27/11/2024

Toa thuốc và chuyên môn, y đức

Kê toa thuốc là công đoạn cuối cùng trong quy trình khám bệnh. Việc cho toa thuốc có phù hợp với bệnh lý, đem lại an toàn cho người bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân.

 

Toa thuốc và chuyên môn, y đức

 

Kê toa thuốc là công đoạn cuối cùng trong quy trình khám bệnh. Việc cho toa thuốc có phù hợp với bệnh lý, đem lại an toàn cho người bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân: khả năng chuyên môn của bác sĩ; kinh nghiệm chuyên môn, nghệ thuật phối hợp thuốc của bác sĩ; sự hiểu biết về dược lý, về tác dụng chính, tác dụng phụ của thuốc, cũng như hiểu cả cách xử trí khi có tác dụng phụ xảy ra…


 

Nhưng đáng nói là, việc cho toa thuốc đôi lúc còn tùy thuộc vào mục đích của bác sĩ (BS). Có những BS luôn trau chuốt danh dự nghề nghiệp của mình qua từng toa thuốc, cân nhắc kỹ lưỡng, hỏi bệnh nhân kỹ càng, kể cả về điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân trước khi đặt bút kê toa. Nhưng cũng có những BS lấy toa thuốc làm phương tiện để kiếm tiền. Thực tế cho thấy có những BS liên kết với các nhà cung cấp thuốc, các hãng dược phẩm trong việc kê toa thuốc. Lúc này, người BS kê toa “chạy theo” theo nhà cung cấp thuốc, mà quên mất lợi ích, an toàn cho người bệnh.
Hậu quả của việc cho toa thuốc không phù hợp là bệnh tật không khỏi, hoặc bệnh tình kéo dài (ở trường hợp này bệnh chưa được chẩn đoán xác định mà toa thuốc vẫn được kê, đa phần là do BS yếu chuyên môn, tay nghề, việc chẩn đoán bệnh bị sai lệch). Có những toa thuốc rất đắt tiền, do BS cho toàn thuốc thế hệ mới, biệt dược mới, nhất là thuốc kháng sinh, bệnh có thể hết nhanh nhưng cũng chóng lờn thuốc. Trường hợp này rơi vào BS mới ra nghề, hoặc BS muốn khai thác kinh tế, hay muốn nổi tiếng với người bệnh… Dù nguyên nhân thế nào, người bệnh cũng “lãnh đủ”, thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, có trường hợp thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một yếu tố khác liên quan đến toa thuốc cũng cần đề cập vì nó khá phổ biến, đó là thực trạng chữ viết cẩu thả của BS. Tình trạng BS viết toa thuốc mà người bệnh đọc không ra là sai quy định của ngành, đồng thời thể hiện vô trách nhiệm với người bệnh, bởi bệnh nhân có thể mua nhầm, hoặc uống nhầm thuốc, rất nguy hiểm. Nhiều BS viết toa thuốc cẩu thả cũng khiến dư luận cho rằng mục đích là muốn giữ chân bệnh nhân phải mua thuốc ở cơ sở của mình.
Nói những điều trên để thấy rằng, từng toa thuốc đã thể hiện cả chuyên môn và y đức của người BS. Cho nên cần nâng cao tay nghề, xây dựng giá trị bản thân, luôn nghĩ về nghề của mình cứu người bệnh là chính, chứ không phải chú tâm làm thương mại. Tài sản không là chuẩn mực để đánh giá người BS.

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng 
Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM