vào lán trại và bị bỏng nặng.

 

Công nhân bị đốt lán trại vì không ăn cơm quán?

 

 

Các anh Phạm Văn Trường, Phạm Văn Vọng và Lê Hồng Sơn là công nhân đang thi công một công trình trọng điểm ở xã Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận) bất ngờ bị tấn công bom xăng vào lán trại và bị bỏng nặng.


 

Một trong các nạn nhân khi còn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Một trong các nạn nhân khi còn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo tường trình của các nạn nhân, tối 8.4, khi các anh đang nằm nghỉ trong lán trại thì bị liên tiếp 3 trái bom xăng từ bên ngoài ném vào. Ngọn lửa bốc cháy dữ dội khiến anh Trường bị bỏng 15%, anh Sơn bỏng 18%, còn anh Vọng bỏng 16%. Những công nhân khác may mắn chạy kịp nên không bị bỏng. Lán trại bị thiêu rụi một góc. Các nạn nhân được cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện H.Tuy Phong, sau đó chuyển vào Khoa Bỏng của Bệnh viện Chợ Rẫy. “Hiện anh em chúng tôi đã xuất viện, nhưng không dám trở lại công trường vì sợ bị chúng tấn công tiếp lần nữa”, anh Trường nói.
Cũng theo tường trình của các nạn nhân, thường ngày khi hết giờ làm việc, toàn bộ anh em công nhân đều đến ăn cơm tại quán cơm bình dân của Nguyễn Văn L. (30 tuổi, ngụ xóm 7, xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, cách công trường 1 km). Nhưng do không có xe, nên anh Trường bàn với anh em tự mua thực phẩm về nấu ăn. Những ngày sau đó, chính L. đã tới công trường hăm doạ anh Trường rằng “không muốn về với vợ con nữa hay sao mà kêu anh em tự nấu cơm. Nếu ông không đến quán ăn cơm, ông sẽ biết thế nào là đau khổ”.
Quán cơm bình dân của L. ở xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong - Ảnh: Quế HàQuán cơm bình dân của L. ở xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong – Ảnh: Quế Hà
Anh Lê Văn B., chủ doanh nghiệp (DN) thuê các nạn nhân đến để thi công, cho biết: “Tôi nghe anh em báo lại, cũng cứ tưởng đó chỉ là lời hăm dọa thôi. Không ngờ vài ngày sau thì sự việc xảy ra. Công an đã khám nghiệm hiện trường nhưng gần một tháng trôi qua, vụ việc vẫn rơi vào im lặng”.
Anh B. kể: “Khi tôi đến Vĩnh Tân nhận công trình, L. lập tức tiếp cận ép tôi phải đưa tiền để anh ta bảo vệ với giá 12 triệu đồng/tháng, dù anh ta chỉ là người bán cơm. Tôi năn nỉ mãi, anh ta hạ giá xuống còn 20 triệu đồng/4 tháng. Tôi đã ký một hợp đồng với L. dưới danh nghĩa “bảo vệ” và đã chuyển cho L. 50% tiền qua tài khoản. Sau đó, L. nói phải kêu công nhân đến quán của anh ta ăn cơm. Ban đầu tôi cũng muốn yên ổn làm ăn nên chấp nhận. Nhưng anh em không có xe đi lại nên phải tự nấu ăn”.
Không riêng gì trường hợp DN của anh B. Một chủ thầu xây dựng tại địa bàn này cũng quả quyết với Thanh Niên rằng: “Không có DN nào đến đây làm ăn mà không phải đóng tiền cho các tay có máu mặt dưới danh nghĩa hợp đồng này hay hợp đồng khác. Một chiếc xe chỉ chở đất bán với giá 500.000 đồng/xe nhưng L. bắt phải lấy 650.000 đồng/xe nhằm chia lại cho anh ta 150.000 đồng.
Mỗi xe vào nhà máy dù chở thứ gì cũng phải nộp từ 100.000 – 200.000 đồng. Việc các điểm thi công bị bom xăng từng xảy ra vài lần rồi. Ngày L. xây hồ chứa nước, gọi cho tôi hỏi xin xi măng, sắt thép. Tôi nói không có, ngay tối đó có mấy tay cầm mã tấu đi bên ngoài công trường. Tôi phải chuyển mấy triệu bạc cho yên. Làm nghề “bảo kê” kiếm sống ở Vĩnh Tân này không chỉ có L., mà còn vài băng nhóm khác. Trong đó, đặc biệt là băng nhóm của ba anh em ruột T., hiện nay một người em đã bị bắt còn lại hai anh em”.
Chờ cơ quan chức năng kết luận
Làm việc với PV Thanh Niên, Trưởng công an xã Vĩnh Tân Nguyễn Thanh Sáng nói thẳng: “L. chuyên đem cơm vào bán ở các công trình nhà máy nhiệt điện. Rồi săn tìm các công ty mới đến Vĩnh Tân để được làm bảo vệ”. Ông Sáng cũng khẳng định, sau khi xảy ra vụ việc bom xăng thì L. đã bỏ đi khỏi địa phương.
Đại tá Đinh Kim Lập, Trưởng công an H.Tuy Phong, thì cho rằng chưa thể kết luận ai đã tấn công bom xăng các công nhân. “Họ có quyền nghi ngờ. Nhưng phải chờ cơ quan chức năng kết luận mới biết”, đại tá Lập nói. Về việc DN phải ký hợp đồng “bảo vệ” với chủ quán cơm, thượng tá Phan Khánh Phương, Phó trưởng công an H.Tuy Phong, cũng cho rằng: “Việc ký hợp đồng bảo vệ là thoả thuận giữa đôi bên. Họ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.

Quế Hà – H.Linh