27/11/2024

Quỹ chữa bệnh cho người nghèo: Càng chậm càng khổ

Những người nghèo bệnh mãn tính, bệnh nặng, chi phí điều trị cao và người cận nghèo rơi vào bệnh tật tương tự trở nên bế tắc.

 

Quỹ chữa bệnh cho người nghèo: Càng chậm càng khổ

 

Những người nghèo bệnh mãn tính, bệnh nặng, chi phí điều trị cao và người cận nghèo rơi vào bệnh tật tương tự trở nên bế tắc.

 

 

Quỹ chữa bệnh cho người nghèo: Càng chậm càng khổ

Họ không có lối thoát vì quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chi trả tối đa 40 tháng lương tối thiểu/đợt điều trị, chưa đến 50 triệu đồng.

Anh Danh Tròn (30 tuổi, bìa phải) bị suy thận mãn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Sau khi bán 10 công đất chữa bệnh, gia đình anh đã khánh kiệt. Hiện anh vừa nằm viện vừa bán vé số tự lo thân, nhớ con cũng không có tiền về thăm – Ảnh: Khoa Nam
Nếu tính trung bình mỗi năm quỹ BHYT kết dư được 3.000 tỉ đồng thì 600 tỉ đồng trong số đó sẽ được để lại cho địa phương. Trung bình mỗi địa phương sẽ có 10 tỉ đồng chi cho người nghèo khám chữa bệnh và sửa chữa, nâng cấp cơ sở y tế
Ông Nguyễn Minh Thảo (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN)

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 139 thành lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để giúp người nghèo chữa bệnh theo hình thức “thực thanh thực chi”. Sau này, Nhà nước chuyển sang cấp ngân sách mua BHYT cho người nghèo, đầu năm 2012 có hướng dẫn hoạt động của quỹ khám chữa bệnh người nghèo sửa đổi.

Tháng 10-2013, Bộ Y tế – Bộ Tài chính có thông tư liên tịch hướng dẫn thành lập và hoạt động của quỹ này, nhưng đến nay mới có một số địa phương thành lập quỹ. Vì vậy các quy định người nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày điều trị ở bệnh viện, tiền xe chuyển viện, một phần chi phí khám chữa bệnh… từ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo địa phương vẫn còn nằm trên giấy.

Bán hết nhà cửa cũng phải bỏ cuộc

Ông Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tâm sự làm việc ở bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, ông và đồng nghiệp gặp vô số bệnh nhân nghèo bán nhà cửa, đồ đạc đi Hà Nội chữa bệnh, nhưng đến Hà Nội thì… hết tiền, bỏ cuộc.

“Cách đây ít hôm chúng tôi nhận một bệnh nhân bị sỏi trong gan từ Lào Cai chuyển đến, anh ấy bán hết heo và gà trong chuồng mới được 4 triệu đồng mang đi, nhưng chi phí phẫu thuật và tán sỏi trong gan khoảng 30 triệu đồng.

Nếu không tán sỏi mà chỉ mổ đơn thuần thì tối đa nửa năm sau bệnh nhân sẽ phải mổ lại, trong khi tán sỏi độ bền kỹ thuật sẽ được khoảng 10 năm. Chúng tôi đã miễn chi phí tán sỏi, lại phải xin cơm từ thiện cho anh ấy và con trai đi nuôi bệnh ăn trong những ngày ở bệnh viện” – ông Quyết kể.

Theo ông Quyết, mỗi năm ông không nhớ mình phải ký bao nhiêu đơn miễn viện phí cho bệnh nhân nghèo như vậy, nhưng chưa thấy quỹ nào đến liên hệ mà tất cả viện phí miễn đều từ quỹ của bệnh viện và các nhà hảo tâm do bệnh viện huy động.

Đại diện một tờ báo có chuyên mục Tấm lòng nhân ái cho biết riêng khu vực Hà Nội, mỗi ngày họ nhận được 10-20 đơn đề nghị giúp đỡ của bệnh nhân nghèo, nếu tính cả nước thì phải hàng trăm đơn mỗi ngày.

“Có rất nhiều trường hợp thương tâm, cách đây một tuần là trường hợp một gia đình cả hai bố con bị ung thư. Tôi đã gặp họ trong khi đưa người nhà đi chữa bệnh. Sau khi báo đăng có nhiều người hảo tâm hỗ trợ nhưng cháu bé đã qua đời. Mẹ cháu khóc nói nếu gặp được những tấm lòng nhân ái sớm hơn thì bé đã không quá khổ như những ngày cuối cùng của cuộc đời” – vị này cho biết.

Ông Nguyễn Kim Sơn, quyền giám đốc Trung tâm chống độc, cho biết ở trung tâm này ông chưa thấy trường hợp nào nhận được hỗ trợ từ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, bản thân ông cũng mới chỉ nghe tên quỹ lần đầu.

“Có những trường hợp có khả năng cứu sống nhưng việc chi trả viện phí nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Khi chứng kiến những trường hợp như vậy, chúng tôi rơi vào tình trạng bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, trong khi rõ ràng bệnh tình có thể chữa trị được. Chúng tôi cũng vận động nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ ở một số cơ quan, tổ chức… nhưng tất cả biện pháp này đều mang tính chất không triệt để” – ông Sơn cho biết.

Lối ra nào cho bệnh nhân nghèo?

Theo ông Nguyễn Minh Thảo – phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, quy định mới cho phép địa phương để lại 20% kết dư (tiền thu BHYT còn dư hằng năm) và một phần trong đó được chi trong khám chữa bệnh cho người nghèo.

Năm năm vừa qua, quỹ BHYT đã kết dư khoảng 25.000 tỉ đồng, nhưng quy định mới này chỉ áp dụng từ ngày 1-1-2015 và chỉ tính trên tiền BHYT kết dư từ năm 2015, nghĩa là phải năm 2016 may ra người nghèo mới có cơ hội nhận được hỗ trợ từ phần kết dư của BHYT.

Còn quyên góp để quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo các tỉnh thành có tài chính hỗ trợ người bệnh thì như đánh giá của Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế là rất khó khăn.

“May ra chỉ có Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khá giả có quỹ này, còn địa phương nghèo thì rất eo hẹp” – đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN – cho biết có đến bệnh viện mới thấy rất nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh, vì không nộp được số tiền ngoài phần quỹ BHYT chi trả.

Hiện các trường hợp chữa bệnh chi phí lớn thì quỹ BHYT chỉ chi trả tối đa 40 tháng lương tối thiểu, tức chưa đến 50 triệu đồng/đợt điều trị.

Trong khi mới đây, tại Bệnh viện Nhi T.Ư có một cháu bé người dân tộc thiểu số bị bệnh tim bẩm sinh, chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng. Với người cận nghèo, dù mức chi trả từ quỹ BHYT có tăng từ 80% lên 95% từ ngày 1-1-2015, nhưng nếu không may mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận mãn hay ung thư thì phần phí phải cùng chi trả cũng rất lớn, nếu có quỹ hỗ trợ người nghèo thì sẽ đỡ khó cho họ.

Gần đây, Bắc Ninh đã hỗ trợ người cận nghèo 30% mệnh giá thẻ BHYT (70% còn lại do ngân sách nhà nước chi trả), tỉnh Tây Ninh thì quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư, mổ tim, chạy thận nhân tạo…

“Mong các địa phương còn lại nhanh có phương án hỗ trợ cho người nghèo của tỉnh mình, thành phố mình, đừng để ai phải chết vì không có tiền chữa bệnh” – ông Sơn nói.

TP.HCM: mỗi năm chi hơn 23 tỉ đồng

Bà Đinh Thị Liễu – trưởng phòng tài chính Sở Y tế TP.HCM – cho biết quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo TP.HCM được thành lập từ năm 2004. Từ năm 2004-2014, ngân sách nhà nước đã cấp 304 tỉ đồng cho quỹ này.

Cũng trong thời gian này, quỹ đã chi 232 tỉ đồng để mua thẻ BHYT, hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn cho những bệnh nhân là thành viên của hộ nghèo thành phố, thành viên của hộ cận nghèo đang chạy thận nhân tạo, thành viên của hộ nghèo – hộ cận nghèo vừa vượt chuẩn cận nghèo đang chạy thận nhân tạo khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Dự kiến năm 2015, ngoài chính sách đang áp dụng, Ban chỉ đạo giảm nghèo tăng hộ khá TP, Sở Y tế TP và hai sở liên quan đang trình UBND TP điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ như: đối với hộ nghèo của TP (mã thẻ CN, tức là hộ cận nghèo của quốc gia), quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ 5% chi phí khám chữa bệnh sau khi đã được BHYT chi trả.

Tương tự, đối với hộ cận nghèo (mã thẻ GD), quỹ này hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh. Đối với thành viên hộ vượt chuẩn cận nghèo (mã thẻ GD), quỹ này hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn phải điều trị bằng phương pháp lọc máu ngoài thận.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan còn đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có thẻ BHYT thuộc hộ gia đình nghèo và hộ gia đình cận nghèo; thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật như trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV, mồ côi cha mẹ…

THÙY DƯƠNG

 

LAN ANH – QUỲNH LIÊN