Hãy giảm vất vả cho bệnh nhân già yếu
Quy định yêu cầu bệnh nhân già yếu bị bệnh mãn tính hằng tháng phải đến bệnh viện khám bệnh mới được cấp thuốc diện bảo hiểm y tế đang gây khó khăn, vất vả cho người bệnh và gia đình.
Hãy giảm vất vả cho bệnh nhân già yếu
Quy định yêu cầu bệnh nhân già yếu bị bệnh mãn tính hằng tháng phải đến bệnh viện khám bệnh mới được cấp thuốc diện bảo hiểm y tế đang gây khó khăn, vất vả cho người bệnh và gia đình.
Bệnh nhân nằm liệt vẫn phải đến bệnh viện khám bệnh mới được cấp thuốc diện bảo hiểm y tế – Ảnh: T.D. |
Trong dịp vào TP.HCM mới đây, tôi đến thăm người em con chú là N.T.O. tại quận Tân Bình. Bà đã 77 tuổi, bị bệnh Parkinson đã nhiều năm, nay không còn nói được nữa và cũng không nhận ra người quen; ăn không nuốt được, phải bơm thức ăn xay nhuyễn trực tiếp vào dạ dày.
Chúng tôi ngồi cạnh khoảng 30 phút mà không thấy bà nhấc mình lên được lần nào. Vậy mà hằng tháng, để có thể nhận thuốc điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) theo chế độ bảo hiểm y tế, bệnh viện yêu cầu phải đưa bà đến mới cấp thuốc với lý do “để tránh sự giả mạo”!
Dù cũng biết trong việc cấp phát và nhận thuốc bảo hiểm y tế lâu này có sự giả mạo, gian dối, nhưng nghe cô Y. – con gái bà – kể sự tình, tôi vừa xót xa vừa không nén được sự bất bình. Xót xa khi hình dung cô Y. mỗi lần phải xốc nách dìu người mẹ già xuống cầu thang, rồi lên taxi tới bệnh viện để nhận thuốc.
Bất bình vì một ngành vốn giàu tính nhân đạo như ngành y tê, sao lại có thể áp dụng một quy chế chỉ có thể nói là “hành hạ” đối với một người già trong tình cảnh sức khỏe kiệt quệ, gần đất xa trời?
Thiết nghĩ nếu thật sự quan tâm đến hoàn cảnh người già yếu bị bệnh mãn tính (chứ không chỉ với một trường hợp bà N.T.O.) thì ngành y tế vẫn tìm được cách tốt hơn để giảm bớt sự đau khổ cho họ.
Tôi được biết ở Hà Nội có dịch vụ xét nghiệm tại nhà đối với các bệnh cần phải thử máu trước khi ăn, đã giúp những người già giảm được một khâu vất vả và có thể nguy hiểm khi buổi sáng phải nhịn ăn đến bệnh viện chờ chực hết lấy số, nạp tiền rồi đến lượt lấy máu…
Ở Huế, Phòng khám bảo vệ sức khỏe cán bộ cũng cho phép người nhà ký nhận thay thuốc điều trị cao huyết áp khi bệnh nhân ổn định nhưng không còn sức để đi nhận thuốc hằng tháng.
Với các trường hợp bệnh nhân nếu cần có sự thăm khám bệnh trực tiếp của nhân viên y tế thì bệnh viện và gia đình người bệnh có thể thoả thuận thêm một khoản chi phí (xăng xe…), hẹn ngày giờ để bệnh viện đến phát thuốc tại nhà.
Nếu khéo sắp xếp lịch trình trên một địa bàn hợp lý, chỉ một nhân viên trong một buổi sáng (thứ bảy chẳng hạn) có thể phục vụ tại nhà cho ít nhất cả chục bệnh nhân như thế.
Và như vậy, chi phí bệnh nhân phải góp thêm sẽ không đáng kể nếu so với việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng taxi có thể tốn vài trăm ngàn đồng (cả đi/về), đó là chưa kể công người đưa đi, sự đau đớn của người bệnh và tai nạn có thể xảy ra trong lúc di chuyển.
Tôi được biết gần đây ngành y tế và bà bộ trưởng đã có nhiều động thái giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. Tôi nêu câu chuyện này, rất mong ngành y tế nên có một chỉ thị buộc các cơ sở khám bệnh bảo hiểm y tế phải tìm cách phát thuốc tại nhà cho bệnh nhân không còn sức tự đến bệnh viện lĩnh thuốc.
Sẽ triển khai khám bệnh tại nhà Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, trả lời: Trước đây, báo Tuổi Trẻ đã viết về một trường hợp tương tự như bạn đọc phản ảnh. Bệnh viện Thống Nhất rất muốn phục vụ bệnh nhân tốt hơn nhưng cũng phải tuân thủ các quy định trong luật định của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế. Về vấn đề khám tại nhà, sau khi tham khảo giá của các bệnh viện tại TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất đã và đang xây dựng các giá dịch vụ trình cấp trên phê duyệt gồm giá khám bệnh tại nhà, giá chăm sóc điều dưỡng tại nhà, giá lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại nhà, giá tập vật lý trị liệu tại nhà. Sau khi được phê duyệt, Bệnh viện Thống Nhất sẽ thông báo và triển khai thực hiện. |
Có hai hướng tháo gỡ Bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết rất đồng tình và cảm thông với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính quá già yếu không thể đến bệnh viện khám bệnh. Thực tế, các bệnh viện yêu cầu người bệnh đến khám mới cấp thuốc ngoài lý do loại trừ việc giả mạo còn là thực hiện quy chế chuyên môn. Điều 55 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định việc chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phải dựa trên kết quả khám lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng kết hợp với yếu tố tiền sử bệnh, gia đình, nghề nghiệp và dịch tễ. Bà Hương cũng cho biết trước nhiều ý kiến đóng góp của những bệnh nhân quá già yếu không thể đến bệnh viện để khám bệnh, Bộ Y tế xin tiếp thu và dự kiến sẽ bàn bạc để hướng dẫn tháo gỡ. Có thể có hai hướng. Thứ nhất là thông báo cho các bệnh viện nếu bệnh viện nào có đủ nhân lực và bảo hiểm xã hội chấp nhận chi trả dịch vụ khám tại nhà thì tổ chức khám chữa bệnh cho bệnh nhân già bị bệnh mãn tính tại nhà, bảo hiểm vẫn chi trả và cấp thuốc như khám ở bệnh viện. Hướng thứ hai là có thể cấp thuốc ba tháng một lần thay vì một tháng như hiện nay. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ là bao giờ các hướng thay đổi này sẽ được áp dụng, bà Hương nói các hướng này là khả thi, khả năng sẽ sớm được chấp thuận để thực hiện. |