27/11/2024

Chợ mưu sinh mùa tết của công nhân

“Công nhân ghé ủng hộ công nhân đi chị em ơi! Hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ, mẫu mã đẹp. Mua về làm quà, tết cả nhà đoàn viên!”. Giữa dòng người xe nhộn nhịp ở con đường dẫn vào khu công nghiệp, tiếng rao hàng của một nữ công nhân như đánh tan những mỏi mệt của ca làm việc ban ngày.

 

Chợ mưu sinh mùa tết của công nhân

Giữa dòng người xe nhộn nhịp ở con đường dẫn vào khu công nghiệp, tiếng rao hàng của một nữ công nhân như đánh tan những mỏi mệt của ca làm việc ban ngày.

Những món quà tết từ các phiên chợ công nhân luôn ấm áp và đầy nghĩa tình trong hành trang về quê ăn tết của người xa xứ (ảnh chụp tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: T.Long

“Công nhân ghé ủng hộ công nhân đi chị em ơi! Hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ, mẫu mã đẹp. Mua về làm quà, tết cả nhà đoàn viên!”. Giữa dòng người xe nhộn nhịp ở con đường dẫn vào khu công nghiệp, tiếng rao hàng của một nữ công nhân như đánh tan những mỏi mệt của ca làm việc ban ngày.

Nhanh tay xếp gọn lại những chiếc chăn rực rỡ màu sắc mà khách hàng vừa chọn, chị Nguyễn Thị Tuyết – công nhân một công ty may ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) – cười thật tươi và bảo: “Mấy hôm nay, mỗi tối em bán cũng được 10 bộ chăn, toàn bán cho công nhân đem về quê làm quà tết! Ði làm xa cả năm, tết đến ai cũng mong mang thật nhiều quà về cho người thân.

Công nhân ở Sài Gòn này, người miền Trung rất nhiều nên quà đem về quê trong những ngày giá lạnh là tấm chăn đẹp, ấm áp và ý nghĩa nhất. Mình là công nhân nên mình biết công nhân cần mua cái gì, giá cả như thế nào”.

Công nhân bán - công nhân mua

Hơn nửa tháng qua, chị Tuyết cùng với chị Trần Thanh Lan cũng là công nhân hùn vốn lại với nhau lấy hàng chăn drap giá rẻ tại một đầu mối quen để bán lại cho công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình. Cứ sau giờ làm việc ca ngày, hai chị lại về phòng trọ chở chăn drap cùng một tấm bạt nhỏ ra trải ở một góc gần đường Tây Thạnh để bán cho công nhân.

“Năm nay công ty làm ăn khó khăn, thưởng tết cũng ít hơn năm ngoái. Tụi em bàn bạc mãi, cuối cùng nghĩ ra cách hùn vốn lại buôn bán kiếm thêm chút tiền để về quê ăn tết vui hơn. Công việc này không nặng nhọc, chủ yếu mình phải biết chọn hàng cho thật chất lượng nhưng giá phải thật mềm. Túi tiền của công nhân có hạn, tụi em cũng là công nhân nên tụi em biết, mua một món quà có thể nhịn ăn sáng cả tuần, nhưng cảm giác về quê mà có quà cho mọi người là hạnh phúc lắm” – chị Lan vừa đếm lại những đồng tiền bán được trong buổi tối vừa chia sẻ.

Hơn 21g. Chưa kịp ăn ổ bánh mì lót bụng cho buổi tối, sạp quần áo “đặc biệt” của vợ chồng anh Trương Thành và chị Phạm Thị Thu vẫn tấp nập khách hỏi mua. Là công nhân một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Tân Bình, vợ chồng anh quyết định dồn tất cả số tiền lương, thưởng cuối năm để mua quần áo về bán cho công nhân. Không có tiền để thuê mặt bằng, vợ chồng anh được một chủ quán nước trên đường Tây Thạnh đồng ý cho mượn mặt tiền bán tạm.

“Ðiều tôi vui nhất là thấy anh chị em công nhân như mình mua được hàng giá rẻ để về làm quà chứ thật ra cũng không kiếm được đồng tiền lời nhiều” – anh Thành thổ lộ.

Cũng theo chị Thu, nhờ có người bà con chuyên bán quần áo sỉ ở chợ Tân Bình nên chị lấy được hàng giá gốc rất rẻ. Cứ 3g sáng anh Thành chạy xe đến nhận hàng về, vợ chồng bắt đầu phân loại gắn giá vào để sẵn rồi đi làm ở công ty. Xong ca làm, vợ chồng chạy ào về phòng trọ để đem đi bán.

“Tụi tôi làm cùng công ty với chị Thu, biết anh chị bán quần áo nên ra đây mua ủng hộ. So với mấy chỗ khác thì chỗ này bán rẻ hơn nhiều. Là công nhân với nhau, anh chị biết được tụi tôi cũng còn khó khăn lắm nên bán với giá rất phải chăng, chị Thu còn bảo sẵn sàng cho thiếu tiền nếu có khó quá. Khi nào nhận tiền lương thì trả cũng được. Biết anh chị cũng khó khăn như mình, nhưng nghe vậy cũng ấm áp lắm! Tụi tôi còn giới thiệu cho nhiều người ở các công ty khác đến mua để ủng hộ anh chị” – chị Lê Thị Lan Hương, công nhân, kể.

Những sẻ chia trong đêm

Càng về khuya, Sài Gòn càng lạnh. Con đường dẫn vào Khu chế xuất Linh Trung bắt đầu vắng vẻ. Chị Lê Thị Lành cùng một nhóm bạn công nhân bắt đầu dọn dẹp những chiếc chảo, xoong nồi lại. Bữa ăn khuya của cả nhóm là mấy tô hủ tiếu gõ. “Ăn nhanh đi mấy đứa! Rồi về ngủ sớm, mai còn đi làm nữa!” – chị Lành thúc giục mọi người xung quanh.

“Hôm nay bán được bao nhiêu vậy chị? Có cần gì phụ thì mai tụi em ra phụ cho nghe! Thấy chị bán được là tụi em vui lắm, bé Mai và bé Hiền năm nay được về quê ăn tết với ông bà rồi!” – một thanh niên trẻ vừa dứt lời, cả nhóm bỗng yên lặng vì thấy chị Lành ngồi thút thít khóc.

Quê tận Nghệ An, chị Lành cùng chồng vào Sài Gòn làm công nhân được năm năm và có với nhau hai mặt con. Giữa năm ngoái, chồng chị đã ra đi vì một tai nạn giao thông để lại chị cùng hai con nhỏ bơ vơ giữa Sài Gòn. Ðồng lương công nhân ít ỏi cùng với việc phải nuôi hai con khiến chị nhiều lúc muốn rời bỏ nơi này. Tuy nhiên, chính những lúc khó khăn ấy chị đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của bạn bè xung quanh.

“Cách đây một tháng, mấy đứa nhỏ cùng xóm trọ đem qua cho tôi 10 triệu đồng, bảo chị lấy làm vốn mua đồ về bán thêm ban đêm để kiếm tiền đưa hai bé về quê ăn tết. Vậy là tụi nó cùng tôi đi mua xoong nồi, rá rổ về để ra đây bán. Buổi chiều làm ca xong, về cho con cái ăn uống xong là tôi ra đây bán với sự phụ giúp của mấy đứa em cùng xóm trọ. Tiền lời bán được tụi nó bảo chị giữ lại để về quê ăn tết. Tôi thật chẳng biết nói sao cho hết tấm chân tình này giữa xứ người” – chị Lành xúc động kể.

Gói ghém tất cả xoong nồi vào những chiếc bao để bạn chở về giúp chị Lành, anh Trần Thiện, công nhân Khu chế xuất Linh Trung, tiếp tục chạy qua phụ dọn dẹp gian hàng giày dép của hai bạn nữ công nhân cùng xóm trọ của mình ở gần đó.

Anh Thiện cho biết: “Bình thường, tối đến công nhân tụi em hay đi uống cà phê, buồn quá thì đi nhậu. Nhưng mấy hôm nay toàn rủ ra đây phụ giúp mấy chị em bán hàng, vừa vui mà vừa đỡ tốn tiền cà phê nữa! Nói vậy thôi, chứ mấy bạn nữ bán hàng ở khu vực này về đêm cũng nguy hiểm lắm, nhất là mấy bạn không phải là người chuyên buôn bán, chỉ tranh thủ dịp tết đến để kiếm thêm thu nhập thì càng dễ bị người ngoài bắt nạt, quấy phá nên có đàn ông phụ giúp cũng đỡ hơn nhiều”. 

 

Hùn vốn bán trái cây

Những ngày này, chị Trần Thị Ngọc Hạnh, công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, cùng một nhóm bạn bắt đầu lên ý tưởng và chụp hình để bán trái cây tết qua Facebook.

“Quê em ở Vĩnh Long nên em quen biết rất nhiều vựa trái cây. Em tính tranh thủ những ngày giáp tết sẽ bán trái cây qua Facebook cho bạn bè công nhân của mình. Chuyện buôn bán này cũng dễ, chỉ cần bạn bè đặt hàng bao nhiêu, đến ngày mình giao đến tận nhà, tận phòng trọ cho họ. Công nhân tụi em cũng xài Facebook nhiều nên càng dễ bán hàng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn chính là chất lượng và giá cả hợp lý. Nhóm bạn của tụi em gồm sáu người sẽ thay phiên nhau nhận hàng từ quê lên. Sau đó, sẽ giao hàng đến tận nhà nên giá rẻ hơn rất nhiều” – chị Hạnh kể.