Người bệnh bị ép làm thẻ ATM: ‘Họ tài trợ thì chúng tôi cho vào’
Đó là trả lời của ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khi được hỏi vì sao việc thanh toán viện phí trực tuyến bắt buộc tại phòng khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện này chỉ sử dụng duy nhất tài khoản thẻ của Ngân hàng VietinBank.
Người bệnh bị ép làm thẻ ATM: ‘Họ tài trợ thì chúng tôi cho vào’
Đó là trả lời của ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khi được hỏi vì sao việc thanh toán viện phí trực tuyến bắt buộc tại phòng khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện này chỉ sử dụng duy nhất tài khoản thẻ của Ngân hàng VietinBank.
Bệnh nhân khám theo yêu cầu tại Khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai phải làm thẻ ATM
của Ngân hàng VietinBank thì mới được khám – Ảnh: Thái Sơn |
Ông Hiền nói: “Hiện nay tại các điểm thu tiền của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đều có các máy chấp nhận thẻ (POS) của tất cả các ngân hàng, kể cả các ki ốt trong BV cũng cho đặt. Nhưng vấn đề là các ngân hàng phải đến đây làm việc và phải có sự kết nối với phần mềm khám chữa bệnh thì mới làm được như ở phòng khám bệnh theo yêu cầu (thanh toán trực tuyến – PV). Chúng tôi không cần kêu gọi, ai cần thì họ phải tự đến. Cứ có giấy giới thiệu thì Ban giám đốc BV sẽ làm việc và tạo điều kiện cho họ và bao giờ cũng phải tài trợ.
Chẳng hạn, Ngân hàng VietinBank cam kết tài trợ cho BV mỗi năm 3 tỉ đồng bao gồm máy thở, xe cứu thương, máy thận nhân tạo… Tất nhiên cái đó không phải là điều kiện tiên quyết, nhưng họ tài trợ thì chúng tôi cho vào”.
Đây là hành vi bán thẻ, cưỡng bức người bệnh
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia ngân hàng đề nghị giấu tên phân tích: “Có thể VietinBank đã ký độc quyền với BV Bạch Mai, sau đó lợi dụng việc này để phát hành thẻ. Đây là sự ép buộc sử dụng dịch vụ độc quyền của VietinBank.
Lẽ ra anh phải khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng mình sẽ được giảm 10% tiền khám chẳng hạn, đằng này bắt buộc người bệnh làm thẻ nạp tiền là không phù hợp, nhất là với một ngành mang tính nhân đạo như ngành y. BV Bạch Mai cũng không nên làm như vậy. Nhiệm vụ của ngành y là dấn thân, cứu người, áp kinh doanh vào đấy là không phù hợp”.
Luật sư (LS) Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội – nguyên Trưởng ban Pháp luật và Phát triển nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng VN – thường trực Hội Thanh toán thẻ VN, cũng cho rằng việc ngân hàng “bắt tay” với BV trong trường hợp này không chỉ là hành động bất thường mà là hành vi bắt ép người dân bởi khi người dân thanh toán viện phí xong trong tài khoản ATM vẫn còn 1.000, 10.000, thậm chí hàng chục nghìn đồng. Do không rút được ở máy ATM, tâm lý ngại đến ngân hàng nên người dân có thể bỏ qua. Một người, hai người không sao nhưng đến hàng trăm người, hàng ngàn người bệnh thì đó là dấu hiệu bất thường.
Đáng lưu ý, LS Triển đánh giá việc BV sẽ sử dụng thẻ để tích hợp thông tin bệnh nhân là sự vi phạm nghiêm trọng bộ luật Dân sự về bí mật đời tư của công dân, liên quan đến cả sức khỏe và bệnh tật của công dân và vi phạm luật Khám chữa bệnh. “Bệnh án của một công dân chỉ được cung cấp khi và chỉ khi có yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật và của chính họ. Nếu qua hệ thống ngân hàng thì ngân hàng cũng có thể lấy được thông tin của người bệnh đó cũng là sự bất bình thường. Lý giải của lãnh đạo BV Bạch Mai là không hợp lý, cần phải ngăn chặn ngay”, ông Triển nói.
“Ngân hàng Nhà nước phải có ý kiến, có biện pháp yêu cầu VietinBank chấm dứt ép buộc người bệnh làm thẻ ATM. Thanh tra Bộ Y tế cũng phải yêu cầu BV Bạch Mai không được áp đặt người bệnh bằng phương thức như vậy”, ông Triển nhấn mạnh.
Phải để người bệnh lựa chọn
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các BV cần cải cách thủ tục hành chính trong mọi khâu liên quan đến khám chữa bệnh: lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, nộp viện phí, thủ tục nhập viện, ra viện để giảm phiền hà, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, minh bạch trong khám chữa bệnh, minh bạch về giá dịch vụ. Mọi cải cách phải đảm bảo công bằng với người bệnh khi tiếp cận các dịch vụ tại BV công; phải lấy quyền lợi, thuận lợi của người bệnh là trên hết.
“Về sự việc ép người bệnh dùng thẻ ATM như Thanh Niên nêu, tôi cho rằng BV cần rút kinh nghiệm, có hướng dẫn đầy đủ để người bệnh lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp, bởi vì với người chưa từng sử dụng thẻ thì có thể sẽ thấy lúng túng, trong khi BV vẫn có những khu vực khám dành cho thanh toán bằng tiền mặt và một số điểm thu viện phí có chấp nhận thanh toán bằng thẻ của các ngân hàng khác. Qua sự việc này, BV cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị để thuận lợi cho các khách hàng sử dụng thẻ từ các ngân hàng khác nhau”, ông Khoa nói.
LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ pháp chế – Hiệp hội Ngân hàng VN cho rằng: “Buộc phải dùng một dịch vụ độc quyền là không công bằng, sòng phẳng với khách hàng. Cần phải xem lại cách làm của BV Bạch Mai. Người bệnh có thể dùng tiền mặt hoặc dùng thẻ của bất cứ ngân hàng nào. Vì hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đã được kết nối liên thông với nhau, dùng thẻ của ngân hàng này rút được tiền ở ngân hàng khác, không có khó khăn gì cả”.
Anh Vũ
|
Thanh Niên