Công khai tên người mua – bán dâm: cần sự công bằng
Diễn đàn chủ nhật kỳ này là cuộc bàn luận quanh câu hỏi: Nên hay không nên công bố danh tính người mua – bán dâm?
Công khai tên người mua – bán dâm: cần sự công bằng
Diễn đàn chủ nhật kỳ này là cuộc bàn luận quanh câu hỏi: Nên hay không nên công bố danh tính người mua – bán dâm?
Một số trang mạng đưa tên tuổi, hình ảnh người mẫu bán dâm. Còn người mua dâm? |
Tuy có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa số đều thống nhất một việc: cần sự công bằng trong việc thông tin danh tính về hai đối tượng mua – bán dâm.
Khi những đường dây mua bán dâm giới người mẫu bị triệt phá thì hình ảnh, tên tuổi của những người bán dâm được khai thác trên truyền thông, trong khi những người mua dâm lại ít được đề cập. Vậy cái gì nên công khai và cái gì nên hạn chế?
* Ông Tạ Ngọc Vân (chuyên gia hỗ trợ giải cứu phụ nữ và trẻ bị mua bán):
Không nên đăng ảnh rõ mặt phụ nữ bán dâm
Việc mua bán dâm có nói ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và điều đó cũng chưa rõ ràng. Nhưng công khai tên họ, hình ảnh ngay từ giai đoạn tình nghi thì hậu quả rất ghê gớm.
Theo tôi, không nên đăng ảnh rõ mặt phụ nữ bán dâm, nhất là ở giai đoạn còn tình nghi, đang điều tra vụ việc. Thậm chí khi vụ việc
rõ ràng thì có nên công khai không? Những vụ việc như thế này được xếp vào nhóm hành chính, không nên công khai.
Trong trường hợp người bán dâm là đối tượng trong vụ án xử công khai cũng ảnh hưởng nhiều đến danh dự, nhân phẩm của chị em, còn đang có nhiều ý kiến tranh cãi báo chí có nên công khai tên họ, hình ảnh của họ hay không. Có ý kiến cho là tại sao không công khai tên tuổi người mua dâm mà cơ quan báo chí, công an lại công khai tên tuổi, hình ảnh người bán dâm?
Còn người mua dâm thường đã có gia đình và cái mất của họ có khi còn lớn hơn cái mất của người bán dâm. Vì thế tôi cho rằng ở các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp thì không nên công khai tên tuổi họ.
* Bà Trần Thị Bích Thủy (nguyên phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM):
Đừng đẩy họ vào đường cùng
Đằng sau câu chuyện của những phụ nữ bán dâm mỗi người có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm. Cũng có người vì thích sống đua đòi, ăn diện, cần phải lên án. Nhưng có nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, phải làm để có tiền lo cho gia đình và có cả những em gái bị dụ dỗ mà sa ngã, tuổi đời còn rất trẻ với một tương lai dài ở phía trước.
Báo chí và cả xã hội cần có cái nhìn nhân văn hơn với họ, cần cho họ một cơ hội để thay đổi. Việc đưa tên tuổi, hình ảnh của họ lên mặt báo sẽ khiến họ tự ti, mặc cảm, đẩy họ vào con đường cùng.
Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ từng giúp đỡ nhiều chị em làm nghề bán dâm, lắng nghe câu chuyện của họ để sẻ chia, đồng thời tạo cơ hội để họ học nghề, tạo công ăn việc làm giúp những người phụ nữ thay đổi cuộc sống. Không ít chị em đã trở thành đồng đẳng viên đi tuyên truyền, phát bao cao su cho những người hành nghề mại dâm khác, tiếp tục giúp những người khác thay đổi.
Có những chị thậm chí đã nhiễm HIV nhưng hiện sống rất tự tin, gia đình rất tốt, con cái các chị được cấp học bổng để học hành bình thường mà người xung quanh không hề hay biết. Nhưng nếu họ từng bị đưa hết thông tin, hình ảnh lên mặt báo, ai cũng biết thì liệu họ và gia đình còn có cơ hội sống một cuộc sống như vậy hay không?
Một số trang mạng đưa tên tuổi, hình ảnh người mẫu bán dâm |
* Luật sư Bùi Quang Nghiêm:
Báo chí nên cân nhắc
Tôi không thấy nước nào lại “làm ngược” như ở Việt Nam: công khai tên người bán dâm, còn tên người mua dâm lại giấu, trong khi đáng lẽ cần phải công khai người có nhu cầu chứ không phải công khai người cung. Để công bằng, nếu đã công khai tên người bán thì cũng cần công khai tên người mua.
Tôi nhớ có đọc báo người ta bàn luận, đại ý không công khai tên người mua vì nhân văn, vì người mua còn gia đình, con cái, bè bạn, công việc… Vậy người bán không có những người thân và mối quan hệ như thế sao? Việc công khai tên tuổi của người mua dâm ảnh hưởng thế nào thì đối với người bán dâm ảnh hưởng như thế ấy.
Luật không coi hành vi mua bán dâm là có tội, bởi vậy việc công khai tên tuổi, hình ảnh của người bán dâm trên phương tiện truyền thông là vi phạm quyền nhân thân của công dân đã được Hiến pháp quy định. Và theo tôi, việc truyền thông khai thác thông tin, hình ảnh cá nhân của những người bán dâm là người mẫu, ca sĩ, diễn viên thì nên cân nhắc.
* Một cán bộ công an phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM:
Người bán dâm không phải là tội phạm
Luật ở Việt Nam hiện nay không coi người bán dâm và người mua dâm là tội phạm, nên họ không bị công khai tên tuổi hay nhân thân trước công luận và cộng đồng. Bán dâm chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Cơ quan công an chỉ cung cấp công khai tên tuổi của những người vi phạm hình sự trong việc mua bán dâm như môi giới mại dâm, tổ chức mua bán dâm… chứ không công khai tên tuổi của những người bán dâm.
Tuy nhiên, khi cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, chúng tôi thường lưu ý báo chí viết tắt tên. Dù đã viết tắt tên, nhưng với một số trường hợp là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có chút tiếng tăm thì cũng bị truy ra.
Việc đăng hình ảnh, tên tuổi đầy đủ của những người đó chính là quyết định của các cơ quan truyền thông. Việc phòng chống mua bán dâm và tệ nạn xã hội không chỉ là trách nhiệm của công an mà còn của toàn xã hội. Tuy nhiên, ngoài việc lên án cũng cần phải giáo dục để những người đó còn có con đường để trở về. Về vấn đề văn hoá, Việt Nam không công nhận việc mua bán dâm nên danh tính cả người mua và người bán cần phải được bảo đảm.
* Ông Khổng Ngọc Oanh (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an):
Công khai tên sẽ ảnh hưởng đời sống sau này
Khi xử lý một vụ hiếp dâm trẻ em gần đây, cơ quan điều tra cấp huyện đã yêu cầu đưa nạn nhân là bé gái 9 tuổi đến hiện trường. Trong quy định về điều tra thân thiện thì những vụ việc như vậy không nên đưa nạn nhân đến hiện trường. Việc đó có thể gợi lại cho các em những ký ức sợ hãi, hoảng loạn, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý trẻ em.
Tôi nói như vậy để nhấn mạnh rằng với những đối tượng nhạy cảm phải rất cân nhắc trong việc gợi lại ký ức buồn hay công khai tên tuổi họ. Vụ việc ở TP.HCM liên quan đến một số người đẹp, người mẫu gần đây có nghi ngờ các cô liên quan đến cả việc môi giới chứ không phải chỉ bán dâm. Còn những vụ việc chỉ liên quan đến hành vi bán dâm thì đó là vấn đề hành chính, ở góc độ nào đó các cô gái còn là nạn nhân, theo tôi, không nên công khai.
Trong thực tế tôi cũng đã gặp những trường hợp các cô gái gặp khó khăn trong cuộc sống sau này vì bị đăng tải hình ảnh, tên tuổi khi bị phát hiện bán dâm. Vì lo ngại ai cũng biết chuyện của mình nên họ rất mặc cảm và gặp nhiều khó khăn trong tái hoà nhập cộng đồng.
* Ca sĩ Ánh Tuyết: Đừng để công chúng khinh giới nghệ sĩ Tôi thấy buồn vì một số cơ quan báo chí cho mình cái quyền muốn làm cái gì thì làm, muốn viết gì thì viết, không quan tâm đến tác động của xã hội. Tôi không bàn về vấn đề vi phạm quyền nhân thân của cá nhân khi hình ảnh thông tin bị đưa lên phương tiện truyền thông, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của những nghệ sĩ chân chính hoạt động vì nghệ thuật. Tôi không tự hào, nhưng tôi có thể nói rằng tôi là người hoạt động nghệ thuật tử tế, đàng hoàng và sống bằng nghề nghiệp của mình, cũng như nhiều nghệ sĩ tử tế vì nghệ thuật khác. Để có được sự nghiệp như ngày nay, chúng tôi đều đã đổ mồ hôi sôi nước mắt trong những buổi tập luyện. Thế nhưng không ít lần tôi nghe công chúng nói trước mặt mình: bọn nghệ sĩ, con này con kia, ai cặp với ai, họ nói về giới người mẫu, ca sĩ, diễn viên mua dâm, bán dâm như tất cả những người hoạt động nghệ thuật đều làm như vậy. Tôi thật sự đau lòng bởi cảm thấy bị xúc phạm đối với nghề nghiệp mà mình đã cố gắng lao động và trân trọng. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm nghệ thuật như chúng tôi, những bài viết phân tích về cô này hay cô kia bán dâm ảnh hưởng luôn đến thế hệ trẻ, những người đang chuẩn bị bước vào nghệ thuật có cái nhìn sai lạc về nghề, về thế hệ đi trước. Nhưng tôi muốn bạn đọc và công chúng phân định rạch ròi thế nào là người nổi tiếng, thế nào là nghệ sĩ, bởi hiện nay tôi biết có nhiều người, thậm chí làm gái bao, khi kiếm được đại gia nào đó chống lưng liền tìm cách tham gia nghệ thuật, rồi bỏ tiền đăng bài trên báo, trên các trang mạng. Mở báo một ngày ra thấy tin cô này hở ngực, người này chia tay, người này đi ăn ở đâu? Đó có phải là tin tức nghệ thuật đâu, nhưng những bài báo như thế, mô thức như thế đã tác động đến những thế hệ làm nghệ thuật trẻ. Các em các cháu đều nghĩ rằng muốn làm nghệ thuật phải có tiền, có người chống lưng, vậy phải bán thân, phải cặp kè với đại gia rồi bỏ tiền “mua” báo chí. Đáng lẽ báo chí cần phải nghiêm khắc hơn trong việc định hướng dư luận của mình với những vụ việc như vậy. |
* Thẩm phán Phạm Công Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM): Phải lên án người mua Tôi thấy tội nghiệp những cô gái bán dâm, trong khi cần phải lên án những người mua dâm bởi có cầu mới có cung. Bản thân mỗi người bán dâm đều có một lý do, thậm chí hoàn cảnh khác nhau mà phải thực hiện công việc đó. Tôi ủng hộ biện pháp xử lý phạt tiền, giáo dục người bán dâm nhưng công khai tên tuổi, hình ảnh trước công chúng truyền thông là phản tác dụng. * Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (TAND TP.HCM): Xâm phạm hình ảnh, đời tư Theo tôi, hành vi mua và bán dâm là hành vi vi phạm Luật hành chính, mà luật này quy định những người vi phạm hành chính đều có thể bị thông báo về địa phương, cơ quan để những nơi này biết. Như vậy, cả người mua dâm và người bán dâm đều có thể bị nêu tên. Tuy nhiên, về hình ảnh của họ thì không được đăng tải. Việc báo chí đăng tải hình ảnh những người bán dâm là xâm phạm hình ảnh, đời tư của họ, điều này đã được Luật hình sự quy định. |