11/01/2025

Tranh luận quyền nhảy việc của phi công

Quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là đối với phi công, đang gây nhiều tranh luận.

 

Tranh luận quyền nhảy việc của phi công

 

Quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là đối với phi công, đang gây nhiều tranh luận.




 

 

Đào tạo phi công cần thời gian và tốn kém, do vậy phi công được xem là tài sản quý của các hãng hàng không. Trong ảnh: học viên nữ phi công thương mại tại Trung tâm huấn luyện bay Cam Ranh (Khánh Hòa) – Ảnh: Mậu Trường

Bộ GTVT vừa có dự thảo thông tư bổ sung một số điều về bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, trong đó có quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là đối với phi công, đang gây nhiều tranh luận.

Theo dự thảo thông tư mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến, nhân viên hàng không trình độ cao (gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay) phải thông báo bằng văn bản 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.

Dự thảo thông tư cũng quy định bên khai thác máy bay có trách nhiệm xây dựng quy định về việc bồi thường chi phí đào tạo, huấn luyện và chi phí tích lũy giờ bay; quy định bồi thường phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo khi một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Vietnam Airlines: “Hết sức cần thiết”

Trong văn bản góp ý cho dự thảo thông tư, tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Phạm Ngọc Minh ủng hộ quy định nhân viên hàng không trình độ cao có quyền chấm dứt hợp đồng lao động sau khi đã gửi văn bản cho người khai thác tàu bay tối thiểu 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.

Nhiều phi công của VNA xin nghỉ việc sang làm hãng khác

Theo một lãnh đạo Cục Hàng không, việc bổ sung quy chế cụ thể về chuyển dịch lao động chất lượng cao, đặc biệt là phi công, xuất phát từ thực tế vừa qua có nhiều phi công của VNA báo ốm, xin nghỉ việc cùng lúc, rồi sau đó chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác, ảnh hưởng an toàn bay và môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Theo vị này, nhân viên hàng không trình độ cao là một dạng lao động đặc thù.

Đào tạo được một phi công là không đơn giản, trong khi thị trường hàng không VN đang phát triển rất mạnh, điều này có thể dẫn tới tình trạng các hãng này tìm cách lôi kéo nhân viên hàng không trình độ cao của hãng khác. 

LÊ NAM

Cái lý của VNA đưa ra là các hãng hàng không trong nước đều lập kế hoạch khai thác, kinh doanh và lịch bay mùa theo chu kỳ sáu tháng, trong đó có cả nội dung về nguồn lực lao động.

“Hiện nay nguồn lực phi công trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu khai thác bay của VNA. Việc các phi công của VNA xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNA và đặc biệt ảnh hưởng đến sự an toàn trong hoạt động khai thác bay” – tổng giám đốc VNA bày tỏ.

Theo ông Minh, với phi công được tuyển dụng đào tạo từ đầu, để trở thành lái phụ sẽ cần ít nhất ba năm, cần thêm năm năm để trở thành lái chính và cần thêm 3-5 năm nữa mới được lái chuyên cơ.

Việc tìm kiếm một phi công thương mại để thuê bổ sung cần thời gian ít nhất bốn tháng. Sau đó các phi công cần 2-3 tháng làm quen quy trình, tài liệu của nhà khai thác, các đường băng, sân bay mới.

“Quy định thông báo tối thiểu 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng cũng đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các hãng hàng không. Tránh tình trạng một hãng hàng không bằng nhiều phương thức thu hút nguồn lực phi công của hãng khác, gây xáo trộn tâm lý người lao động, ảnh hưởng đến sự an toàn trong khai thác bay” – tổng giám đốc VNA nói.

VietJet Air: trái quy định của Bộ luật lao động

Trong văn bản do giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh gửi Bộ GTVT, VietJet Air (VJA) khẳng định như vậy. VJA cho rằng chế định về hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động không quy định về khái niệm nhân viên trình độ cao và các quy định riêng biệt dành cho đối tượng này.

Dự thảo thông tư bổ sung quy định nêu trên là phân biệt đối xử, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong việc tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc, vi phạm quy định của Bộ luật lao động về giao kết hợp đồng lao động, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo ông Khánh, việc quy định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các văn bản dưới luật phải thống nhất và phù hợp với quy định của Bộ luật lao động.

Điều 37 của Bộ luật lao động năm 2012 quy định người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn báo trước ít nhất là 30 ngày, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì thời hạn báo trước ít nhất là 45 ngày.

Ông Khánh cũng cho biết Bộ luật lao động quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định, không vi phạm thời hạn báo trước thì không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Khác với quan điểm của ông Khánh, bà Trịnh Thị Hằng Nga – vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) – cho biết phải hiểu các quy định của Bộ luật lao động về thời hạn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng là thời hạn thông báo ít nhất, tối thiểu, không quy định thời hạn tối đa.

Còn về Luật hàng không thì điều 70 có quy định bộ trưởng Bộ GTVT quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức trên 30 hay 45 ngày, mức nào thì sẽ xem xét trên từng khía cạnh cụ thể.

* Luật sư TRẦN MINH HẢI (Đoàn luật sư TP Hà Nội): 

Thông tư không thể sửa luật

Quan hệ giữa phi công và các hãng hàng không về bản chất là quan hệ của người lao động nên phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật lao động.

Ví dụ như người lao động có quyền chọn nơi có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc thoải mái hơn. Bộ luật lao động quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì thời hạn báo trước ít nhất là 30 ngày, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì thời hạn báo trước ít nhất là 45 ngày.

Luật quy định như vậy nhưng dự thảo thông tư của Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định phải báo trước 180 ngày là không phù hợp vì thông tư không thể sửa luật.

Tuy nhiên, Bộ luật lao động có quy định về hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng có quy định về chi phí đào tạo, thời gian làm việc, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo, trách nhiệm của các bên nếu không thực hiện cam kết…

Các hãng hàng không hoàn toàn có thể áp dụng với các phi công nếu có thỏa thuận rõ.

TÂM LỤA ghi

Có thể căn cứ theo quy định của luật chuyên ngành

“Bộ luật lao động cũng như Bộ luật dân sự là các đạo luật cơ bản, luật chung, trong đó quy định nhiều vấn đề có tính nguyên tắc hoặc cụ thể. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong trường hợp các luật chuyên ngành có quy định khác so với luật chung thì phải áp dụng quy định của luật chuyên ngành”.

Đó là khẳng định của ông Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.

Liên quan đến nội dung dự thảo thông tư của Bộ Giao thông vận tải, ông Minh nói chưa thể khẳng định đúng hay sai bởi ông chưa nghiên cứu nội dung cụ thể.

Trong trường hợp Luật hàng không dân dụng giao quyền cho bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được quy định chi tiết hơn nữa thì bộ này có quyền ban hành thông tư hướng dẫn.

Tuy vậy việc quy định như thế nào trong thông tư thì phải tuân theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản, đặc biệt là phải có ý kiến của các cơ quan hữu quan, chẳng hạn như Bộ Lao động – thương binh và xã hội. 

L.K. ghi

TUẤN PHÙNG