27/11/2024

Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học

Thông tư 47 của Bộ GD-ĐT quy định từ 25.3.2015 giảng viên ĐH phải dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học. Điều tưởng chừng bình thường này lại nhận được không ít lo ngại từ phía giảng viên dù ai cũng thấy đây là việc phải làm.

 

Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học

 


Thông tư 47 của Bộ GD-ĐT quy định từ 25.3.2015 giảng viên ĐH phải dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học. Điều tưởng chừng bình thường này lại nhận được không ít lo ngại từ phía giảng viên dù ai cũng thấy đây là việc phải làm.

 

 

 Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng góp phần tăng chất lượng giảng dạy của GV  Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng góp phần tăng chất lượng giảng dạy của GV – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thông tư nêu rõ, thời gian làm việc của giảng viên (GV) thực hiện theo chế độ mỗi tuần 40 giờ và được xác định theo năm học. Theo đó, tổng quỹ thời gian làm việc của GV trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác là 1.760 giờ, sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Cụ thể, GV phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Mỗi năm, GV phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm. Kết quả nghiên cứu khoa học của GV được đánh giá thông qua các sản phẩm nghiên cứu cụ thể. Tối thiểu là một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở hoặc tương đương nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên hoặc một bài báo công bố trên tạp chí khoa học có phản biện hay một báo cáo tại hội thảo khoa học chuyên ngành.

 
 
Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học - ảnh 2

Thời gian 30% hay thậm chí 50% không quan trọng bằng việc GV có đủ điều kiện và môi trường để nghiên cứu hay không?

Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học - ảnh 3
 

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa  Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM

 

Mọi người ủng hộ vì biết đây là một trong những giải pháp thúc đẩy chất lượng ĐH. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết đều lo ngại rằng môi trường, điều kiện dành cho công việc này vẫn còn quá nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là chưa kể đến sức ì, thói quen GV chỉ giảng dạy là chính, như vẫn nghĩ lâu nay.

Muốn nghiên cứu, thu nhập phải đủ sống

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhìn nhận: “Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của GV, góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bắt buộc GV phải dành nhiều thời gian cho công việc này. Tuy nhiên, thời gian 30% hay thậm chí 50% không quan trọng bằng việc GV có đủ điều kiện và môi trường để nghiên cứu hay không?”.

Điều kiện mà tiến sĩ Khoa muốn nhấn mạnh ở đây là thu nhập. “GV phải an tâm với cuộc sống của mình, không phải lo cơm áo gạo tiền, lúc đó mới chuyên tâm thời gian và công sức để nghiên cứu. Có không ít GV phải chạy sô đi dạy thêm ở nhiều trường, rồi đi làm thêm ở bên ngoài để kiếm sống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy ở trường, mà còn đến thời gian dành cho nghiên cứu khoa học”, tiến sĩ Khoa cho hay. Vì thế, theo ông, nếu làm theo quy định này sẽ có nhiều thầy cô phải bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học. Và đây là một khó khăn không nhỏ đối với cuộc sống của GV.

Nói về điều kiện và môi trường cho công tác nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng băn khoăn: “Khó khăn của GV là không đủ điều kiện. Trước hết là chuyện cơm áo. Sau đó là chuyện kinh phí. Thu nhập thấp, GV không thể tự bỏ kinh phí ra nghiên cứu khoa học. Trong khi nguồn tài chính dành cho công tác này của một số trường không cao”. Tiến sĩ Quang thông tin thêm, nhiều cán bộ GV trẻ rất muốn nghiên cứu nhưng khó cạnh tranh để có được đề tài chất lượng. Bên cạnh đó, có những đề tài tốt nhưng kinh phí hạn chế nên đề tài bị thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng.

Chủ động tìm hướng đi

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thành lập Viện Nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ kinh phí, pháp lý cho GV nghiên cứu khoa học. Mỗi năm GV có thể đăng ký đề tài 2 lần và nguồn kinh phí dành cho mỗi cấp độ khác nhau. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Trường đấu thầu khá nhiều đề tài của các cơ quan ban ngành và kêu gọi các GV tham gia”.

GV một trường ĐH tại TP.HCM cho biết với những thầy cô lớn tuổi lâu rồi không tham gia nghiên cứu, bây giờ phải quay lại thì sẽ gặp khó khăn không nhỏ. Trong khi đó, cũng có không ít GV lâu nay tư duy theo lối mòn, cứ lên lớp dạy xong là về chứ không chịu tìm tòi, khảo sát để thực hiện một công trình nghiên cứu nào. Những tiết dạy sẽ thiếu hẳn sự sinh động, thuyết phục nếu như GV không tham gia những đề tài liên quan đến nội dung giảng dạy của mình. GV này cho rằng, thu nhập thấp là một rào cản lớn để có thể dành ra 1/3 thời gian cho nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, để làm được điều này đòi hỏi GV phải năng động hơn nữa chứ không nên chỉ thụ động ngồi chờ kinh phí hoặc thấy khó quá thì bỏ.

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Tiến Khoa đề cập đến mô hình nhóm nghiên cứu. “Ở nước ngoài, GV nghiên cứu theo nhóm chứ không độc lập như tại VN. Để thực hiện một đề tài, có người dành toàn bộ thời gian cho công trình, có người chỉ làm công tác thí nghiệm, người thì chuyên khảo sát, có người chuyên đi tìm kiếm kinh phí. Mỗi người một việc, rất năng động và hiệu quả”, ông Khoa thông tin.

Bằng tiến sĩ nước ngoài, lương hơn 3 triệu đồng/tháng

 Năm 2014, tốt nghiệp tiến sĩ ở châu Âu, GV T. quay trở về Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu. Tiến sĩ T. được nhận mức lương tính theo học vị với hệ số 3 là 3,05 triệu đồng/tháng. Cộng với khoản phụ cấp 300.000 đồng, mỗi tháng tiến sĩ T. nhận 3,35 triệu đồng lương chính thức.

Tiến sĩ T. chia sẻ thêm, lên lớp trung bình 2 ngày/tuần, thù lao dạy vượt giờ và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trung bình thêm 3 triệu đồng/tháng. “Với 6 triệu đồng/tháng, nguồn thu nhập này chỉ đủ trang trải sinh hoạt cho người độc thân và đã được bố mẹ mua nhà để ở. Dù khập khiễng, nhưng nếu so sánh với mức lương mình nhận được khi làm nghiên cứu sinh ở châu Âu từ 1.100 đến 1.400 euro/tháng thì chênh lệch là quá nhiều”, tiến sĩ T. tâm sự.

Với các GV trẻ ở lại trường sau khi tốt nghiệp ĐH, thu nhập còn thấp hơn. Ngoài ra, GV trẻ chỉ được tham gia trợ giảng mỗi năm một lớp, số thù lao được hưởng theo giờ dạy thực tế cuối năm chỉ khoảng vài triệu đồng. Với thu nhập này, GV trẻ chỉ có thể duy trì công việc khi có sự hỗ trợ chi phí sinh hoạt từ gia đình.

Có ngày, tiến sĩ D. – ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn -phải “chạy” giảng ở 3 trường ĐH. Tiến sĩ D. cho rằng như vậy là quá bình thường vì chỉ như thế thu nhập mới đủ sống bởi lương chính do nhà nước quy định quá ít ỏi.

Lương ông D. theo quy định bậc 3.0, được khoảng 3,4 triệu đồng/tháng với chuẩn giảng dạy tại trường là 200 tiết/năm và 80 tiết nghiên cứu khoa học. Nếu tính cả ưu đãi riêng của trường thì được khoảng 6 triệu đồng. Nếu dạy thêm có tiền vượt giờ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ D., ngành của ông còn có thu nhập tốt nhờ chạy sô dạy thêm ở các trường khác. GV những ngành nghề thuộc khối khoa học cơ bản hầu như không có nơi để dạy thêm. Họ chỉ hưởng lương chính thức tại trường và làm đủ thứ việc khác để có thêm thu nhập.

H.Ánh – Đ.Nguyên

Ý kiến

Không thấm vào đâu

Nếu tiến sĩ mới về trường thì lương khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trường có lương đợt 2 hỗ trợ GV từ thu nhập tăng thêm. Trường mới có chính sách hỗ trợ thêm tiến sĩ 2 triệu đồng/tháng, PGS 3 triệu đồng/tháng. Tuy khá hơn một số trường công lập khác nhưng mức thu nhập này so với cuộc sống hiện nay cũng không thấm vào đâu. Tiến sĩ tại trường cũng phải bắt buộc làm thêm, chủ yếu giảng thêm ở các trường khác.

PGS-TS NguyỄn Văn Ngãi (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

Làm cả việc không liên quan đến chuyên môn

Không ai muốn phải làm thêm hay làm trái nghề, nhưng nếu không như vậy thì không đủ sống. Tại trường, lương thạc sĩ hơn 5 triệu đồng/tháng, tiến sĩ nhiều hơn chút. Trên thực tế ở nhiều trường, không ít GV phải làm thêm những công việc không liên quan đến chuyên môn như bán điện thoại, photocopy…

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)

Khoảng 10 triệu đồng/tháng là sống được

Nếu có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng là GV sống được. Với số tiền này, GV sẽ không phải lo nghĩ nhiều đến việc dạy thêm kiếm sống, có thời gian để chuyên tâm hơn vào việc giảng dạy hiệu quả và nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Hà Hùng Chương (Khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Đ.Nguyên – M.Quyên – H.Ánh (ghi)

Mỹ Quyên