27/11/2024

Đứa con lai khát khao tìm bố mẹ

Người đàn ông mà rất nhiều câu hỏi về chính cuộc đời của mình còn chưa có lời đáp, nhưng suốt bao năm qua luôn đau đáu tìm cha mẹ ruột của mình.

 

Đứa con lai khát khao tìm bố mẹ

 

 

Người đàn ông mà rất nhiều câu hỏi về chính cuộc đời của mình còn chưa có lời đáp, nhưng suốt bao năm qua luôn đau đáu tìm cha mẹ ruột của mình.

 

 

Ông Trương Tý cùng vợ và hai con trai - Ảnh: Đình Toàn

Ông Trương Tý cùng vợ và hai con trai – Ảnh: Đình Toàn

Những “mảnh vỡ” của ký ức

Chúng tôi tìm đến nhà của ông ở xóm Chùa, thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Do ông làm nghề sửa xe đạp nên nhiều người trong xóm gọi là “anh Tý xe đạp”. Ngôi nhà của ông đang ở là mái ấm hạnh phúc cùng với vợ và 2 con trai: 16 và 11 tuổi.
Vợ ông, bà Huỳnh Thị Nhị, đi vào lục lọi tủ một lúc rồi mang ra một tập hồ sơ, trong đó có hộ khẩu ghi tên chồng bà là Trương Ty, SN 1970. “Anh tên thật là Tý, nhưng hộ khẩu lại ghi tên Ty, khổ rứa chứ”, bà Nhị nói. Người phụ nữ 37 tuổi này nói thêm, ông Tý có hộ khẩu ở thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc, sau khi hai người cưới nhau thì ông chuyển khẩu đến xã của bà. “Khi tách khẩu, cán bộ tư pháp ghi nhầm Trương Tý thành Trương Ty”, bà Nhị nói và cho biết ông Tý còn có một cái tên khác là “Mỹ”.
Bà Trương Thị Tình (phải) kể lại chuyện mình nhận nuôi ông Tý từ lúc vài tháng tuổi

Bà Trương Thị Tình (phải) kể lại chuyện mình nhận nuôi ông Tý từ lúc vài tháng tuổi

Tên Tý hay tên Mỹ đều rất có ý nghĩa với cuộc đời người đàn ông được cho là con lai Mỹ – Việt này. “Ba tui có thói quen đặt tên con theo năm sinh. Tý là do khi tui nhận nuôi và đưa em nó về quê trúng năm Tý nên ba tui đặt như rứa để dễ nhớ. Còn tên Mỹ đơn giản là lúc nhỏ hắn giống người Mỹ, nên có người gọi thế”, bà Trương Thị Tình, người nhận nuôi ông Tý từ lúc vài tháng tuổi, giải thích.
Hơn 40 năm trước, lúc khoảng mười chín đôi mươi, bà Tình ở quê lên phố xin phụ bán hàng áo quần tại một quầy hàng ở chợ Đông Ba, đoạn bến Chương Dương gần cầu Trường Tiền (nay đã xây dựng siêu thị). Bà chỉ nhớ chủ quầy hàng tên là Lời, nhà ở khu vực trại bò thuộc chợ Tây Lộc (nội thành Huế). Vào một ngày nắng hạ năm 1972, khi đang phụ bán hàng thì Tình nhìn thấy một người phụ nữ hơn mình khoảng chục tuổi, cao khoảng 1,5 m, nặng khoảng trên 40 kg, bồng đứa con nhỏ nói chuyện bằng giọng Huế với bà Lời. Chuyện trò một lúc rất lâu, bà Lời đưa người phụ nữ trẻ ít tiền nói đi mua cháo cho đứa bé. Thế nhưng người này cầm tiền rồi đi biền biệt… “Sau này dì Lời kể lại chị ấy là mẹ đứa bé, bán hàng giải khát phục vụ cho lính Mỹ ở đồn Mỹ Cát, Phú Lương, Hương Thuỷ (Thừa Thiên-Huế). Chị ấy đã có một đứa con với người chồng đi lính cho chính quyền miền Nam, nhưng mất tích ở chiến trường Quảng Trị. Sau sự kiện “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, chị ấy có thông tin rằng chồng mình sắp trở về nhưng lúc ấy chị đã lỡ có với người Mỹ một cháu trai. Sợ người chồng biết được và ảnh hưởng đến cuộc sống sắp tới nên mang đứa bé lai ấy đi cho”, bà Tình kể.
Trong vòng tay nhân ái
Sau khi xác định người mẹ đã bỏ con, việc chăm sóc đứa bé bà Lời giao cho bà Tình. Qua 5 ngày chăm nom, đi xin từng tí sữa, bà Lời thấy nữ nhân viên bán hàng của mình rất quý cháu bé, nên gợi ý: “Hay mi đem thằng Mỹ về quê mà nuôi. Tau có mấy đứa con rồi, trai có gái có nên khó nuôi thêm”. Trúng ý, bà Tình xin nhận và mang cậu “Mỹ con” sang nhà dì ruột nhờ đem về quê cho ba mẹ nuôi. Bấy giờ cuộc sống ở quê rất khổ và bà Tình đã có 2 người em, một trai một gái, nhưng bà vẫn thích cậu “Mỹ con” này. Để được nhận nuôi bé “Mỹ”, trước khi trở về quê, bà Tình phải làm việc không lương cho bà Lời 3 tháng để trừ “khoản nợ” mấy trăm ngàn đồng bà Lời đã đưa cho người mẹ trẻ khi để lại con.
Bà Tình nói rất khó lý giải vì sao bà lại hết mực yêu thương ông Tý ngay từ lần đầu bồng ông trên tay. Và cũng rất lạ, khi được đưa về nhà bà Tình (ở thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến) cậu bé liền nhận được sự yêu thương đùm bọc của cả nhà. Bố bà Tình đặt tên cậu là Trương Tý (tuổi Nhâm Tý – 1972), ông còn nói dối với hàng xóm đó là đứa con rơi của ông, nay đón về nuôi dưỡng. Mẹ bà Tình thì coi Tý như con ruột. Trong nhà nhắc nhau cấm không ai được nhắc tới từ “con lai” và gốc gác của Tý. Thế là Tý lớn dần bằng nguồn sữa đi xin, canh rau cơm độn… và trong vòng tay thương yêu của gia đình bà Tình.
Cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn, Tý chỉ học hết lớp 2 rồi ở nhà, sau đó chăn trâu làm ruộng. Tình cảm của bố mẹ và anh chị dành cho khiến ông chẳng hề nghi ngờ mình còn một gốc gác khác. “Mãi cho đến năm 16 tuổi tui tình cờ biết được mình không phải là con ruột của ba mạ. Tui hỏi ba mạ và các anh chị, không ai chịu nói. Nhưng đó là sự thật, tui đã rất buồn…”, ông Tý thổn thức.
“Nghĩ về mẹ lòng lại se thắt…”
Lần theo những thông tin bà Trương Thị Tình cung cấp, chúng tôi đến TP.Huế tìm bà Lời với hy vọng có thêm thông tin và manh mối về mẹ đẻ của ông Trương Tý (Ty). Tìm về khu vực trại bò xưa ở Tây Lộc thì nơi đây đã giải tỏa từ lâu, chúng tôi hỏi thăm nhiều người về gia đình bà Lời nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cuối cùng, chúng tôi để lại một số thông tin rồi nhờ các cô chú ở gần chợ Tây Lộc tìm giúp. Vài ngày sau, một người đàn ông tốt bụng gọi điện báo rằng tìm được gia đình bà Lời.
Theo thông tin được cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà bà Lời ở một con hẻm sâu trên đường Nhật Lệ, nội thành Huế. Tiếc rằng, bà Lời đã qua đời cách đây 4 năm ở tuổi 74. Người đàn ông tự nhận là Sơn, con thứ hai của bà Lời, nói mẹ ông tên thật là Dương Thị Vân, mọi người quen gọi là Lời vì gọi theo tên chồng là Trần Văn Lời. Sau khi khu vực bán hàng gần cầu Trường Tiền bị giải tỏa, bà Vân chuyển vào chợ Tây Lộc bán áo quần, được khoảng 6 – 7 năm thì chuyển sang bán vé số dạo rồi bị bệnh và qua đời. “Mạ tui đưa đứa bé trai nớ về nhà sống khoảng 5 ngày rồi mới cho về dưới huyện Phú Lộc. Về sau mạ ít nhắc, lại không có ai hỏi han nên tụi tui cũng không tìm lại làm chi”, ông Sơn kể.
Còn cụ Trần Văn Lời nói vợ chồng cụ có 5 con (4 trai, 1 gái). Chuyện vợ cụ năm xưa nhận nuôi một đứa bé lai Mỹ cụ có biết nhưng không nghe kể nhiều về người mẹ đẻ đứa bé…
Tôi đem câu chuyện tìm lại được gia đình bà Lời kể với vợ chồng ông Tý. Ông rất vui, nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn trĩu nặng, nhất là khi nghe gia đình cụ Lời cũng không có nhiều thông tin gì hơn về mẹ đẻ của ông. Ông Tý nói mình học hành ít, chỉ ngang lớp 2 nên không biết nhiều về lịch sử, chiến tranh, nhưng ông biết mình có mặt trên cuộc đời này cũng là một phần của cuộc chiến.
Kể từ khi biết sự thật về cuộc đời mình, vết thương lòng càng hằn sâu và nó chỉ có thể được xoa dịu nếu có phép màu nào đó cho ông gặp được bố mẹ ruột của mình, hoặc chỉ để nhìn, hoặc để đặt hàng loạt câu hỏi, hoặc chỉ trách móc và yêu thương… “Mình được sống và được dưỡng nuôi trong gia đình của bố mẹ bao năm qua đã là phúc phận. Mình nghèo và đã lớn tuổi rồi, cũng không mong chi hơn là tìm lại được bố mẹ đẻ để con cái sau này có gốc gác và cũng đỡ mặc cảm. Mình cũng nhiều lần nghĩ về mẹ, người đã từ bỏ mình khi mới mấy tháng tuổi. Có khi giận và buồn, nhưng cứ nghĩ có thể bây giờ bà đã không còn trên thế gian nữa thì lòng lại se thắt…”, ông Tý tâm sự.
Vẫn miệt mài tìm kiếm
Bao năm qua, ông Tý vẫn cố tìm những thông tin liên quan đến bố mẹ mình, nhưng hầu như vô vọng. Ông nói định nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhưng ngại, nên thôi.
Chân dung bà Dương Thị Vân, người bán áo quần ở chợ Đông Ba năm xưa được người mẹ trẻ để lại cháu bé “Mỹ lai” rồi đi biền biệt - Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu gia đình

Chân dung bà Dương Thị Vân, người bán áo quần ở chợ Đông Ba năm xưa được người mẹ trẻ để lại cháu bé “Mỹ lai” rồi đi biền biệt – Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu gia đình

Cách nay mười mấy năm, nghe hướng dẫn của một số người, ông Tý gom góp, vay mượn tiền bạc để vào Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM nộp hồ sơ, với hy vọng mong manh tìm được gốc gác của mình. Tiếc thay, những thông tin ông cung cấp không đủ cơ sở để Lãnh sự quán Mỹ xét duyệt theo chương trình hồi hương cho con lai Mỹ – Á, càng khó giúp ông tìm lại được bố mẹ ruột.
Ông trở về quê với công việc sửa xe đạp, vá săm xe máy hằng ngày để nuôi hai con ăn học. Hai người con trai ông, một 16 tuổi, một 11 tuổi, đều mang gương mặt của ai đó ở trời Tây. “Gien di truyền kiểu chi mà lạ thật. Khi sinh con ra, nhìn con mà mình không dám tin. Cả hai đứa đứa mô cũng to khỏe, mắt mũi chi cũng giống Tây hết”, bà Nhị kể.

Đình Toàn