Nghề y phải vì người nghèo
Đa số bệnh nhân khi nhập viện đều đã ở thế đường cùng, cả về tình trạng sức khỏe lẫn điều kiện kinh tế. Làm nghề y, do vậy, phải luôn trăn trở và hướng tới số đông này.
Nghề y phải vì người nghèo
Đa số bệnh nhân khi nhập viện đều đã ở thế đường cùng, cả về tình trạng sức khỏe lẫn điều kiện kinh tế. Làm nghề y, do vậy, phải luôn trăn trở và hướng tới số đông này.
BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) – hướng dẫn đồng nghiệp trẻ thăm bệnh – Ảnh: Hữu Khoa |
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) – mở đầu câu chuyện như vậy về ngành y nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc VN.
Nghề y là học suốt đời, học cho sự lo lắng, sợ sệt trong công việc. Sợ bệnh nhân chết: học, sợ còn gì đó chưa làm được cho bệnh nhân: học, sợ bệnh nhân tốn tiền: học… |
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH |
Đây có thể là dịp hiếm hoi vị bác sĩ chuyên về nhi này lên tiếng về vấn đề y đức và kinh tế bệnh viện, khác với sự xuất hiện chóng mặt của ông trên đủ loại hình truyền thông mỗi khi có chuyện xảy ra với bệnh tay chân miệng, sởi, lao, HIV/AIDS, rubella…
Không thể tận thu mà bất chấp tất cả
* “Thế đường cùng”, ông có thể giải thích cụ thể hơn về điều này?
– Bệnh viện là nơi người ta không muốn đến nhưng sẽ phải đến (ngoại trừ đi sinh con). Tất cả bệnh nhân, đặc biệt là bệnh cấp tính hay bệnh nan y, đều không hề biết trước, họ không hề chuẩn bị gì và đương nhiên là không muốn. Ngành y không thể dựa vào chuyện này để kiếm tiền.
Dẫu biết thu nhập của nhân viên y tế còn thấp, bác sĩ chưa được trả lương hợp lý, nhà quản lý phải kiếm đủ nguồn thu để giữ chân nhân viên, nhưng quan trọng nhất là tính nhân văn của ngành, không thể “vẽ chuyện”, không thể giải thích theo hướng tăng thu nhập cho mình, không thể tận thu mà bất chấp tất cả. Còn không, những người muốn kiếm tiền thì tốt nhất là đi ngành thẩm mỹ.
* Tại sao phải là bác sĩ thẩm mỹ mới có tiền, thưa ông?
– Khách hàng của ngành thẩm mỹ được quyền chọn lựa và chủ động. Họ biết trước nhu cầu của bản thân và đã chuẩn bị sẵn khả năng chi trả. Còn những người bệnh khác, nhất là người nghèo, không hề có quyền chọn lựa, hoàn toàn thụ động, chỉ biết dựa vào ngành y tế và y tế công phải lo chuyện này.
* Vậy cần phải giải bài toán kinh tế bệnh viện ra sao? Ngoài ngân sách, bệnh viện cũng cần có nguồn thu, bác sĩ cũng cần phải sống…
– Có thể tăng thu nhập cho nhân viên bằng cách tiết kiệm, tránh thất thoát, làm ngoài giờ, làm dịch vụ trong chừng mực có thể vừa phục vụ vừa tăng thu nhập. Ngoài ra, những bác sĩ giỏi cũng có thể kiếm tiền, thậm chí kiếm được nhiều tiền, nhờ tài năng và công sức của mình.
Tuy nhiên, không thể vì tăng thu nhập mà chỉ định xét nghiệm nhiều hơn, chỉ định mổ sớm hơn! Phải tìm hiểu bệnh nhân có khả năng chi trả không, không thể ép bệnh nhân thực hiện dịch vụ để tăng thu nhập.
Làm bài toán gì ở bệnh viện thì cũng phải hướng đến bệnh nhân và người giải toán phải có tâm. Kiếm tiền từ dịch vụ y tế không quá khó, nhưng tăng thu nhập không có nghĩa là tăng thu nhập tối đa, say sưa phát triển theo hướng tăng thu nhập bất chấp tất cả.
Bệnh viện phải tính bài toán thu nhập cho anh em nhưng nhất thiết không được làm những chuyện “quá đáng” trên sức khỏe người bệnh.
BS Trương Hữu Khanh - Ảnh: Hữu Khoa |
Về chuyên môn, bác sĩ VN làm được hết
* Người có điều kiện luôn mong muốn có được dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất, giải quyết chuyện này ra sao, thưa bác sĩ?
– Ai cũng có nhu cầu được hưởng “dịch vụ tốt nhất” chứ không phải chỉ người có điều kiện. “Dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất” chỉ nên thực hiện theo hướng tiện nghi, thuận tiện. Còn chuyên môn hay phương pháp điều trị phải công bằng.
* Bác sĩ bình luận thế nào về tình trạng “chảy máu ngoại tệ” khi ngày càng có nhiều người VN ra nước ngoài chữa bệnh?
– Không trách người dân, khó trách ngành y tế. Nhiều ngành khác cũng vậy (giáo dục, tiêu dùng, dịch vụ). Bản thân tôi thấy buồn vì ngành không tạo đủ niềm tin, không tạo được sự an tâm cho người bệnh.
Thật ra chuyên môn bác sĩ VN gần như làm được hết. Nếu không “gấp”, người bệnh nên tìm hiểu khả năng chuyên môn của ngành y tế VN. Cái cần phát triển thêm chắc chỉ là tiện nghi, sự thuận tiện, tính minh bạch và sự thấu đáo trong tiếp xúc với người bệnh.
* Ông được coi là một trong những người “giữ lửa”, có ảnh hưởng đối với các bác sĩ trẻ trong bệnh viện. Vì sao vậy?
– Thú thật ngoài việc phải đủ kiến thức để chữa bệnh, sự chỉn chu trong chuyên môn, tôi luôn tìm tòi, học hỏi với tâm niệm học là vì các đồng nghiệp trẻ. Ngành y là sự nối tiếp của chuyên môn, kinh nghiệm và đương nhiên là y đức.
Tôi luôn góp ý, truyền kinh nghiệm, giảng dạy, phản biện vì chuyện chung, đồng thời lắng nghe, dân chủ (bàn cãi thoải mái) và giải thích thấu đáo, không bảo thủ, hiếm khi áp đặt, sẵn sàng học từ những đồng nghiệp trẻ nếu họ đúng. Đối với cán bộ, nhân viên trong khoa tôi để họ tự đi và đứng ngay sau lưng kéo lại khi họ sắp sai.
Phòng mạch 15.000 đồng “Giá” mỗi lần khám bệnh kèm theo thuốc tại phòng mạch của bác sĩ Trương Hữu Khanh (ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) là… 15.000 đồng và được duy trì hàng chục năm nay. Mỗi tuần hai buổi chiều, hàng trăm bệnh nhi được phụ huynh mang đến khiến phòng mạch của vị “bác sĩ yêu trẻ” này luôn chật cứng. Bác sĩ Khanh chia sẻ ông không thể lấy nhiều hơn vì sự nghèo khó của bệnh nhân vùng xa. Thêm nữa, ông không phải lo nghĩ nhiều về chuyện cơm áo gạo tiền cũng như nhu cầu bản thân không cao, lấy vậy là đủ. Việc nghỉ làm phòng mạch (đầu năm 2015) sau 25 năm là quyết định khó nhưng cuối cùng ông phải làm vì sức khỏe, tuổi tác, phải đi xa và muốn dành thời gian để học thêm một số thứ. Ông nói: “Có người “tư vấn” nên nghỉ bệnh viện, chỉ làm phòng mạch thôi, với tôi thì không được. Cũng có người khuyên lấy giá cao người bệnh sẽ đi đến phòng khám khác, chỉ khám mỗi ngày bao nhiêu bệnh nhi thôi, từ chối bớt. Hai cách này với tôi càng không thể”. |