27/11/2024

Đường cùng của bệnh nhân nghèo

Thỉnh thoảng tới lịch chạy thận bác sĩ lại không thấy bệnh nhân đâu. Bác sĩ hỏi những người còn lại họ thường chỉ im lặng rồi khóc…

 

Đường cùng của bệnh nhân nghèo

 

Thỉnh thoảng tới lịch chạy thận bác sĩ lại không thấy bệnh nhân đâu. Bác sĩ hỏi những người còn lại họ thường chỉ im lặng rồi khóc…

 


 

 

Hai cha con anh Đường Vinh Công và bé Đường Công Minh tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương – Ảnh: Nguyễn KHánh

Khánh kiệt vì bệnh hoặc gia cảnh khó khăn đã khiến nhiều bệnh nhân không biết bấu víu vào đâu để chống chọi với bệnh tật. Ðã có người tự tìm con đường giải thoát bằng cách bỏ lịch điều trị về nhà chờ chết, có người đã tự tử.

“Tôi đã phải bán nhà”

Từ hơn một năm nay, anh Đường Vinh Công – nông dân ở Vĩnh Phúc – phát hiện mắc chứng máu khó đông và hiện bệnh đã ảnh hưởng đến khớp. Con trai anh, bé Đường Công Minh bị ung thư máu, đã trải qua chín lần điều trị hóa chất nhưng bệnh luôn trong tình trạng đe doạ tái phát.

“Ngoài cháu Minh tôi còn một con nhỏ, bà xã làm may công nghiệp lương chỉ 4 triệu đồng/tháng, mà hai bố con thì tháng nào cũng phải đi bệnh viện, không có tiền nên hai “bệnh nhân” tự đi trông nhau, bố nằm tầng hai con nằm tầng sáu. Năm ngoái tôi đã phải bán nhà” – anh Công chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, tâm sự thỉnh thoảng tới lịch chạy thận lại không thấy bệnh nhân đâu. Hỏi những người còn lại họ thường chỉ im lặng rồi khóc.

“Không hỏi thì chúng tôi cũng biết là những người này đã lặng lẽ về quê để sớm chấm dứt chuỗi ngày bệnh tật, nghèo đói của mình. Thương quá mà không biết làm sao để giúp bởi chúng tôi cũng đã cố hết sức mình rồi” – bác sĩ Thu Ba nói.

Càng đi càng thấy tối

Theo bác sĩ Thu Ba, mỗi năm khoa thận – lọc máu Bệnh viện đa khoa Kiên Giang có khoảng 10 bệnh nhân tự bỏ lịch điều trị, đồng nghĩa với việc họ đã chọn cái chết để giảm gánh nặng cho người thân. Còn số bệnh nhân nghèo bỏ lịch một vài lần, yếu quá mới lên chạy thận để cầm cự qua ngày thì nhiều lắm.

Bệnh nhân Võ Kim Thuý Hằng (52 tuổi, P.Vĩnh Thông, TP Rạch Giá) bỏ lịch điều trị từ ngày 17-12-2014. Tìm đến nhà bà Hằng, chúng tôi ngỡ ngàng chứng kiến bàn thờ của bà mới lập nghi ngút khói hương. Căn nhà nhỏ trống rỗng không còn vật dụng gì đáng giá.

Chị Nguyễn Thị Ðến – con dâu bà Hằng – cho biết trước khi mất chừng nửa tháng, mẹ chồng chị không chịu đến viện chạy thận nữa, đòi ở nhà để nhìn mặt con cháu ngày nào hay ngày đó.

Trông chờ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo

Cách đây 13 năm, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 139 thành lập quỹ khám bệnh cho người nghèo nhằm mục đích chi trả chi phí cho người nghèo chữa bệnh theo hình thức “thực thanh thực chi”. Sau này Nhà nước chuyển sang cấp ngân sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo vẫn còn đó nhưng gần như không còn hoạt động. Những người nghèo bệnh mãn tính, bệnh nặng, chi phí điều trị cao, người cận nghèo chỉ một lần bệnh đã thành nghèo, trở nên không có nơi bấu víu.

Theo lời chị Ðến, trước đây cả nhà làm ruộng, trồng hoa màu cũng đủ sống. Nhưng từ khi mẹ chồng của chị chạy thận thì ruộng vườn lần lượt bán hết.

Ba chồng, rồi chồng chị Ðến phải chuyển qua đi làm phụ hồ. Hiện tại gia đình chị Ðến còn nợ ngân hàng, bà con lối xóm cả trăm triệu đồng chưa biết lấy gì để trả.

Trường hợp bệnh nhân N.V.T., một bệnh nhân đã năm năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), càng đau lòng hơn.

Giữa năm 2014, anh T. tự tử tại bệnh viện để lại nỗi thương xót cho các thầy thuốc nhiều năm chạy chữa cho anh.

Anh T. quê ở Bắc Giang, đã nghèo cùng cực, không có người thân lại còn mắc bệnh suy thận mãn. Ở bệnh viện anh T. hằng ngày đi ăn xin, tối ngủ ở hành lang bệnh viện, đến ca chạy thận thì vào chạy thận rồi lại… ra hành lang trải chiếu nằm.

Thuộc diện hộ nghèo, anh T. có bảo hiểm y tế miễn phí và được miễn hầu hết chi phí chạy thận, nhưng sức người suy thận mãn rất yếu, lượng urê trong máu luôn cao khiến lúc nào họ cũng bứt rứt, khó chịu kèm đau nhức mình mẩy, không thể làm việc nặng.

Ðó là chưa kể họ cần có chế độ dinh dưỡng phức tạp như ăn nhạt, giảm thiểu chất đạm, giảm thiểu tối đa nước…

“Một lần tôi gặp T. hỏi dạo này sống thế nào, T. nói ổn, dạo này em đi ăn xin! Da anh ấy lúc nào cũng tím đen, trên tay không còn chỗ mà làm cầu chạy thận. Tôi tìm mấy nhà hảo tâm nhờ giúp T. tiền thuê nhà trọ đỡ phải vạ vật ở hành lang. Nhưng rồi T. tự tử. Người bệnh thận mãn tính càng đi càng thấy tối, thấy không còn đường thoát, có khi anh ấy muốn được giải thoát” – một bác sĩ từng điều trị cho T. nói.

Lay lắt qua ngày

Nằm trên giường chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, anh Danh Tròn (30 tuổi, xã Bình An, huyện Châu Thành) nói anh có hai con nhỏ. Hơn năm năm trước, thận anh bắt đầu ứ nước, cơ thể sưng phù, ăn uống không được vì chỉ cần nghe mùi thức ăn là đã muốn ói.

Sợ tốn tiền, anh Tròn không dám đi khám nên bệnh nặng dần, cuối cùng khi vào đến bệnh viện tỉnh thì các bác sĩ nói bệnh thận của anh đã vào giai đoạn cuối, hằng tuần phải chạy lọc máu ba lần, mỗi lần gần bốn giờ mới giữ được mạng sống.

Từ chỗ có 14 công đất ruộng, mỗi mùa trừ chi phí cũng còn dư vài chục triệu đồng, tuy không khá nhưng đủ ăn, đến nay anh Tròn đã bán 10 công đất để lấy tiền trị bệnh. Năm 2013, gia đình anh được đưa vô diện hộ cận nghèo.

“Bệnh này không trị dứt được nên tui nói vợ tui đừng bán đất nữa, đừng lo cho tui nữa, còn bao nhiêu đất ráng giữ lại để làm nuôi con. Tui ở trên này đi bán vé số kiếm tiền trị bệnh. Chừng nào đi hết nổi thì chịu chết” – anh Tròn ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ như anh Tròn tại khoa thận lọc máu là gần 30 bệnh nhân khác, nhiều người trong số đó đã chọn nghề bán vé số dạo để kiếm tiền trang trải cho khoản chi trả theo quy định bảo hiểm y tế.

Những người còn khoẻ thì đi bán vé số bên ngoài, ai yếu quá bán lòng vòng trong bệnh viện dù biết là bị cấm. Còn tính cả Bệnh viện đa khoa Kiên Giang thì hiện có khoảng 50 bệnh nhân nghèo tới mức không còn đường về nhà. Họ đã chọn bệnh viện làm ngôi nhà thứ hai của mình để lay lắt sống nốt khoảng thời gian còn lại.

Tại cuộc họp báo mới được Bộ Y tế tổ chức tuần trước ở Hà Nội, có một câu chuyện đã được kể: Tại Bệnh viện Nhi trung ương, một bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa có hoàn cảnh khó khăn, đi mổ hai lần thì cả hai lần đều phải có nhà hảo tâm hỗ trợ.

Hiện giờ bé và mẹ đang thuê trọ ngay… cổng bệnh viện để chờ được nong hậu môn, mỗi ngày tốn thêm 70.000 đồng tiền trọ mà tiền này cũng phải nhờ người hảo tâm giúp chứ mẹ bé không có lấy một xu trong người.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết – giám đốc Bệnh viện Việt Ðức, ở nước ngoài có những bệnh nhân dị tật bẩm sinh phải ở bệnh viện 3-5 năm để chữa bệnh, nhưng ở VN thì bệnh viện thiếu giường, không có đủ cho bệnh nhân phải nằm viện quá dài ngày. “Tôi ao ước có những khu trọ giá rẻ hoặc miễn phí cho người bệnh để họ đỡ khổ” – ông Quyết cho biết.


KHOA NAM – LAN ANH