27/11/2024

Bạo lực học đường: bắt đầu từ người lớn?

Câu chuyện “Không nghe lời lớp trưởng: Nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man” (Tuổi Trẻ ngày 11-3) đã thu hút gần 500 ý kiến phản hồi của bạn đọc…

 

Bạo lực học đường: bắt đầu từ người lớn?

 

Câu chuyện “Không nghe lời lớp trưởng: Nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man” (Tuổi Trẻ ngày 11-3) đã thu hút gần 500 ý kiến phản hồi của bạn đọc…

 

 


 

 

Nhóm học sinh dùng ghế đánh em P. khi P. bị dồn vào góc tường – Ảnh cắt từ video clip

Các ý kiến phản hồi, nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân của tình trạng này. Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến.

Nỗi lo thói hung hãn

Tôi gần như hoang mang khi xem clip đánh hội đồng một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, ngôi trường mà tôi từng học và có nhiều kỷ niệm đẹp!

Chưa đầy 10 năm, thế hệ học sinh chúng tôi ngày ấy ngoan hiền lắm, dù là “cá biệt” cũng chỉ “lời qua tiếng lại” chứ làm gì có chuyện “động tay động chân”! Vậy mà giờ đây nhìn mấy em học sinh lớp 7 trong clip chẳng khác gì mấy tay anh chị giang hồ!

Hành động sai trái của các em là quá rõ, nhưng có lẽ cái sai đáng lo hơn chính là cái sai trong nhận thức, quan điểm, lối sống… Hình ảnh trên video clip cho thấy rõ tính chất bạo hành thật hung hãn, dữ dằn… Những cái tát thật mạnh, những cú phang bằng ghế nhựa không thương tiếc và phang cả một chồng ghế lên bạn mình. Thử hỏi nếu trong không gian đó có những thứ “vũ khí” nguy hiểm hơn thì sự việc sẽ ra sao?

Tuy chuyện học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng không hiếm nhưng đây là trường hợp khá đặc biệt: đánh nhau tại lớp học trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong và ngoài lớp. Nó thể hiện sự ngang tàng xem thường môi trường giáo dục, kỷ luật, nội quy nhà trường, nếu không muốn nói là… xem thường pháp luật! Không chỉ có cái sai của người đánh mà cần nhìn nhận và lên án cả cái sai của “những kẻ đứng nhìn”, các em vô tình hay cố ý đã “bán rẻ” nhân cách, ý thức cộng đồng của mình. Chuyện đánh đấm rồi cũng được giải quyết, nhưng còn ý thức cộng đồng bị thui chột kia liệu có “lớn lên” cùng các em và đi vào cuộc sống?

Có phải “Thói hung hãn lên ngôi?” (tên một diễn đàn mà Tuổi Trẻ vừa thực hiện) hay giá trị đạo đức suy đồi dẫn đến những hình ảnh đau lòng đó? Vì sao và trách nhiệm thuộc về ai?

Khi sự việc xảy ra, tôi gọi điện cho cô em họ đang học lớp 11, cách đây mấy năm từng là học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, thăm hỏi. Em nói: “Thời em học đã có nhiều vụ đánh nhau, đa số vụ việc rơi vào im lặng. Có bạn bị đánh gửi đơn thưa đến nhà trường, kết quả là… bị đánh thêm lần nữa!”. Em kể có cô giáo còn khuyên các bạn nữ nếu có bị hành hung thì cách tốt nhất là… chạy và… đừng nói gì thêm, vì càng nói là càng no đòn. Nếu thật vậy thì quả là đáng lo lắng!

Đọc các ý kiến trên diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”, tôi đồng ý với quan điểm về vai trò giáo dục của gia đình. Một gia đình có truyền thống giáo dục tốt, một phụ huynh biết quan tâm tới con em thì không thể có “những thành phần cá biệt, bất hảo”.

Cà phê sáng nay lại vô tình nghe bàn bên cạnh bàn chuyện nữ sinh bị đánh ở Trà Vinh. Một chú hùng hổ bảo rằng: “Con tôi mà bị đánh như vậy thì… tôi tới nhà từng đứa “giải quyết đẹp”, không cần công an, chính quyền gì ráo, nếu cần xử cả cha mẹ nó luôn vì không biết dạy con!”. Tôi nghe mà rụng rời, chán ngán… Liệu đó có phải là “bài học” cho đám trẻ “noi theo”, có phải là tiền đề của thói hung hãn?

TRIỆU NGỌC DIỆP (sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM)

Bắt đầu từ gia đình?

Đọc bài “Nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man”, tôi thật sự bức xúc. Bạo lực học đường đã kinh khủng đến thế rồi ư? Vùng đất Trà Vinh hiền lành, nhân hậu mà tôi biết, bạo lực học đường cũng không tha sao? Từ khi đến trường các cháu đã được thầy cô dạy phải yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè… Tất cả ứng xử các em được học đều là hòa nhã, vị tha… Vậy sao bạo lực học đường vẫn ngày càng tăng?

Cách đây vài năm, K. – học sinh lớp tôi – có dáng người nhỏ nhắn, học tốt, thế nhưng điều làm tôi băn khoăn nhất là cháu thường gây gổ, đánh nhau với bạn bè trong lớp và cả lớp khác. Nhiều lần đến trường, mặt cháu có nhiều vết trầy hoặc bầm, tôi hỏi thì cháu thường trả lời là đùa giỡn té hay làm thinh, cúi đầu. Một lần, tôi được học sinh trong lớp báo K. đi học mang theo một ống sắt để ra về đánh nhau với các bạn lớp khác.

Tôi kiểm tra, tìm hiểu thì em thừa nhận đem theo để ra về đánh nhau. Tôi liền mời phụ huynh của K. đến. Người đàn ông đến xưng là ba của K. vừa nghe tôi trình bày xong đã quay sang K. chửi xối xả và hăm: “Về nhà biết tay tao!”. Ba của K. còn cho biết K. rất lì lợm. Ở nhà ông thường đánh cháu bằng dây thắt lưng.

Vết bầm trên mắt K. sáng nay là do ông mới tát cháu tối qua và làm cháu té vào cạnh bàn. Ba của K. đề nghị tôi đánh cháu nhiều, cháu mới nghe lời. Tôi chỉ biết khuyên ông ấy đừng dùng bạo lực với con mình nữa. Suốt một năm học đó, tôi đã dùng nhiều biện pháp để giảm bớt sự hung hăng của K.. Sau này khi hỏi thăm về K., tôi được biết cháu đã bị trường THCS đuổi học vì đánh bạn nhiều lần gây thương tích.

Nhiều vụ đánh nhau đã xảy ra trong trường và ngoài cổng trường của thanh thiếu niên làm cả xã hội lo lắng. Với một người làm trong ngành giáo dục như tôi, tôi nghĩ phải chăng bạo lực đã bắt đầu từ gia đình, từ chính người thân của các cháu. Bạo lực sẽ giảm, thói hung hãn sẽ không lên ngôi nếu mọi phụ huynh đều có ý thức giáo dục con em mình bằng lòng yêu thương và hướng dẫn các cháu xử lý, giải quyết các tình huống trong cuộc sống một cách ôn hoà độ lượng.

LÊ PHƯƠNG TRÍ

Bạn đọc sốc, đau lòng…

Tính đến 16g ngày 11-3, đã có 489 ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ, sốc, rùng mình, đau lòng… với câu chuyện “Nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man”.

Bạn đọc Tạ Trường Minh viết: “Từng là một học sinh, giờ là cha mẹ, tôi thật sự sốc và rùng mình trước những pha đòn và sự máu lạnh của những học sinh trong clip. Nó quá dã man và kinh hãi. Ai đã dạy những học sinh này đối xử với bạn bè và người thân theo cái cách như vậy? Cơ quan, ban ngành, cá nhân nào có trách nhiệm đây?”. Bạn đọc Hoàng Tuyết cũng bày tỏ: “Bạo lực học đường bây giờ kinh khủng quá, mới học lớp 7 thôi! Thế này thì phụ huynh như chúng tôi làm sao yên tâm được?

Cha mẹ vì mưu sinh mà gửi gắm con cho các thầy cô giáo ở trường, vậy mà khi con bị nhiều bạn bạo hành tàn nhẫn, thầy cô không hay biết. Clip tung lên mạng xã hội mới xót xa cho con vì bị đánh đập, nhưng chắc chắn sự bạo hành về tinh thần con đã và đang phải chịu mỗi khi đến trường còn khiến con tổn thương hơn rất nhiều. Thật đau lòng”.

Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi vì sao nhà trường không kiểm soát được tình trạng này? Vì sao các em đánh bạn thời gian dài rồi tung clip lên mạng nhà trường mới biết? Hiệu quả của việc giáo dục lòng yêu thương ở nhà trường ra sao mà lại xảy ra cảnh bạo lực này?…

Bạn đọc Lê Kiến băn khoăn: “Đội cờ đỏ, sao đỏ là tai mắt của nhà trường mà chưa phát huy hết hiệu quả và gần như bị vô hiệu hóa trong trường hợp này. Tôi thấy được thái độ im lặng đáng sợ của các em học sinh chứng kiến mà không báo lại cho giáo viên, nhà trường. Tại sao các em lại im lặng trước cái xấu như vậy?”.

Đi vào giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường, bạn đọc Thuỵ Đỗ đề nghị: “Cần bớt những giờ học lý thuyết, tổ chức học và làm công tác xã hội, từ thiện để học sinh biết đồng cảm, chia sẻ. Phát huy tối đa vai trò của đoàn, đội trong nhà trường mới mong giảm thiểu được những cảnh đau lòng như thế này”.

N.N. tổng hợp