10/01/2025

Dân núi Cấm kêu khó

4.000 người dân sinh sống ở khu vực núi Cấm đang lâm vào thế khó khi người thân của họ đến thăm bị buộc mua vé tham quan, người tại chỗ cũng bị chặn hỏi giấy tờ…

 

Dân núi Cấm kêu khó

 

4.000 người dân sinh sống ở khu vực núi Cấm đang lâm vào thế khó khi người thân của họ đến thăm bị buộc mua vé tham quan, người tại chỗ cũng bị chặn hỏi giấy tờ…

 

 

Cổng tham quan, điểm bán vé nằm ngoài khu dân cư – dịch vụ du lịch núi Cấm nên nhiều người đến đây thăm thân nhân vẫn bị yêu cầu mua vé – Ảnh: Tấn Đức
Sắp tới tôi sẽ kiểm tra. Nếu những phản ánh của người dân là đúng tôi sẽ chỉ đạo khắc phục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân trong mọi hoạt động
Ông Hồ Việt Hiệp (phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Tiếp nhận phản ảnh của người dân, ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng KDLNC nằm trên địa bàn dân cư (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) nên khó tránh khỏi những bất cập trong phát triển du lịch với việc ổn định cuộc sống của người dân.

Khó như… lên núi Cấm

Ông Ba Liên (78 tuổi) ở ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, kể nhà ông ở khu dân cư dưới chân núi Cấm. Vừa qua, bốn người cháu của ông từ TP.HCM về dự đám giỗ ở nhà ông, khi qua cổng tham quan đều bị bắt phải mua vé. Mấy người cháu ông giải thích họ vào nhà người thân dự đám giỗ chứ không phải đi du lịch, rồi gọi điện thoại kêu vợ chồng ông ra bảo lãnh mà nhân viên khu du lịch vẫn kiên quyết không cho vào. Không muốn cự cãi mất thời gian, mấy người cháu ông đành bỏ ra 80.000 đồng mua bốn vé cho xong…

“Giấy phép con” lên núi

Đầu tháng 11-2014, người dân sinh sống trên núi Cấm được yêu cầu làm các thủ tục để được ban quản lý KDLNC cấp phép đăng ký lưu hành xe máy lên núi. Theo phản ảnh của nhiều người dân, giấy phép lưu hành xe máy lên núi chỉ cấp cho chính chủ, tức là người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe. Ở mặt sau của giấy phép này còn ghi rõ các yêu cầu: “Xuất trình giấy phép mỗi khi qua cổng; không cho người khác mượn…”.

Ông N.V.L. – nguyên trưởng ban ấp ở núi Cấm, người kiên quyết phản đối chủ trương cấp giấy phép cho xe máy lên núi – nói: “Bằng những ràng buộc “giấy trắng mực đen” như thế này, rõ ràng ban quản lý KDLNC đã đặt dân vào thế kẹt. Nhà tôi năm người có một chiếc xe, được cấp phép lưu hành cho một người, vậy những người còn lại lấy gì mà chạy?”.

Còn chị Võ Thị Thủy, con ông Võ Văn Vệ, một người dân ngụ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, bức xúc kể: “Vừa qua ba tui bệnh, hai người bà con ở Tân Châu (An Giang) chạy xe máy sang thăm. Khi tới cổng tham quan, dù họ đã giải thích là đến nhà bà con nhưng vẫn bị bắt mua vé mới cho qua cổng. Lên tới chốt an ninh trật tự số 1, cách nhà ba tôi chừng hơn trăm thước, cả hai tiếp tục bị chặn lại yêu cầu phải đi xe ôm hoặc xe khách của khu du lịch chứ không được đi xe cá nhân hoặc đi bộ. Bực mình, họ quay về luôn”.

Ông Lê Đình Bàn, một người dân sống trên núi Cấm, kể không chỉ thân nhân ở xa tới thăm, ngay cả người có hộ khẩu trên núi như ông cũng từng bị nhân viên khu du lịch “chất vấn” lai lịch mới cho lên.

Gian nan đưa vật liệu lên núi sửa nhà

Ông Nguyễn Văn Lợi, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, có căn nhà mái lợp tôn đã dột, chân cột gỗ mục sắp gãy. Ông Lợi làm đơn xin sửa chữa nhà kèm theo những giấy tờ cần thiết theo yêu cầu, gửi chính quyền địa phương. Sau gần một năm chờ đợi và nhiều lần đi lại từ xã đến huyện, đơn vẫn chưa được giải quyết. Lo nhà sập nguy hiểm, ông Lợi lấy điện thoại di động chụp lại hiện trạng của căn nhà rồi làm liều sửa chữa chui.

Để có tôn lợp nhà, ông Lợi đi năn nỉ lái xe chở vật liệu xây dựng cho một số công trình xây dựng của Nhà nước đầu tư trên núi, nhờ họ chở giùm, còn ximăng thì thuê người vác đi đường rừng lên núi vào đêm tối với tiền công 120.000 đồng/bao. Vật liệu xây dựng “tha” dần lên núi bằng cách ấy nên căn nhà sửa mãi vẫn chưa xong…

Việc sửa nhà gặp khó khăn ngay cả với những người sinh sống trong khu dân cư trên núi do tỉnh quy hoạch, như trường hợp ông Trịnh Văn Mót. Qua gần một năm gửi đơn từ xã tới huyện, kèm theo những giấy tờ cần thiết, ông Mót vẫn chưa lót được gạch bông thay thế nền xi măng đã xuống cấp cho căn nhà mấy chục mét vuông.

Còn vợ chồng ông Bình, chủ cửa hiệu sửa chữa điện tử ngay trong khu dân cư, hơn năm qua cứ nơm nớp lo căn nhà đã xiêu vẹo hẳn về một bên sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Bình ngao ngán khi chúng tôi tìm tới hỏi thăm: “Làm đơn nhiều lần rồi, chờ đợi mãi vẫn chưa biết khi nào mới được chở vật liệu lên núi để sửa lại nhà”.

Người dân ở núi Cấm cho rằng có tình trạng kiểm soát gắt gao như hiện nay là do “chính sách” tận thu của ban quản lý KDLNC. Theo nhiều hộ dân, từ năm 2007 tỉnh An Giang đã đầu tư làm đường nhựa từ chân núi lên đến chùa Vạn Linh, dài khoảng 10km. Người dân và khách hành hương chưa hết vui mừng vì từ nay đã có thể lên xuống núi tiện lợi thì ban quản lý KDLNC lúc ấy là Công ty cổ phần Du lịch An Giang đặt cổng tham quan, cũng là nơi bán và kiểm soát vé, ngay trên con đường độc đạo lên núi, cách tỉnh lộ 948 chỉ chừng trăm mét.

Chấn chỉnh việc thu phí cho hợp lý

Về việc người dân phản ảnh người thân của họ đến thăm muốn lên núi Cấm phải mua vé tham quan, ông Phạm Văn Dũng, giám đốc ban quản lý KDLNC, cho rằng vì đây là khu du lịch nên ai qua cổng nhân viên khu du lịch phải kiểm tra, ai không có vé thì phải hỏi. Nếu đúng là người dân trên núi thì cho lên bình thường. Trả lời câu hỏi làm sao phân biệt được người sống trên núi cũng như người thân của họ đến thăm và khách tham quan để cho lên núi hay bắt phải mua vé, ông Dũng nói: “Cán bộ của tôi ở đây rất nhiều, nếu xác nhận người đó ở trên núi thì cho lên. Thực tế có rất nhiều người lợi dụng nói có bà con ở trên núi nhưng không có gì hết, chỉ trốn vé thôi…”.

Còn việc cấp phép lưu hành cho xe máy lên núi Cấm, ông Dũng cho rằng làm theo quyết định của UBND huyện Tịnh Biên. Tuy nhiên, khác với phản ảnh của người dân, ông Dũng nói mặc dù cấp phép cho một người nhưng những người khác trong gia đình đều được chạy xe này với điều kiện có giấy phép kèm theo.

Liên quan đến việc người dân kêu khó đưa vật liệu lên núi để sửa nhà, ông Dũng cho rằng hiện trên núi nạn xây dựng trái phép diễn ra rất dữ, địa phương đang chuẩn bị cưỡng chế rất nhiều nên phải quản lý xây dựng thật chặt. Theo ông Dũng, nếu người dân thật sự muốn xây dựng thì phải làm đơn xin phép địa phương theo quy định.

Tiếp nhận phản ảnh của người dân trên núi Cấm, ông Nguyễn Văn Lên, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh An Giang, hứa sẽ làm việc lại với ban quản lý KDLNC để bố trí trạm thu phí cho hợp lý và chỉ thu phí của khách tham quan, còn người tại chỗ, người thân của họ tới thăm hoặc khách vào khu dịch vụ thì không thu.

 

TẤN ĐỨC